Chợ chạy
Một góc chợ công nhân tại khu chế xuất Linh Trung. |
Chiều tan tầm, người đi đường ngang qua cầu vượt Linh Xuân (Q. Thủ Đức - TP HCM) dễ bắt gặp hàng trăm xe lớn nhỏ bày bán thức ăn, rau củ, hoa quả... trước cổng chính khu chế xuất (KCX) Linh Trung, dù cách đó không xa là bảng cấm tụ tập buôn bán. Người bán có mặt ở đây từ 3 giờ chiều để tìm cho mình vị trí đẹp và dọn hàng đợi công nhân tan ca ra mua thức ăn về nấu buổi tối.
Dù là những gian hàng di động trên xe, hoặc chỉ là một tấm nhựa được trải dưới đất để bày hàng nhưng hàng hóa vô cùng phong phú, từ thịt cá, đến rau củ các loại gần như không thiếu thứ gì và giá luôn rẻ hơn chợ truyền thống hay siêu thị từ 1.000 - 20.000 đồng/ký, tùy loại.
Tuy giá rẻ nhưng nhìn hàng hóa không khỏi ngao ngán, trừ cá sông tươi sống lờ đờ thở oxy trong thau, số cá biển đa số bị sứt đầu, lòi ruột; tôm, mực ướp đá lạnh tanh thoang thoảng mùi hôi chực ươn; thịt heo, gà đều không có mộc kiểm dịch, màu sắc hơi tái nhạt; mặt hàng củ và trái cây cũng không khá hơn, lớp vỏ không còn săn chắc và thâm đen nhiều chỗ; duy chỉ có rau xanh là xanh mơn mởn, mẩy đều trông rất bắt mắt.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là điêu xa xỉ ở chợ công nhân. |
Bằng mắt thường vẫn có thể nhận biết hàng hóa ở khu chợ này không an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng công nhân chẳng mảy may quan tâm, vẫn vô tư mua. “Phòng em ba đứa, mỗi đứa hùn 20.000 đồng một ngày để nấu ăn, với số tiền đó tụi em không thể vào chợ hoặc siêu thị mua đồ... Là công nhân mà không biết tiết kiệm thì chết, với lại tụi em còn trẻ, ăn đồ cũ tí cũng chẳng sao, miễn sao ngon miệng và không bị đau bụng là được”, Hạnh Thuần công nhân KCX Linh Trung hồn nhiên cho biết.
Cách đó không xa là khu chợ “chạy” chuyên bán cho công nhân nằm trong hẻm đình Xuân Vinh đường Kha Vạn Cân, cảnh người mua kẻ bán vô cùng tấp nập lúc chiều về. Theo những người dân sống trong con hẻm đình này thì người bán ở chợ là dân ở nơi khác đến, đa số ở miền Bắc, họ họp chợ từ 15h đến hơn 19h là vãn.
“Dân ở đây cũng mua đồ ở chợ này nhưng chỉ mua người quen, có đồ ngon thì họ bán, nếu không tốt thì nói cho chúng tôi biết. Nhìn chung hàng hóa ở chợ không tươi vì hầu hết đây là hàng dội chợ buổi sáng ở các vùng lân cận mang về nên giá rẻ hơn rất nhiều”, bà Dung, một người dân ở đây kể.
Chạy qua những khu công nghiệp khác, chúng tôi cũng bắt gặp những chợ di động dành cho công nhân, tập trung ở những cung đường vành đai quanh KCX - KCN. Những chợ này có cùng một đặc điểm là giá rẻ phù hợp với công nhân và sẵn sàng di chuyển nếu gặp trật tự đô thị. Ngoài mặt hàng ăn uống, công nhân còn có thể mua được quần áo, trang sức, giày dép... với giá rẻ bất ngờ.
Quần áo ở những khu chợ này giá cả thuộc dạng siêu rẻ. |
Ở những khu chợ này, có thể tìm thấy những chiếc quần jeans model nhất, hay những chiếc đầm, áo thun đang “hot” trên thị trường, nhưng giá chỉ từ hơn 10.000 đồng và dừng ở mức giá tối đa 200.000 đồng.
Đối với nhiều công nhân, sau một ngày mệt nhoài với công việc, đi chợ lựa hay ngắm áo quần gần như là thú tiêu khiển phổ biến. Dù không có nhiều tiền nhưng họ vẫn có thể mua những chiếc áo thun bó sát người hay chiếc quần bò bạc phếch đầy cá tính. Chị Thu, một công nhân đi cùng nhóm bạn so sánh: “Đồ bộ ở chợ cũng mấy chục ngàn chỉ để mặc ngủ trong khi quần áo ở đây cũng giá đó mà có thể mặc đi làm hoặc đi chơi, tội gì không mua dù đồ này cũng rất mau hư và xuống nước”.
Đúng "chất" công nhân
Thịt heo và gà gần như không có mộc kiểm dịch. |
Với mức lương khiêm tốn, cộng với vật giá leo thang, đặc biệt là giá nhà trọ tăng trong thời gian qua đã thắt chặt hầu bao của công nhân khi mua thức ăn hằng ngày. Nhiều công nhân thừa nhận, sẵn sàng tăng ca làm thêm để vừa có thêm thu nhập lại được công ty bao cơm, dẫu đó chỉ là bữa ăn cực kì đơn giản.
“Hôm nào mấy chị cùng phòng tăng ca, em cũng không nấu nướng gì, mua hai trái bắp hoặc ăn mì gói cho tiết kiệm”, Ngọc Nga, cô công nhân đang thử việc với mức lương gần ba triệu thổ lộ.
Hầu hết những công nhân chúng tôi gặp đều không quan tâm đến vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng, họ chỉ mong ăn đủ no để có sức làm việc. Rất nhiều trong số đó bảo đã rất lâu không ăn thịt bò hoặc cá tươi, bữa ăn của họ thiên về chất xơ với các loại rau củ và trứng gà.
Thành phần chính trong bữa ăn của công nhân chủ yếu là chất sơ. |
Theo chủ trương của UBND TP HCM, hệ thống Co.op Mart phải mở một cửa hàng Co.op Food trong các KCN – KCX để bán hàng bình ổn cho công nhân, nhưng sức mua của đối tượng này luôn thấp dù mỗi địa điểm bán hàng có đến vài chục đến vài trăm ngàn công nhân.
“Chỉ những công nhân làm lâu năm hoặc được công ty trả lương cao thì mới đi siêu thị mua sắm thường xuyên. Tụi mình mới vào làm nên chỉ dám ghé siêu thị mua mì gói, dầu gội, xà phòng vì thường được khuyến mãi. Đối với công nhân, 1.000 - 2.000 đồng cũng phải tính thiệt hơn chứ nói gì đến chuyện chênh lệch 5.000 – 7.000 đồng như trong chợ hay siêu thị”, Xuân Thu (công nhân công ty Freetrend) giải thích.
“Đi siêu thị muốn mua mấy thứ nhỏ lẻ rất phức tạp, lại mất công đi lại, xếp hàng. Một ngày làm mệt mua ngay trên đường về là tiện nhất, đôi khi gặp đồng hương, đồng khói còn hỏi thăm được chuyện ngoài quê, rồi kỳ kèo bớt được vài ba ngàn...”, Kim Quý (công nhân công ty Lyntex KCX Linh Trung) cho biết thêm.
Do thu nhập thấp nên công nhân không có nhiều lựa chọn khi đi chợ. |
Cuộc sống thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần của bộ phận lao động nhập cư là điều rút ra được khi đi chợ công nhân. Những phần thức ăn bị người dân thành thị từ chối được họ đón nhận một cách vô tư; những bộ quần áo mà người khác chê õng chê ẹo họ vẫn mua và mặc như một sản phẩm hợp thời trang.
Dĩ nhiên ai cũng ước mong một cuộc sống chất lượng nhưng cuộc mưu sinh khốn khó đã buộc những công nhân nghèo phải sống tằn tiện và chấp nhận như vậy. Một vòng quanh các khu chợ, chúng tôi mua về được nỗi đắng lòng...