Trong khi cơn sốt giá chung cư đang lan toả trên thị trường bất động sản Hà Nội, ở các khu vực như Long Biên, Hoàng Mai vẫn còn đó những khu nhà ở bị bỏ hoang suốt nhiều năm.
Số liệu báo cáo của Batdongsan.com.vn cho biết hiện giá rao bán chung cư tại Hà Nội đã tiệm cận TP HCM. Quý I, chung cư ở Thủ đô có mức giá trung bình là 46 triệu/m2, trong khi giá tại TP HCM là 48 triệu/m2. So với năm 2018, tốc độ tăng giá trung bình của chung cư Hà Nội lên đến 70%, vượt TP HCM - nơi chung cư tăng giá 55%. Mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra những dự án, khu chung cư tăng giá bất thường.
Bên cạnh đà tăng giá thì ở phía lực cầu, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định lượng tìm mua chung cư tại Hà Nội đã tăng đáng kể từ quý II/2023, đạt đỉnh vào tháng 8/2023. Sau đó, lượng người bán ra chung cư lớn khiến lực cầu giảm. Tuy nhiên, tháng 12/2023, nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng mạnh trở lại. Đến tháng 2/2024 đã gần quay về đỉnh của tháng 8/2023.
Chung cư Hà Nội ngày càng nóng, nguồn cung khan hiếm. Trong bối cảnh đó, vẫn còn đó những dự án nhà ở bị bỏ hoang nhiều năm.
Khu tái định cư Trần Phú ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai có lối vào nằm sâu trong ngõ 587 Tam Trinh, gần Khu đô thị Gamuda Garden. Dự án được UBND TP Hà Nội giao quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư từ năm 2010 nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô với tổng kinh phí 761 tỷ, dự kiến xây 4 cụm nhà chung cư cao 9 - 15 tầng.
Ghi nhận vào tháng 4/2024 cho thấy công trình đã xây dựng xong 2 tòa chung cư, hoàn thiện những hạng mục như hầm để xe, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy, lắp cửa kính, sơn tường... Nhiều năm không có người ở khiến cỏ mọc um tùm trong khuôn viên dự án.
Cửa kính bị dọc lối đi xuống hầm.
Vật liệu xây dựng ngổn ngang bên trong công trình.
Khung cảnh trước mặt tiền tòa nhà A.
Người dân sinh sống gần khu tái định cư tận dụng đất trống để chăn nuôi gia cầm.
Lối đi mọc rêu và cỏ dại.
Khung cảnh toà nhà hoang vắng.
Khu tái định cư Đền Lừ III cũng là một dự án bị lãng quên nhiều năm qua tại quận Hoàng Mai. Công trình nằm trên địa bàn các phường Tân Mai và Hoàng Văn Thụ, gồm 3 tòa chung cư cao tầng là CT1, CT2, CT3. Trong ảnh là khung cảnh bề mặt tường ngoài tòa CT2 bị vẽ bậy.
Trái ngược với dự án Trần Phú xây dựng ở nơi vắng vẻ, Khu tái định cư Đền Lừ III tọa lạc ở vị trí tấp nập người qua lại. Mặt tiền 3 tòa nhà nằm trên phố Tân Mai, hướng ra công viên hồ Đền Lừ rộng khoảng 3.000 m2, có hồ sinh thái. Ngay gần đó có Khu đô thị Louis City Hoàng Mai và Khu nhà ở quân đội K35 Tân Mai.
Phía trước các tòa nhà đang được rào chắn tạm.
Khu vực phía sau dự án.
Hàng rào ban công hoen gỉ.
Rác thải bị vứt trên lối đi.
Dự án được UBND TP hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2010 nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III (giai đoạn I) với tổng kinh phí hơn 596 tỷ, dự kiến xây 5 khối nhà cao 13 - 17 tầng, quy mô 584 căn hộ. Công trình đã hoàn thành phần thô từ năm 2017, tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có người chuyển về ở.
Trao đổi với người viết, chị H., người dân sinh sống gần Khu tái định cư Đền Lừ III cho biết: "Dự án được xây dựng cùng thời với Khu nhà ở quân đội K35 gần đó. Trong khi các tòa chung cư bên K35 đã kín người ở từ lâu thì khu Đền Lừ III vẫn "vườn không nhà trống". Có người thuộc diện tái định cư từng chia sẻ với tôi rằng họ muốn lấy tiền đền bù thay vì dọn về đây ở một phần do lo ngại chất lượng công trình tái định cư nhanh xuống cấp, không đảm bảo sinh hoạt lâu dài".
"Tôi thấy tiếc vì khu này sống rất thích, dự án nằm ở vị trí đẹp, nếu được mở bán với mức giá hợp lý thì chắc chắn sẽ có nhiều người mua, nhất là khi mấy năm qua nhu cầu sở hữu căn hộ tăng chóng mặt", chị H nói.
Nằm trên địa bàn quận Long Biên, ba tòa nhà tái định cư cao 6 tầng tại Khu đô thị Sài Đồng cũng trong tình cảnh tương tự.
Dự án được triển khai từ năm 2001 - 2006, do CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) làm chủ đầu tư, nhằm phục vụ tái định cư tại chỗ khi thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị.
Người dân thuộc diện tái định cư không dọn về ở nên dự án bị bỏ hoang đã gần 20 năm. Rác thải chất đống và cây dại mọc phía sau khu nhà.
Sảnh tầng một trở thành nhà kho.
Các khối nhà có dấu hiệu xuống cấp.
Đất trống được người dân địa phương tận dụng trồng rau xanh và làm sân thể thao.
Khung cảnh đối lập với bên phải là các tòa nhà tái định cư không người ở trong Khu đô thị Sài Đồng, bên trái là Chung cư cao tầng Le Grand Jardin với nhiều ô cửa sáng đèn. Le Grand Jardin có 9 tòa chung cư cao 15 tầng với quy mô 1.200 căn hộ, đã bàn giao từ năm 2020 và chủ đầu tư cũng là Hanco 3.
Sống trong dãy nhà thấp tầng ngay phía sau 3 tòa tái định cư, bà L. cảm thán: "Tôi thấy lãng phí quá. Những tòa nhà này bị bỏ hoang nhưng cũng không được cho thuê hay mở bán cho người có nhu cầu".
Theo bà L., khu vực này ở xa nội đô nên nhịp sống khá trầm, các dịch vụ tiện ích tương đối đầy đủ nhưng không phong phú, đa dạng, ít quán xá và chỗ cho trẻ nhỏ vui chơi. Bù lại, do ít dân cư sinh sống nên không bị tắc đường trong nội khu, không khí trong lành, thoáng đãng hơn nội thành.
Cuối năm ngoái, cử tri quận Long Biên đã có phản ánh đến UBND TP Hà Nội về 3 toà nhà tại phường Sài Đồng đã gần 20 năm vẫn bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhu cầu mua nhà ở của người dân rất lớn. Năm 2017, Hanco 3 từng đề xuất phá dỡ công trình này.