Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 KCN Bình Phú. Dự án này trước đây có tên là KCN Mông Hóa được thành lập vào tháng 1/2015 trên cơ sở sáp nhập CCN Mông Hóa.
Năm 2022, KCN Mông Hóa được đổi tên thành KCN Bình Phú như hiện nay và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư là đối với Công ty TNHH Bình Phú Invest.
Theo quy hoạch, KCN Bình Phú có tổng diện tích hơn 214 ha, thuộc địa giới hành chính xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía tây nam.
Phía bắc dự án giáp với Khu dân cư và đất canh tác của xã Quang Tiến, TP Hòa Bình; phía nam giáp đường Quốc lộ 6; phía đông và giáp đất đồ xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; phía tây giáp khu dân cư xã Mông Hóa, một phần diện tích tiếp giáp với ĐT.446 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
Về hiện trạng, chiếm phần lớn diện tích dự án là đất trồng cây (112,2 ha) và đất công nghiệp (48,7 ha); đất ở chiếm khoảng 15,2 ha; đất rừng sản xuất là 16,7 ha; đất mặt nước 6,8 ha và đất giao thông 14 ha.
Trong khu vực có các xóm dân cư nằm rải rác theo từng cụm, tập trung ở phía bắc và ở giữa dự án thuộc dân cư xóm Trung Thành. Tổng số hộ dân cư trong dự án khoảng 50 hộ với 250 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm 60 - 65%.
Nhà ở hiện trạng của người dân trong khu vực dự án chủ yếu là nhà ở được xây dựng có kiến trúc đơn giản, có chiều cao tầng 1 - 2 tầng. Tổng số nhà hiện trạng tại dự án là 132 căn với tổng diện tích là 2,94 ha.
Tính đến thời điểm tháng 8/2020, đã có 24 doanh nghiệp thứ cấp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong KCN Mông Hóa với tổng diện tích đất khoảng 45,5 ha.
Hiện nay có 12 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất, 9 doanh nghiệp đang thực hiện xây dựng nhà xưởng và 3 nhà đầu tư đã thuê đất nhưng chưa triển khai xây dựng.
Tính đến thời điểm tháng 8/2024, đất đã bàn giao cho các doanh nghiệp và đã GPMB là 65,9 ha. Nhà đầu tư đã bồi thường mặt bằng xong diện tích 75,7 ha và đang tiếp tục triển khai thực hiện bồi thường mặt bằng đối với phần diện tích còn lại.
Giai đoạn đầu tư, dự án sẽ bố trí khoảng 150 ha đất cho các công trình công nghiệp; 1,8 ha đất hành chính, dịch vụ; 34,3 ha đất cây xanh mặt nước; 23,7 ha đất giao thông và bãi đỗ xe. Các công trình nhà máy xí nghiệp tại dự án sẽ có mật độ xây dựng 70%, cao 5 tầng; đất khu hành chính dịch vụ cao 5 - 12 tầng, mật độ xây dựng 45%.
So với quy hoạch được phê duyệt vào tháng 6/2019, diện tích của KCN Bình Phú đã giảm từ 235,9 ha xuống còn 214,3 ha (do đưa 21,6 ha đất rừng sản xuất ra khỏi ranh giới). Bỏ hạng mục Khu nhà ở cho công nhân (5,5 ha). Giảm diện tích cây xanh mặt nước 13,5 ha. Giảm diện tích đất giao thông 6,7 ha. Tăng 3 ha đất công nghiệp.
Khu hành chính dịch vụ, lưu trú nằm trên các trục đường tiếp giáp cổng vào chính của dự án, ngoài ra có một công trình nằm trên khu vực đỉnh đồi giữa dự án được xác định là các công trình điểm nhấn.
Trong một báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết, KCN Bình Phú sẽ được thực hiện trong 2 năm (quý II/2024 - quý II/2026).
Cụ thể, quý II - quý III/2024 thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/500; quý III - quý IV/2024 lập, thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), bản vẽ thi công; đến hết quý III/2025 hoàn tất công tác về đất đai.
Các hạng mục công trình của dự án sẽ xây dựng trong giai đoạn quý I/2025 - quý I/2026; từ quý II/2026 hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động.
Tổng mức đầu tư của KCN Bình Phú là 1.878 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đất đai chiếm 430 tỷ đồng; chi phí xây dựng 997 tỷ đồng...
Về chủ đầu tư, Bình Phú Invest được thành lập vào tháng 9/2020, có trụ sở ngay tại vị trí dự án. Tính đến 5/7/2024, doanh nghiệp có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, Phó tổng giám đốc kiêm đứng tên là ông Đỗ Trọng Phú.
Bình Phú Invest thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Phú Mỹ. Trên thực tế, Tập đoàn Phú Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu, khảo sát, lập dự án KCN Mông Hóa (tên cũ của KCN Bình Phú) từ tháng 6/2018.
Phú Mỹ tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Hạ tầng thành lập từ năm 2001, có trụ sở tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Doanh nghiệp này chuyên phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó bất động sản công nghiệp là mảng nổi bật.
Bên cạnh KCN Bình Phú sắp triển khai, trước đó Phú Mỹ đã đầu tư xây dựng một số dự án công nghiệp khác, như CCN Đông Phú Yên (41,2 ha) và KCN Phú Nghĩa (170 ha) tại huyện Chương Mỹ; KCN Hòa Phú (hơn 400 ha) tại Bắc Giang.
Hồi tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký chủ trương đầu tư KCN Phụng Hiệp (175) ha tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Dự án có tổng vốn hơn 2.900 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hòa Phú Invest - doanh nghiệp thuộc Phú Mỹ Group.
Trong mảng nhà ở, Phú Mỹ có đầu tư khu nhà ở Phú Mỹ quận Hà Đông và Khu nhà ở Tiên Phương tại huyện Chương Mỹ. Trong mảng hạ tầng, doanh nghiệp được biết đến với dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dài khoảng 9,5 km, nối liền tỉnh Phú Thọ và TP Hà Nội.
Vào năm 2022, doanh nghiệp từng liên danh cùng CTCP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi và CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Dự án 11:20 | 27/08/2024
Dự án 07:15 | 26/08/2024
Dự án 07:00 | 22/08/2024
Dự án 07:00 | 20/08/2024
Dự án 07:46 | 13/08/2024
Dự án 07:00 | 12/08/2024
Dự án 10:32 | 07/08/2024
Quy hoạch 19:00 | 06/08/2024