UBND TP Hà Nội vừa có quyết định về việc ban hành Qui định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP liên quan đến việc quản lí, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP.
Theo qui định này, việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư được thực hiện căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư; căn cứ vào các qui định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án.
Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.
Việc quản lí phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lí theo qui định tại Khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Việc quản lí phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lí theo qui định tại Khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Về diện tích sinh hoạt cộng đồng, theo quy định này, đối với nhà chung cư thương mại sẽ thực hiện theo qui định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99 ngày 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.
Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được UBND TP giao quản lí nhà chung cư phục vụ tái định cư tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng.
Đồng thời, đơn vị này có trách nhiệm đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lí, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND TP xem xét quyết định. Việc quản lí, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo qui định của pháp luật về quản lí tài sản công.
Đối với bảo trì nhà chung cư, kí kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo qui định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có qui trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt qui trình bảo trì được thực hiện theo qui định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46 ngày 12/5/2015, của Chính phủ.
Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư được đầu tư từ ngân sách, ngoài các nội dung về bảo trì nhà chung cư nói chung, còn thực hiện theo qui đĩnh tại Quyết định số 18 ngày 23/8/2018 của UBND TP về việc ban hành qui định về sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, những qui định có liên quan đến quản lí, sử dụng nhà chung cư có trong qui định này sẽ được thực hiện theo qui định của pháp luật về nhà ở có liên quan.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.
Trước đó, tháng 2/2020, để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục những tồn tại trong quản lí, vận hành và sử dụng nhà chung cư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ kiểm tra hàng loạt các toà nhà chung cư trên địa bàn TP.
Theo kế hoạch, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lí, doanh nghiệp và người dân trong quản lí, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Dự kiến, trong quí II/2020, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Tiếp đó, quí III và IV/2020, tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai.
Số liệu của phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trên địa bàn TP hiện có 833 chung cư thương mại đã hoàn thành và đưa vào sửa dụng.
Trong đó, chỉ có 399 dự án, chưa đầy 50% số lượng chung cư được chủ đầu tư bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì. Có những dự án có quĩ bảo trì lớn lên tới hàng trăm tỉ đồng, chủ đầu tư đã tự ý sử dụng để tái đầu tư, thu thêm lợi nhuận.