Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù vùng, có tính liên kết, lan toả cao hơn

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tới đây, nếu cần thiết Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách cho vùng để có tính liên kết vùng, tính lan toả vùng cao hơn.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội vào chiều 24/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo nghị quyết đã được thiết kế chặt chẽ để chính sách phát huy hiệu quả.

Nhắc lại các cơ sở chính trị, thực tiễn và pháp lý của việc trình Quốc hội ban hành dự thảo nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, không phải tỉnh nào "xin" cơ chế, chính sách đặc thù cũng được, mà phải có căn cứ chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, là tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung Bộ. Việc phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tác động lan tỏa vùng miền.

"Địa phương nào cũng quan trọng, nhưng tỉnh Khánh Hoà hết sức quan trọng. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó nêu rõ Khánh Hoà phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh. Do đó, cần thể chế hoá chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để Khánh Hoà thực hiện được mục tiêu này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ không phải địa phương nào "xin" cơ chế đặc thù cũng được mà phải có căn cứ cụ thể, chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây sẽ nghiên cứu có các cơ chế, chính sách đặc thù theo vùng, chứ không phải là từng địa phương. Chủ trương chung của Trung ương là giao cho Chính phủ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để có các chính sách đặc thù cho từng vùng. Nếu cần thiết, Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ở mức cao hơn để có tính liên kết vùng, tính lan toả vùng cao hơn.

Những cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương mà Quốc hội đã quyết định và cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà mà Quốc hội đang bàn ở đây, theo Chủ tịch Quốc hội, tới đây sẽ tổng kết, đánh giá để đưa thành các quy định mang tính phổ quát chung. Sau này, nếu có cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội thì sẽ cho vùng, chứ không có đặc thù cho từng địa phương nữa (trừ việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã làm ngày làm đêm để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. So với bản dự thảo ban đầu, các cơ chế chính sách trong dự thảo nghị quyết đã được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, một số cơ chế chính sách không khả thi, thiếu thiết thực đã được loại ra, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự thảo nghị quyết đã thiết kế các "van", "khoá" rất chặt chẽ. Ví dụ, cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, lập đề án như thế nào, ai có thẩm quyền, kết quả đo vẽ phải được sử dụng làm căn cứ pháp lý để sau này tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng…

"Trong quá trình cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến cáo phải làm công tác truyền thông cho tốt, tránh tình trạng bắt đầu động vào kiểm đếm, đo đạc đất đai thì giá đất lại tăng, sốt", Chủ tịch Quốc hội nói.

Hay cơ chế tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "phải có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư rồi, tức là phải có "dự án mẹ" mới được tách chứ không có chuyện chưa có dự án mà cứ giải phóng mặt bằng rồi để đấy, "treo" ở đấy; tách dự án nào HĐND cũng phải làm rất chặt chẽ để tránh mặt trái của chính sách".

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.