Quy định về hạn chế quyền ly hôn của người chồng

Pháp luật Việt Nam có kiểm soát ly hôn bằng việc đưa ra một số quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng.

Tôi hiện tại đang mang thai tháng thứ 7, chồng tôi đi ngoại tình và giờ muốn ly hôn. Tôi chưa muốn ly hôn ở thời điểm hiện tại do ngại đi lại đường xá xôi và cũng muốn chờ con sinh ra khỏe mạnh, tinh thần tôi ổn định thì mới giải quyết chuyện ly hôn. Chồng tôi nói nếu tôi không ký đơn thuận tình ly hôn thì chồng tôi sẽ làm đơn đơn phương ly hôn. Cho tôi hỏi, trong trường hợp này chồng tôi có được đơn phương ly hôn với tôi không?

Độc giả: Nguyễn Mạnh Tiến

Quyền yêu cầu ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ, chồng là quyền nhân thân gắn liền với nhân thân vợ chồng. Chỉ có vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn trừ một số trường hợp khác như một trong hai bên tâm thần hoặc không thể nhận thức được hay là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình thì cha, mẹ hoặc người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn.

Tuy nhiên, nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo đảm quyền tự do ly hôn của vợ, chồng, không có nghĩa là nhà nước tùy tiện cho ly hôn khi có yêu cầu. Pháp luật Việt Nam có kiểm soát ly hôn bằng việc đưa ra một số quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc hạn chế quyền yêu cầu giải quyết việc ly hôn của người chồng như sau: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".

Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, họ là bộ phận yếu thế trong xã hội, nên thường được pháp luật và xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Người phụ nữ trong thời gian mang thai, sinh con hay nuôi con nhỏ, tâm lý họ không được ổn định, nhạy cảm, và dễ xúc động. Liên quan đến vấn đề sức khỏe nên họ dễ thực hiện những hành vi gây hậu quả khó lường.

tin nhap 20160916125435
Quy định về hạn chế quyền ly hôn của người chồng - Ảnh minh họa.

Những quy định về hạn chế ly hôn của người chồng có một số quy định sau đây:

Thứ nhất, việc hạn chế quyền ly hôn chỉ dành cho người chồng chứ không hạn chế yêu cầu ly hôn của người vợ trong mọi trường hợp. Nếu người vợ đang mang thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thấy mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, tình yêu và trách nhiệm không còn, duy trì tình trạng hôn nhân sẽ không đảm bảo đến sức khỏe của mình, của thai nhi, hay của con nhỏ thì người vợ có thể gửi đơn đến Tòa án, và Tòa án sẽ xem xét và giải quyết theo thủ tục chung.

Thứ hai, Điều này được áp dụng ngay cả trong trường hợp người vợ đang mang thai với người khác hoặc bố của đứa trẻ là ai thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền ly hôn. Điều này cho thấy trong trường hợp người chồng phát hiện vợ ngoại tình và đứa con vợ mình đang mang thai, mới sinh hay dưới 12 tháng tuổi không phải là con của mình thì vẫn bị hạn chế quyền ly hôn tức là không được quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn.

Thứ ba, Điều luật quy định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì liệu con nuôi của hai vợ chồng thì người chồng có được yêu cầu ly hôn không? Điều này vẫn còn gây bối rối trong việc giải quyết của các Tòa. Có Tòa thì không hạn chế ly hôn của người chồng khi đang nhận con nuôi, vì người vợ không bị tổn hại sức khỏe, tâm lý không bị ảnh hưởng nhiều nên người chồng có quyền yêu cầu ly hôn. Ở đây chỉ xét đến trường hợp con của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Hay Luật Hôn nhân và gia đình mới có quy định về việc mang thai hộ, nếu người vợ vì mục đích nhân đạo, đang trong thời gian mang thai hộ hoặc đang trong thời gian sinh con hộ thì liệu người chồng có được yêu cầu ly hôn không? Luật Hôn nhân và gia đình mới có hiệu lực chưa có văn bản hướng dẫn các trường hợp cụ thể. Căn cứ về nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em suy ra trong trường hợp người vợ đang mang thai hộ hoặc sinh con hộ, thì người chồng vẫn bị hạn chế ly hôn.

Như vậy, đối với trường hợp bạn đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu hai vợ chồng bạn không thuận tình ly hôn và bạn cũng không có yêu cầu đơn phương ly hôn thì chồng bạn sẽ không có quyền đơn phương ly hôn. Quyền này bị hạn chế đến khi con bạn đủ 12 tháng tuổi. Nếu chồng bạn nộp đơn ra Tòa thì Tòa sẽ không thụ lý đơn. Trong trường hợp đã thụ lý đơn mà biết được hoàn cảnh của bạn thì Tòa sẽ tạm ngừng giải quyết vụ án.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
IDJ báo lãi quý I nhờ dự án Mũi Né, sẽ hạn chế làm dự án mới và giảm vay nợ tài chính
Quý I/2024, IDJ lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng với doanh thu chủ yếu đến từ dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né. Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cho biết sẽ hạn chế phát triển các dự án bất động sản mới và đẩy tỷ trọng vay ngân hàng, vay trái phiếu xuống mức rất thấp.