Quy định về thanh lý xe ô tô tại cơ quan nhà nước

Việc thanh lý xe ô tô của cơ quan Nhà nước theo quy định nhằm bảo đảm an toàn khi vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan.

Hiện nay cơ quan chúng tôi đang triển khai thanh lý xe ô tô đã qua sử dụng nhưng còn chưa rõ những vấn đề sau:

- Số tiền thu được từ việc bán thanh lý xe ô tô có là nguồn vốn nhà nước?

- Việc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá xe ô tô với giá tiền dưới 30 triệu đồng có nằm trong phạm vi áp dụng của Luật đấu thầu và Thông tư 58/2016/TT - BTC ngày 29/3/2016 không?

- Số tiền thu được từ việc bán thanh lý được xử lý thế nào?

Độc giả: Minh Khuê

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Theo quy định, xe ô tô phục vụ công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh lý khi: Đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định; hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng; hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng.

Như vậy, việc thanh lý xe ô tô của cơ quan Nhà nước theo quy định nhằm bảo đảm an toàn khi vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan.

Ảnh minh họa - Nguồn: VietNamNet

Thẩm quyền, thủ tục thanh lý xe

Thẩm quyền, phương thức thanh lý, trình tự, thủ tục thanh lý và quản lý số tiền thu được từ thanh lý xe ô tô thực hiện theo quy định sau:

- Việc thanh lý ô tô được áp dụng theo các phương thức: Bán tài sản Nhà nước; phá dỡ, hủy bỏ tài sản Nhà nước.

- Việc thanh lý tài sản theo phương thức bán được thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp được bán chỉ định, gồm: Tài sản Nhà nước đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán. Riêng tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất, phương tiện vận tải, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản phải đánh giá lại, nếu giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản thì được bán chỉ định; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản Nhà nước và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định từ 50 triệu đồng/xe trở lên thì thực hiện bán đấu giá. Việc xác định giá bán và tổ chức bán đấu giá tài sản thanh lý thực hiện theo quy định.

Trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định dưới 50 triệu đồng/xe thì được bán chỉ định. Tuy nhiên, đơn vị có thể áp dụng hình thức bán đấu giá theo quy định.

Trường hợp trong số xe bán thanh lý có xe có giá trị đánh giá lại dưới 50 triệu/xe và có xe có giá trị đánh giá lại từ 50 triệu đồng/xe trở lên, để hiệu quả và thuận tiện thì thực hiện bán đấu giá cả lô.

Theo đó số tiền thu được từ thanh lý tài sản Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí liên quan được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ thanh lý tài sản không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được chi từ dự toán ngân sách Nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước có tài sản thanh lý và là nguồn thu thuộc ngân sách Nhà nước.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.