Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sắp khởi động, nhà đầu tư BĐS công nghiệp cần lưu ý gì?

Theo CBRE, từ 2023, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ đi vào thực thi, tác động đến chiến lược thu hút FDI của Việt Nam.

Hơn 14.000 ha đất công nghiệp sẽ gia nhập thị trường trong 3 năm tới. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh).

CBRE Việt Nam vừa công bố tiêu điểm thị trường bất động sản (BĐS) quý II/2021. Trong phân khúc BĐS công nghiệp, đơn vị này dự báo nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000 ha cho cả hai thị trường phía nam và phía bắc trong vòng ba năm tới.

Trong đó, các tỉnh công nghiệp cấp 2 sẽ lần lượt chiếm khoảng 21% đến 42% nguồn cung miền nam và miền bắc. Một số KCN chuẩn bị đi vào hoạt động trong nửa cuối 2022 và đầu năm 2023 đã đạt được tỷ lệ cam kết cho thuê sớm khả quan, ở ngưỡng từ 40% - 100% giai đoạn đầu triển khai.

Với nguồn cầu khả quan, mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng khả quan là khoảng 5 - 10%/năm trong ba năm tới tại thị trường phía bắc và 8 - 13%/năm tại khu vực phía nam.

Nguồn cung kho xưởng cũng sẽ tăng mạnh trong ba năm tới. Nguồn cung lũy kế của khu vực phía Bắc sẽ vượt 2,6 triệu m2, trong đó 87% nguồn cung mới giai đoạn 2022 - 2024 đến từ hai tỉnh là Hải Phòng và Bắc Ninh.

Trong khi đó, tại miền Nam sẽ có khoảng 5 triệu m2 kho xưởng đến năm 2024 với 60% nguồn cung mới trong giai đoạn 2022 - 2024 đến từ Bình Dương.

Từ 2023, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ đi vào thực thi. Điều này sẽ tác động đến chiến lược thu hút FDI của Việt Nam.

Do đó, ngoài các ưu đãi về thuế, khách thuê giờ đây nên xem xét thêm các yếu tố khác để lựa chọn địa điểm phù hợp (lực lượng lao động, vị trí, cơ sở hạ tầng, các yếu tố liên quan đến chi phí,...). Các chủ đầu tư cũng ​​sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách thuê ngoài việc dựa vào các ưu đãi thuế từ Nhà nước.

Mặc dù vậy, Nhà nước đã có một số thay đổi được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển các KCN trong tương lai và tăng nguồn cung có chất lượng, gần đây nhất là việc ban hành Nghị định về quản lý KCN và khu kinh tế, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Thủ tục thành lập và mở rộng các khu công nghiệp cũng sẽ được đơn giản hóa, ưu tiên thức đẩy sự phát triển của mô hình KCN sinh thái và phát triển nhà ở, tiện ích cho công nhân.

Về logistics, trong 5 năm tới thế giới dự kiến cần khoảng 160 - 200 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử trên toàn thế giới. Hiện, Việt Nam đang trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á (sau Indonesia), dự kiến sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn.

Theo dự báo tăng trưởng về quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam, cả nước sẽ cần thêm hơn 2 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử tới năm 2025.

"Tình hình cam kết thuê trước lành mạnh tại các KCN mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tại các KCN có vị trí tốt hoặc có lợi thế riêng.

Thêm vào đó, nguồn cung đất công nghiệp và nhà kho, nhà xưởng sẽ tăng lên tại các khu vực được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực. Do đó, khách thuê nên nắm bắt cơ hội mở rộng trong khi đàm phán các điều khoản tốt hơn. Các chủ đầu tư cũng nên điều chỉnh chiến lược cho thuê phù hợp với từng vị trí.

Bên cạnh đó, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ duy trì ở mức cao ở nhiều khu vực. Nhà kho, nhà xưởng nhiều tầng sẽ được mở rộng ở các khu vực có nguồn cung đất công nghiệp hạn chế", theo bà Thanh Phạm, Phó Giám đốc - Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.