Quyết mua ô tô, hai vợ chồng tôi khóc ròng vì khổ!

Sau khi cân nhắc nên xem mua ô tô để đi lại hay mua nhà để ổn định sống riêng, hai vợ chồng cũng đã dự liệu đủ đường hơn thiệt, cuối cùng nghe theo lời chồng quyết định mua ô tô để tiện đi làm, chúng tôi đã phải khóc ròng vì khổ!

Quyết định mua ô tô để chạy cho sướng, ai ngờ rước ô tô về lại chẳng “sướng” như suy nghĩ. Vợ chồng chị Hà (Hà Nội) đã có những trải nghiệm khó quên khi lần đầu có “bốn bánh”. Dưới đây là chia sẻ của chị Hà về câu chuyện khổ sở sau khi mua ô tô chạy của hai vợ chồng chị.

Sau 3 năm phấn đấu làm việc và tiết kiệm thì hai vợ chồng cũng để dành được 250 triệu. Vì ở chung với gia đình nên chúng tôi không quá bức bí về chỗ ở dù cũng muốn mua một căn hộ để làm của riêng. Tính đi tính lại thì tôi thấy nếu mua nhà chung cư trả góp thì chỉ đủ tiền cọc lần 1, các đợt đóng sau khá gấp và tiền lớn, trong khi tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ tầm 20 triệu chưa kể chi phí sinh hoạt hàng tháng. May mắn là ở chung với nhà chồng nên khoản tiền nhà chúng tôi không phải trả, con thì mới có một cháu 2 tuổi đi học trường công, ăn tiêu cũng tiết kiệm nên mới để ra được chừng ấy. Nhu cầu đi lại và mơ ước về một chiếc xe hơi từ lâu nên hai vợ chồng quyết định mua xe.

mua o to truoc khi mua nha hai vo chong toi khoc rong vi kho
Tậu một "con" Kia Moring, hai vợ chồng lúc đầu đã rất phấn khởi về quyết định của mình (Ảnh: noithatxeoto)

Lựa chọn một con xe Kia morning trả góp, tất tật chi phí 400 triệu. Vợ chồng tôi vay thêm tín chấp ở ngân hàng 150 triệu, lãi 1,3%/ tháng. Tính ra cả gốc lãi hàng tháng vẫn nằm trong khả năng chi trả mà lại không bị giữ đăng kí xe, nên vợ chồng tôi quyết định luôn.

Sau khi mua xe về, ông xã mới tất tả đi hỏi chỗ để gửi xe vì nhà tôi ở sâu trong ngõ hẹp, đi xe máy tránh nhau còn chật chội. Tìm mãi mới có một bãi xe gần nhà, mỗi tháng mất 2 triệu tiền gửi, đó mới chỉ là chi phí ban đầu.

Sau khi mua xe về, lúc đầu cũng thích thật. Thích đi đâu xa xa là lên xe cả nhà cùng đi, về quê ngoại ở Hưng Yên hay đi dã ngoại cuối tuần ở Ba Vì, nhìn chung thấy khá thoải mái. Chỉ đến khi vợ chồng tôi quyết định bán chiếc xe máy đi vì không dùng đến, lúc này mới phát sinh ra lắm nhiêu khê. Trước đó, hai vợ chồng đi xe máy ra bãi gửi xe cách nhà 600 mét, gửi xe lại ở đó mất thêm 200 nghìn/tháng. Tối lái xe vào bãi rồi lại chạy xe máy về, xe để lâu mưa nắng có khi chết máy, hỏng hóc lại thêm chi phí sửa xe máy nên đành bán.

Hai vợ chồng sáng sớm đi bộ ra chỗ lấy xe ô tô lần đầu mệt đứt hơi nhưng sau quen, cái khổ nó lại xuất phát ở chỗ khác.

Những ngày mưa gió thì tắc đường khủng khiếp, chỗ để xe ở nhà tôi thành một cái hồ, bao nhiêu xe ngập nước, tôi đã phải trả giá vì đã không mua bảo hiểm cho xe, sau vụ bão lũ vừa rồi nhà tôi đã phải bấm bụng sửa mất hơn chục triệu tiền “thiên tai”.

mua o to truoc khi mua nha hai vo chong toi khoc rong vi kho
Đợt bão vừa qua khiến nhiều chủ xe khóc ròng vì xe ngập nước (Ảnh: Songmoi)

Chưa hết, có xe ô tô thi thoảng chồng đi công tác, tôi ở nhà phải đi xe ôm đi làm, do bán xe máy rồi, hoặc có những hôm chồng đi họp hoặc làm thêm không về đón kịp giờ, tôi cũng phải đi nhờ đồng nghiệp cùng đường hoặc đi xe ôm về, thật phiền hết sức. Chưa kể mỗi lần đi chơi xa, cứ đi một đoạn là lại mất phí mấy chục nghìn, rồi muốn cà phê cà pháo trên phố với bạn bè thì không biết gửi xe ở đâu, biết chỗ gửi rồi thì ngồi 2 tiếng mất 60 nghìn, còn hơn cả tiền cà phê.

Tôi lái mới nên còn non tay, thi thoảng cũng va chạm xước sơn, sơn lại thì tốn tiền mà không sơn thì nhìn xe mới mà cứ lem nhem đến bực. Không những thế, tuy là dòng xe bình dân nhưng cũng phải chịu đủ các khoản phí rồi như phí môi trường, phí đường bộ, phí bảo trì đường bộ đóng hai lần, phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật. Nhìn chung là đủ các loại tiền, nuôi “em” này quá vất vả, tính ra mỗi tháng nhà tôi mất ít nhất 5 triệu để nuôi xe, bao gồm tiền gửi và tiền xăng, chi phí quốc lộ chứ chưa nói đến việc sửa xe hôm trước mất cả chục triệu.

Hai vợ chồng làm được 20 triệu, mỗi tháng tiêu mất 10 triệu, giờ thêm 5 triệu nuôi xe, còn tiền trả ngân hàng nữa, tiêu thế thì tiền đâu ra mà tiết kiệm. Cứ tưởng mua được xe là nó phục vụ mình, ai ngờ đâu mình đi hầu nó, giờ chưa trả hết nợ mà mỗi ngày cứ rước bực rước lo vào người, bán thì lỗ nặng mà chạy tiếp thì vướng vào bài toán kinh tế.

Tôi nhận ra một bài học đó là, khi muốn xài tiền vào việc lớn như mua xe, mua nhà, không thể bốc đồng tùy hứng, thấy người ta có mình cũng phải sắm cho bằng bạn bằng bè, mà nên cân nhắc nhu cầu và túi tiền để tránh rơi vào cảnh khổ vì “bốn bánh” như nhà tôi.

Diệp Anh (ghi)

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.