Điều này, cho thấy sau khi Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15-8, cho thấy thị trường thị trường mua bán nợ xấu sôi động hẳn lên...
Không chỉ Techcombank mà nhiều ngân hàng tham gia ráo riết bán tài sản thế chấp |
Công khai bán đấu giá tài sản thế chấp
Sau khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN tiên phong trong việc thu giữ tài sản, hàng loạt ngân hàng đã công bố thu giữ các tài sản đảm bảo.
Mới đây, ngày 14/9, NH Quốc Dân (NCB) tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là lô đất 2.100 m2 tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm hơn 11,6 tỉ đồng.
Ngày 19/9 tới đây Ngân hàng Agribank dự kiến ngày sẽ tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỉ đồng. Dự án này được xây dựng trên khu đất 1.106 m2, quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.
Hiện Ngân hàng Sacombank cũng đang rà soát lại hàng loạt tài sản thế chấp và sẽ thông báo bán đấu giá trong thời gian tới.
Ngày 9/9, Techcombank thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của 11 khách hàng là các tổ chức và cá nhân do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký, thời gian thu giữ trong tháng 9.
Trước đó ngày 6/9, ngân hàng này cũng thông báo thu giữ tài sản của 6 cá nhân và tổ chức khác. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, theo Nghị quyết 42 là mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua nợ xấu. Các Ngân hàng TM phải bán tài sản thế chấp của khoản nợ xấu bằng hình thức đấu giá công khai. Như thế, thị trường đã hình thành nhiều "chợ" mua - bán nợ xấu, tài sản thế chấp là bất động sản được giao dịch theo hướng thuận mua vừa bán, có thể dung hòa được lợi ích cho chủ nợ lẫn con nợ.
Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang lên danh sách và thông báo cho bên vay trước khi thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định. Đây là một bước trong quy trình thu hồi tài sản đảm bảo theo quy định mới.
Theo các ngân hàng, dự kiến trong thời gian tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án.
Bán nợ dưới giá trị khoản vay
Theo các chuyên gia, Nghị quyết 42 cho phép Ngân hàng được bán nợ dưới giá trị khoản vay (số tiền cho vay cộng với lãi phát sinh), đối tượng mua nợ không bị giới hạn là điều kiện thuận lợi để ngân hàng và con nợ "chốt" giá bán tài sản thế chấp (phần lớn là bất động sản), miễn giảm lãi suất, tiền phạt nợ quá hạn… sao cho sau khi bán bất động sản người vay phải trả hết nợ ngân hàng. Thậm chí, con nợ vẫn có thể thu về một số tiền nhất định bởi việc bán nhà, đất được tiến hành theo hình thức đấu giá công khai…
Do được bán nợ dưới giá trị khoản vay, VAMCcũng được phép mua nợ theo giá thị trường bằng "tiền tươi thóc thật" nên các ngân hàng rất muốn bán nợ cho tổ chức này nhằm giảm nhanh tỉ lệ nợ xấu.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác, cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD là cơ sở pháp lý quan trọng cho các ngân hàng. Khẳng định quyền của chủ nợ trong xử lý tài sản nợ và được các cơ quan hữu quan hỗ trợ trong công tác thu hồi nợ.
Qua đó, cho phép ngân hàng xử lý các vấn đề vướng mắc về tài chính, hạch toán kế toán liên quan đến xử lý nợ xấu. Ông Hùng cho biết, ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới mức 3% so với tổng dư nợ cho vay.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận việc bán nợ xấu cho VAMC để nhận tiền thật không dễ dàng. Do đó, để sớm thu hồi nợ, các ngân hàng luôn chủ động thuyết phục con nợ đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản song mới tiến hành bán đấu giá tài sản, tất toán khoản vay…