Theo quy định tại Nghị định 72, Chủ tịch HĐQT công ty sẽ không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng từ ngày 1/8 năm nay. Vì vậy việc lựa chọn người thay thế bà Mai Thanh ngồi vào vị trí Tổng Giám đốc REE được rất nhiều cổ đông quan tâm trong ĐHCĐ thường niên 2020, mới được tổ chức hôm nay (15/5).
Để giải đáp thắc mắc của cổ đông về vấn đề này, bà Mai Thanh cho biết, “người được chọn” thay thế bà ở ghế Tổng Giám đốc phải đáp ứng được các tiêu chí, như có kinh nghiệm về các mảng mà REE đang hoạt động, có kĩ năng kinh doanh tốt và phải là người trẻ.
“Nhiều năm qua, Ban lãnh đạo cũng đã tích cực tìm kiếm thông qua các đơn vị săn đầu người, nhưng với tiêu chí như vậy thì rất khó để tìm được. Vì vậy, chúng tôi đã chọn người trong nội bộ, và tạo điều kiện cho đi đào tạo ở nước ngoài hai năm. Hiện nay đã xong khóa đào tạo và người này đang dần tiếp quản công việc điều hành ở REE. Công ty sẽ làm lễ giới thiệu vào tháng 7 tới, còn bây giờ cũng muốn giữ bí mật một chút cho vui”, bà Mai Thanh chia sẻ.
Liên quan đến tình hình kinh doanh của REE trong thời gian qua, bà Mai Thanh cho biết từng mảng hoạt động của REE đối mặt với thách thức mới, đầy bất ngờ, nổi bật nhất là chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng này không quá nặng và trực tiếp.
Trong năm 2019, doanh thu thuần của REE đạt 4.890 tỉ đồng và lãi ròng đạt 1.639 tỉ đồng, lần lượt giảm 4% và 8% so với năm 2018. Ngoại trừ mảng văn phòng cho thuê, ba mảng kinh doanh chính còn lại của REE đều giảm trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, môi trường, quy trình cấp giấy phép đầu tư có nhiều thay đổi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ điện lạnh và bất động sản. Trong đó có cơ điện lạnh liên quan đến mảng xây dựng.
"Chính phủ đang có những chính sách thay đổi liên quan đến những tài sản công dẫn đến quy trình cấp giấy phép rất chậm, kéo theo tiến độ dự án giãn ra. Tính đến thời điểm này, tôi chưa thấy tình hình cải thiện hơn", bà Thanh cho hay
Ban lãnh đạo REE cũng cho biết phần lớn mảng hạ tầng điện, nước trong hai năm qua bị tác động bởi thời tiết cực đoan, lượng nước về hồ rất kém so với nhiều năm trước đây. Theo đó, các nhà máy giảm sản lượng 30%, tùy theo địa bàn.
Khi thủy điện hoạt động giảm đi thì bắt buộc phải chạy nhiều hơn các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, giá bán điện trung bình giảm nên doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận thì không. Chưa kể việc tham gia vào thị trường điện bây giờ cũng phức tạp hơn trước với những điều chỉnh về kỹ thuật cũng như hành chính.
Trong khi đó với các nhà máy nước vẫn chưa ghi nhận được lợi nhuận trong năm 2019 vì tỷ lệ sở hữu ở các nhà máy này hầu hết chưa qua 50%.
Theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, ngoài những mảng chính thì việc phát triển năng lượng tái tạo đang được REE tập trung đầu tư mạnh. Theo đó, REE đang triển khai một dự án điện gió, khả năng sẽ tăng gấp đôi công suất trong năm nay. Công ty đang chọn thầu và dự kiến thi công vào tháng 8 năm nay để hoàn thành vào cuối năm 2021. Ngoài ra trong thời gian tới, công ty còn một dự án điện mặt trời trên mái nhà.
“Bây giờ chúng tôi phải hoạt động hết công suất để thi công, hoàn tất, kết nối với EVN vào cuối năm nay để hưởng được giá điện ưu đãi. Nếu qua thời gian này, theo qui định của Chính phủ phải đấu giá, quá trình đấu giá như nào chúng tôi vẫn chưa rõ", bà Mai Thanh cho hay.
Nói về tính hiệu quả của các dự án mới, bà Mai Thanh cho rằng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng phần lớn vẫn là ngành nghề cơ bản, chứ không phải “high risk – high return” (rủi ro lớn, lợi nhuận cao). Vì vậy, việc đầu tư này hướng đến sự tăng trưởng ổn định chứ không phải tìm kiếm doanh thu lợi nhuận “nóng”.
Với các dự án điện mặt trời thì có thể tỉ lệ hoàn vốn nhanh hơn chút ít (7-8 năm).
Nhìn tổng thể về kế hoạch ngắn hạn của các mảng kinh doanh trong năm nay tương đối khó lường. Đối với mảng cơ điện lạnh, so kế hoạch đặt ra đầu năm nay nếu căn cứ trên sản lượng, doanh số và một số dự án công ty đang theo thì khả năng có thể đạt được.
Ngành nước không ảnh hưởng mấy trong năm 2020. Tuy nhiên, ngành điện sẽ chịu tác động tiêu cực. Nhìn vào hai quí cuối năm, tình hình thủy văn có thể sẽ cải thiện “chút đỉnh”, và nhu cầu điện sẽ tăng lên khi các hoạt động sản xuất trở lại bình thường, nhưng mảng kinh doanh điện của REE sẽ khó đạt mức tăng trưởng tốt như cùng kì các năm trước.
Chủ tịch HĐQT REE cũng lưu ý mặc dù có hi vọng về thủy văn nhưng hiện nay hầu hết các nhà máy điện miền Trung đều khô hạn. Trong đó, doanh thu nhà máy thủy điện Kon Tum chỉ vài tỉ đồng mỗi tháng.
"Cổ đông nên nhớ rằng, kế hoạch kinh doanh tích cực như thế này được đưa ra trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Bây giờ cộng thêm yếu tố dịch thì phải xem xét ảnh hưởng vì hoàn cảnh bây giờ đã rất khác", bà Mai Thanh nhấn mạnh.
Ngoài những kế hoạch về hoạt động kinh doanh, năm 2020 REE cũng có kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp theo mô hình công ty Holdings. Cụ thể, từ mô hình công ty mẹ quản lí trực tiếp 12 công ty thành viên và các khoản đầu tư tại 19 công ty liên doanh liên kết, REE sẽ tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh thành bốn công ty holdings chính để quản lí, bao gồm cơ điện lạnh và sản xuất, bất động sản, hạ tầng nước và hạ tầng điện.
Về kế hoạch tái cấu trúc, cổ đông quan tâm liệu REE có kế hoạch IPO các đơn vị thành viên sau khi chuyển đổi mô hình không? Phản hồi vấn đề này, bà Mai Thanh cho biết "sẽ không loại trừ khả năng này trong mục tiêu gọi thêm vốn".