Báo cáo tài chính quý I của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kĩ thuật số FPT (FPT Retail - mã chứng khoán: FRT) cho thấy doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.092 tỉ đồng. Đáng chú ý, FPT Retail đã đưa được lợi nhuận trước thuế từ mức lỗ 13,8 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm ngoái, sang dương hai con số trong 3 tháng đầu năm nay, ở mức 46,9 tỉ đồng.
FPT Retail cho biết, có được kết quả này một phần là do hiệu quả kinh doanh cao hơn, dẫn đến tỉ lệ lãi gộp trên tổng doanh thu thuần tăng trong 3 tháng đầu năm 2020.
Nhưng khi so với cùng kì năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đã giảm 33,4 tỉ đồng, từ mốc 80,3 tỉ, tức giảm đến 41,6%. Nguyên nhân là do tình hình đại dịch Covid-19, các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc dừng hoạt động.
Quý I/2020 cũng là thời điểm đến hạn tăng tiền phí thuê nhà theo định kì. Theo đó, chi phí thuê nhà đã tăng 13,6 tỉ đồng, từ 83,8 tỉ ở 3 tháng đầu năm 2019 lên 97,4 tỉ đồng ở cùng kì năm nay. Tuy nhiên, khoản phí này còn phải kể đến việc FRT mở rộng mạng lưới FPTshop và nhà thuốc Long Châu. Đến nay, chuỗi FPTshop đã có 633 cửa hàng, chuỗi nhà thuốc Long Châu có 93 cửa hàng trên 25 tỉnh, thành.
Ngoài ra, FPT Retail còn điều chỉnh lương hiệu quả kinh doanh theo kết quả kinh doanh thực tế nên chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp tăng từ 9,2% trong quý I/2019 lên 11,3% cùng kì năm nay.
Dù "một chín một mười" về bán lẻ điện thoại, máy tính, nhưng khi đem so với Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), FPT Retail có vẻ hụt hơi sau trong thời kì đại dịch Covid-19.
Tuy quý I/2020 là kì tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất của Thế Giới Di Động trong nhiều năm trở lại đây, nhưng công ty này vẫn ghi nhận những con số ấn tượng.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 29.353 tỉ đồng, tăng 3.943 tỉ đồng so với quý IV/2019 và tăng 4.336 tỉ so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế quý đầu năm 2020 của Thế Giới Di Động tăng 203 tỉ so với quý đầu năm trước, tương đương tăng 15%.
Dù tăng tốc mở rộng thêm 150 cửa hàng Bách Hoá Xanh và hàng chục cửa hàng điện máy khác, nhưng Thế Giới Di Động chỉ ghi nhận mức tăng 6,6% trong chi phí thiết kế cửa hàng. Con số này của FRT đến 18,7%.
Đáng nói, chi phí thuê cửa hàng của MWG giảm 1,4 tỉ đồng so với cùng kì năm trước, trong khi đó, FRT phải trả thêm 13,6 tỉ đồng cho khoản thuê nhà.
Chi phí tài chính của Thế Giới Di Động cũng được tối ưu khi chỉ tăng 33,7% trong mùa dịch, còn FPT Retail tăng 48,6%. Tương tự, mức tăng chi phí quản lí doanh nghiệp của công ty này cũng tối ưu được gần một nửa so với FPT Retail.
Điều này dẫn đến biên lợi nhuận kinh doanh trên doanh thu của Thế Giới Di Động đạt 5,25% trong 3 tháng đầu năm 2020, cao hơn hẳn so với tỉ lệ 1,04% của FRT.
Một lí do đáng lưu ý khác nằm ở cơ cấu ngành hàng. Theo nghiên cứu thị trường trong mùa dịch Covid-19, nhóm hàng điện máy vẫn hút khách. Doanh thu của hàng điện tử, điện lạnh và gia dụng ở Thế Giới Di động duy trì mức tăng trưởng tích cực. Nhưng đây là nhóm hàng mà FPT Retail không kinh doanh.
Đứng vững giữa mùa dịch, Thế Giới Di Động giải thích chủ yếu là nhờ chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu Bách Hoá Xanh. Dù chịu tác động của dịch bệnh, chuỗi bán lẻ này vẫn ghi nhận doanh số kỉ lục trên 1.900 tỉ đồng. Doanh số nhóm hàng thực phẩm và FMCGs tiếp tục tăng trưởng 178% so với cùng kì năm 2019.
Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, trong thời gian Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, người dân dành sự ưu ái lớn trong chi tiêu cho nhóm hàng FMGG. Trong đó, nhóm chăm sóc cá nhân và thực phẩm, nhất là thực phẩm ăn liền được ưu ái nhất.
Thêm vào đó, Thế Giới Di Động đã hoàn tất việc xây dựng giải pháp "đi chợ giùm bạn" trên www.bachhoaxanh.com. Như vậy, ngoài mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, Thế Giới Di Động còn thu được tiền của khách hàng bằng mua sắm trên kênh online.
Nếu Thế Giới Di Động có "con cưng" Bách Hoá Xanh thì FPT Retail cũng có chuỗi nhà thuốc Long Châu. 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu chuỗi cửa hàng Long Châu đạt gần 500 tỉ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kì năm 2018. Đơn vị này đang dẫn đầu về doanh thu và có chuỗi cửa hàng với số lượng lớn trong phân khúc nhà thuốc, tính đến hiện tại.
Mạng lưới chuỗi nhà thuốc dẫn đầu với 93 cửa hàng ngay trong mùa dịch Covid-19, nhưng dường như doanh thu lại tăng trưởng không như kì vọng. FRT giải trình chuỗi nhà thuốc Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư, nên việc mở rộng chuỗi cửa hàng làm tăng chi phí bán hàng, chi phí quản lí, chứ chưa mang về lợi nhuận đáng kể.
Mục tiêu trước mắt của FPT Retail là đến năm 2022 sẽ có 700 nhà thuốc với doanh thu khoảng 6.000 tỉ đồng, cùng kì vọng kiểm soát 30% thị phần bán lẻ dược phẩm qua kênh nhà thuốc tại thị trường Việt Nam.
Trong dự báo về xu hướng phục hồi từng nhóm hàng sau dịch do Nielsen và Meking Mobile Panel đưa ra, nhóm sản phẩm phòng vệ khẩn cấp như khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn dù đang là nhóm hàng được người tiêu dùng ưu ái đặc biệt, nhưng trước và trong thời điểm dịch nhu cầu tăng nhanh bao nhiêu, thì sau dịch, nhu cầu sẽ giảm nhanh bấy nhiêu.
Trong khi đó, nhóm hàng nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm tươi sống, sản phẩm cho bé, mì gói… sẽ tăng nhanh và ổn định nhanh, mang xu hướng bền vững.
Điều này tiếp tục mang lại lợi thế cho Thế Giới Di Động.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020