Web giả mạo: Hiện nay, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sơ hở để đánh lừa du khách. Các website lừa đảo, không có thật xuất hiện tràn lan trên mạng khiến người dùng hoang mang. Việc truy cập vào những trang này sẽ khiến bạn gặp nhiều rủi ro như mất tiền nhưng vẫn không có chỗ ở... Anh Tú (Hà Nội) cho biết: "Tôi đã suýt bị lừa. Khi gọi điện cho bên thứ 3, nhân viên cho biết công ty họ đã ngừng hợp tác với khách sạn mà tôi định đặt phòng".
Lộ thông tin khách hàng: Việc tin tặc tấn công trang web để lấy thông tin thẻ tín dụng không còn là chuyện hiếm gặp. Bởi vậy, khách hàng cần hết sức thận trọng khi đăng ký thông tin thẻ của mình trên các hệ thống trực tuyến. Đầu năm 2018, anh Hiền (TP.HCM) đặt phòng tại một resort ở Phú Quốc qua trung gian. Khi đến nơi, anh Hiền phát hiện toàn bộ thông tin thẻ thanh toán bên thứ 3 gửi cho nơi nghỉ dưỡng đều được in chi tiết và không bảo mật.
Vỡ mộng quảng cáo và thực tế: Nhiều tín đồ xê dịch đã đặt niềm tin vào những hình ảnh tràn lan trên các ứng dụng đặt phòng. Tuy nhiên, sự thật luôn phũ phàng. Một số khách sạn đã cố tình đưa những hình ảnh "ảo" để thu hút khách. Giữa năm 2018, nhiều vụ khách nước ngoài đến Việt Nam rồi nhận ra phòng, tour mình đặt đều là giả mạo. Nổi bật nhất là việc nữ du khách quốc tế Jenny Kershaw bị dính "cú lừa" khi đặt phòng có bể bơi tại Đà Nẵng. Cô đã tá hỏa khi nhận phòng vì hồ bơi chỉ bé như bể cá.
Đặt phòng nhưng không có phòng: Các ứng dụng đặt phòng online thường cung cấp giá tốt cho du khách. Tuy nhiên, vào dịp lễ, ngày cao điểm, các khách sạn có thể đối mặt với tình trạng quá tải và bạn sẽ bị từ chối nhận phòng. Thông thường, phía khách sạn sẽ ưu tiên người đặt phòng trực tiếp hơn.
Công ty bất ngờ phá sản: Trên thực tế, đã có trường hợp người dùng đặt phòng khách sạn và trả tiền, sau đó công ty du lịch tuyên bố phá sản. Trong trường hợp này, du khách sẽ khó lấy lại tiền của mình.
Sang tên, đổi chủ: Chia sẻ với Zing.vn, Phương Duy (TP.HCM) nói: "Gia đình tôi đặt phòng ở Sa Pa (Lào Cai) qua một website từ trước, được xác nhận và đã bị trừ tiền, nhưng đến nơi không có phòng. Lý do được quản lý đưa ra là khách sạn đổi chủ và tiền đặt cọc có thể đã vào tài khoản của người sở hữu cũ".
Bị hớ: Một số web có thể tính thêm khoản phí đặt phòng. Bởi vậy, nhiều người đã bất ngờ khi biết được giá phòng hiển thị trên ứng dụng online lại đắt hơn việc liên hệ trực tiếp với khách sạn. Duy Phương (TP.HCM) chia sẻ với Zing.vn: "Thật ra mình thấy việc đặt phòng qua mạng hên xui lắm. Đôi khi, người ta tự tăng giá phòng lên rồi đề giảm giá ấy. Mình từng dính một vố đặt phòng online. Khi kiểm tra kỹ, mình nhận ra đặt trực tiếp với khách sạn lại rẻ hơn".
Đặt nhầm ngày, khó thay đổi: Khi bạn chọn ngày đặt phòng nhưng thoát đi mở lại nhiều lần cũng có thể bị nhảy thời gian. Hơn nữa, các khách sạn thường đặt ra quy định không hoàn hủy hay thay đổi nếu đó là voucher khuyến mãi.