Ngày 17/2, hơn 300 công dân Mỹ và thành viên gia đình của họ đã từ du thuyền Diamond Princess về nước. Trong số đó có 14 người xét nghiệm dương tính với chủng virus corona mới, theo thông báo cùng ngày của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Những du khách được xác nhận dương tính với virus đã được thông báo vài ngày trước về kế hoạch sơ tán. Thời điểm giới chức Mỹ nhận được thông báo, các hành khách đã rời khỏi du thuyền và chuẩn bị về nước.
Sau khi tham vấn với Bộ Y tế và Dịch vụ cộng đồng (HHS), Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định vẫn cho 14 du khách này lên máy bay. Nhóm bệnh nhân được bố trí ngồi cách li với những hành khách còn lại trên chuyến bay, theo AFP.
"Tôi không biết về việc này cho đến khi chúng tôi đã bay được một đoạn dài", ông Carol Montgomery, 67 tuổi, một nhân viên hành chính đã nghỉ hưu từ San Clemente, Calif. "Tôi chỉ thấy có một khu vực họ chắn bằng tấm nhựa và dán kín băng dính".
Trong lúc đang bay, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế và Dịch vụ cộng đồng mới thông báo chung tới tất cả các hành khách trên chuyến bay rằng kết quả xét nghiệm của 14 hành khách lấy mẫu từ hai hoặc ba ngày trước đó đã trở lại từ âm tính sang dương tính.
Các quan chức Mỹ đã đưa công dân của họ về nước mà không thực sự biết chính xác kết quả kiểm tra của những người này. Nhưng vì cuộc di tản bắt đầu từ lúc Nhật Bản chuyển tiếp những kết quả đó nên họ đã quyết định để những người di tản bị nhiễm bệnh (những người chưa biểu hiện triệu chứng) lên máy bay và ngồi ở phía sau, cách biệt với các hành khách khác bằng những tấm chắn có dán băng dính vào những khe hở.
Trong khi các công dân Mỹ đang được đưa về nhà và các quốc gia khác như Australia, Canada và Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị sơ tán công dân của họ thì Bộ Y tế Nhật Bản tuyên bố hôm thứ Hai rằng đã có thêm 99 trường hợp nữa được xác định dương tính với virus corona trên con tàu này, nâng tổng số ca lây nhiễm lên 454 người.
Trong số đó, có 3 viên chức y tế của Nhật Bản bị nhiễm virus trong khi đang chăm sóc hành khách và các thủy thủ trên tàu Diamond Princess. Sự gia tăng về số lượng các ca nhiễm bệnh trên con tàu này đã tạo nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên hay không nên đưa các công dân này về nhà khi đây là ổ dịch virus lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Eiji Kusumi, bác sĩ chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Navitas ở Tokyo cho biết: "Việc kiểm dịch trên con tàu kết thúc bằng sự thất bại chưa từng có. Bài học này cho chúng ta thấy việc cách li trên tàu là điều không thể, chúng ta không nên lặp lại điều này thêm một lần nữa". Các quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất trong vụ việc ở trên tàu Diamond Princess.
Một con tàu khác là Westerdam cũng đã bị từ chối cập cảng bởi 5 quốc gia trước khi Campuchia cho phép con tàu này tới đây, kết thúc chuỗi ngày dài hai tuần lênh đênh trên biển. Hãng tàu khẳng định rằng không có ai bị nhiễm bệnh và hành khách bắt đầu trở về nhà. Tuy nhiên sau đó, một phụ nữ người Mỹ đã có kết quả dương tính với virus khiến cho các chuyên gia lo ngại rằng dịch bệnh sẽ còn tồi tệ hơn.
Sau khi bị cách li trong một khoảng thời gian dài ở Nhật Bản, chính phủ Mỹ đã khuyến khích các hành khách Mỹ trên con tàu Diamond Princess đồng ý di tản bằng máy bay. Các chuyên gia y tế đã kiểm tra hành khách Mỹ trên tàu và xác định rằng có ít nhất 328 người trong số họ có thể được sơ tán và 61 người ở lại tàu.
Khi được hỏi tại sao các quan chức Mỹ bắt đầu sơ tán hành khách mà không biết được kết quả xét nghiệm của họ, Tiến sĩ William Walters, giám đốc điều hành y tế tại Bộ Ngoại giao trả lời các phóng viên hôm thứ Hai rằng đó là một kết quả không thể đoán trước được.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Một khi kết quả xét nghiệm đã rõ ràng, những hành khách bị nhiễm bệnh sẽ được di chuyển nhanh chóng và an toàn nhất đến một khu vực đặc biệt ở phía đuôi máy bay. "Trong khu vực cách li, họ sẽ không có rủi ro gì thêm cả", bác sĩ Walters nói.
Sau khi hạ cánh, 14 người di tản bị nhiễm bệnh đã đến bệnh viện để theo dõi và điều trị. Hầu hết họ cuối cùng đã được bay đến Omaha để điều trị y tế bởi các chuyên gia tại Đại học Nebraska. 5 hành khách trở lại khác cũng bị cách li vì họ bị sốt. Các hành khách còn lại ở tại căn cứ không quân Travis ở California hoặc căn cứ không quân Lackland ở Texas,họ sẽ bị cách li thêm 14 ngày nữa.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, có ít nhất 71 người Mỹ trên tàu đã bị nhiễm virus corona. Nhiều người trong số họ vẫn còn đang ở các bệnh viện tại Nhật Bản.
John Haering, 63 tuổi, một giám đốc vận hành đã nghỉ hưu thuộc Union Pacific Railroad sống ở Tooele, Utah đã được đưa đến một bệnh viện ở tỉnh Chiba vào tuần trước vì bị sốt và cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Ông cho biết mình cảm thấy bị mắc kẹt khi nằm trong phòng cách li. Vợ của ông, Melanie, đã về nhà trên một trong những hãng tàu bay thuê.
"Tôi rất vui vì bà ấy đã rời khỏi đây và bà ấy sẽ được chăm sóc tại Mỹ", ông Haering nói "Tuy vậy tôi cũng rất buồn. Bạn sẽ cảm thấy trống trải khi ai đó rời đi". Ông cũng cho biết mình không còn có bất kì triệu chứng hay sốt nào cả, nhưng ảnh chụp CT có dấu hiệu bị viêm phổi nên ông cũng không rõ sẽ phải ở lại đây bao lâu.
"Hôm nay họ đã lấy mẫu của tôi một lần nữa, tôi sẽ biết kết quả vào ngày mai", ông nói. "Tôi đã hỏi bác sĩ liệu mẫu bệnh của tôi có cho kết quả âm tính hay không, anh ta chỉ lắc đầu và nói: Tôi không biết".
Ông Haering nói rằng ông không nghe ngóng được thông tin gì từ tàu Princess Cruise, hay công ty vận hành Diamond Princess kể từ khi ông đến bệnh viện. Cho đến Chủ nhật ông cũng không nghe được tin gì từ Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo. "Thật đáng sợ", ông nói "Tôi cảm giác như đang bị bỏ rơi".
Tung Pi Lee, 79 tuổi, một bác sĩ đã nghỉ hưu, bị cách li tại một bệnh viện ở Tokyo khi được xét nhiệm nhiễm virus corona trong khi vợ ông, Angela, đã bay về California trên một trong những chuyến bay di tản. Một số người trong gia đình họ nằm trong số 14 hành khách bị nhiễm bệnh nhưng chưa có biểu hiện đã bay về nước. Hai người trong số họ đã được đưa tới Nebraska và một người khác ở California để điều trị.
JoAnn LaRoche Lee, con gái của ông Lee, cho biết: "Tôi rất mừng cho các dì và chú của mình đã trở lại Mỹ và được điều trị tại đây. Họ đã bị cách li tại Nhật Bản, tôi tự hỏi đã có những chuyện gì xảy ra với họ".
Cố gắng cùng với anh chị em của mình ở Mỹ để động viên cha đang chữa trị tại Tokyo, cô cảm thấy "đó như một cơn ác mộng không bao giờ kết thúc".