Học sinh rối loạn tâm thần vì phải học quá nhiều | |
Báo động tình trạng trẻ hóa tâm thần |
Trước vụ việc 9 em học sinh ở trường Nà Bản (thuộc xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) thường xuyên có những biểu hiện lạ như liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, suy kiệt sức khỏe.
PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 đưa ra nhận định: “Đây là các biểu hiện đặc trưng của rối loạn phân ly. Đây không phải là hiện tượng lạ của Việt Nam, trước đây bệnh đã được ghi nhận nhiều ở các đại đội thanh niên xung phong. Hiện nay, bệnh cũng được ghi nhận rải rác ở các bệnh nhân. Trong vài năm gần đây, ở một số trường trung học phổ thông cũng xảy ra hiện tượng như vậy”.
(Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam) |
Rối loạn phân ly (tình trạng rối loạn thần kinh chức năng, hysteria, điên tình...) là một dạng rối loạn cơ thể, nó chiếm 0,3 – 0,5% dân số. Bệnh rối loạn phân ly liên quan đến những triệu chứng không rõ nguyên nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động tự chủ hay chức năng cảm giác. Khởi phát của bệnh thường được bắt đầu từ một sự kiện căng thẳng.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH RỐI LOẠN PHÂN LY
Rối loạn mất trí nhớ: Triệu chứng chính của tình trạng này là mất trí nhớ trầm trọng, hay quên và khó giải thích được dù đã trải qua việc kiểm tra y tế. Tình trạng mất trí nhớ thường đến đột ngột sau một chấn thương tâm lý, chẳng hạn như là tai nạn xe hơi, té ngã...
Rối loạn vận động: Đó là các biểu hiện như lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn... Trong đó biểu hiện hay gặp nhất là run toàn thân hoặc run cục bộ một phần chi thể. Đôi khi bệnh nhân còn bị liệt phân ly, liệt cứng và liệt mềm, liệt một chi, hai chi hoặc cả tứ chi. Thậm chí nhiều người còn rơi vào tình trạng rối loạn phát âm như khó nói, nói lắp.
(Ảnh: Dân Việt) |
Rối loạn cảm giác: Thường gặp nhất trong rối loạn phân ly là cảm giác đau. Các khu vực bị mất cảm giác sẽ không đúng với vùng định khu của thần kinh cảm giác. Cảm giác đau trong phân ly dễ làm cho người ta nhầm với các triệu chứng đau “thực vật” và đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông...
Sững sờ phân ly: Bệnh nhân có thể bị giảm hoặc mất khả năng vận động tự chủ. Biểu hiện là người bệnh nằm hoặc ngồi bất động trong một thời gian dài. Không thể nói và không thể phản ứng lại với một số kích thích như tiếng động. Tuy nhiên bệnh nhân không hề mất ý thức, 2 mắt có thể mở hoặc nhắm nghiền, đồng thời không có các rối loạn cơ thể hoặc tâm thần khác.
tinviet24h.com |
Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Bệnh nhân bị mất ý thức tạm thời. Có những hành động khác thường như một nhân cách khác, một linh hồn khác. Thường xuyên xuất hiện các động tác, tư thế, lời nói hạn chế và lặp lại nhiều lần. Những hành động này xuất hiện không theo mong muốn và xuất hiện giữa các hoạt động thông thường khi bệnh nhân tỉnh táo.
NHỮNG AI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH?
Trước đây, bệnh rối loạn phân ly được cho là căn bệnh của phụ nữ (bệnh tử cung). Sau này, người ta thấy rằng nam giới cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam. Đặc biệt, những người trong tiền sử gia đình từng có người bị rối loạn phân ly thì sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Các chuyên gia nhận định, bệnh rối loạn phân ly hiếm khi khởi phát trước 10 tuổi và sau 35 tuổi. Trong trường hợp bệnh xuất hiện ở độ tuổi muộn hơn thì khả năng bệnh nhân có một bệnh thần kinh hoặc bệnh nội khoa nào đó là khá cao.
(Ảnh: Dân trí) |
Khi nói về vấn đề bệnh có thể lây truyền hay không, Tiến sĩ Cao Tiến Đức cho biết: “Rối loạn phân ly không lây như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng nó cũng có cơ chế “lây” riêng trong tâm thần. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể lớn”.
PHẢI ĐIỀU TRỊ BỆNH BẰNG TÂM LÝ
Theo PGS. TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, với bệnh rối loạn phân ly thì việc điều trị về tâm lý cần được quan tâm đặc biệt, bên cạnh đó là những giải pháp nhằm giảm thiểu các biểu hiện bất thường. “Phải đặc biệt chú ý đến sự sẻ chia và thông cảm từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp với người bệnh. Mọi sự xa lánh hay cách nhìn khác thường dễ khiến tình trạng người bệnh thêm nặng hơn”, ông Cường cho biết.
PGS.TS Trần Văn Cường cho rằng việc điều trị rối loạn phân ly sẽ mất khá nhiều thời gian. Vì vậy rất cần sự kiên trì của bệnh nhân cũng như gia đình. Trong suốt quá trình điều trị phải luôn tạo cho bệnh nhân không khí vui vẻ, thoải mái, tránh dồn dập áp lực.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh này, mọi người cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly. Cần đặc biệt chú ý rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, tính tập thể, tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.