Chiều 23/9, tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cháu Trần Minh H (9 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đi xe đạp trên đường đã va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường, bị tôn cứa vào cổ. Được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, do vết thương quá nặng, mất máu nhiều, cháu bé đã tử vong.
Sự ra đi đột ngột của cậu bé không chỉ là nỗi đau đối với cha mẹ, người thân; mà còn là nỗi day dứt đối với những người lớn.
Những người có mặt khi cháu bé gặp nạn thì tiếc nuối vì không thể cứu được cháu, dù họ đã cố gắng bằng cách nhanh nhất đưa cháu vào bệnh viện. Các bác sĩ thì tiếc nuối vì không đem sinh mệnh trở về được với bệnh nhân.
Mới đây, một trang cá nhân được cho là của bác sĩ phụ trách chính trong ca cấp cứu của cháu bé đã chia sẻ những dòng tâm sự mang nhiều tiếc thương, nhiều day dứt, khiến cộng đồng mạng xúc động.
|
Những chia sẻ của bị bác sĩ này khiến nhiều người ứa nước mắt, thương cho sự ra đi đột ngột của bé trai, thương bậc cha mẹ phải chịu nỗi đau mất mát quá lớn. Đồng thời cũng bày tỏ sự cảm thông, khâm phục với tấm lòng của người bác sĩ cấp cứu tâm đức.
"Ở đâu đó vẫn còn có những ng bác sĩ có y đức như thế này. Sẵn sàng chấp nhận bị chửi, thậm chí bị người nhà bệnh nhân lăng mạ, trách móc để cứu người. Họ vẫn thầm lặng như thế, những vị bác sĩ hiếm có khó tìm. Mong bác công tác tốt. Mong e yên nghỉ nhé cậu bé không quen. Mong gia đình vượt qua đc nỗi đau này...", bạn có nick name Bếu bình luận.
Một cư dân mạng giới thiệu là bác sĩ bày tỏ: "Mình không biết ở chỗ các bác các bác sĩ sao nhưng mình thấy ở chỗ mình bác sĩ cực kỳ tội. Mình cũng là bác sĩ nhưng ko vì thế mà mình bênh vực, mình chỉ là 1 bác sĩ khoa lẻ, khi nào cấp cứu có bệnh gì liên quan mới được gọi tới. Bệnh viện mình cũng thuộc dạng bệnh viện hàng đầu ở cả nước, nói chung mỗi lần vào cấp cứu là mặt bệnh gì cũng có từ gãy chân gãy tay tới nặng hơn là nát người, các bạn người nhà nhiều khi không hiểu cho bác sĩ cứ đứng đấy rồi phàn nàn. Thật sự ảnh hưởng tới tâm lý của bác sĩ rất nhiều, nhiều khi mặt các bác sĩ lạnh tanh như tiền vì các bác sĩ cấp cứu thần kinh luôn ở trạng thái căng thẳng và hoạt động liên tục nên không thể cứ luôn cười. Nhưng họ cũng là người, có người này người kia nhưng hầu hết đều có một trái tim yêu nghề, vì ko yêu nghề thì không bao giờ gắn bó được với cái khoa cấp cứu này... Bác sĩ nhất là bác sĩ khoa cấp cứu không chỉ là nghề mà còn là nghiệp."
Nhiều dân mạng cũng bày tỏ sự thương xót, đau lòng trước sự ra đi của bé trai xấu số.
"Đọc mà ứa nước mắt. Đôi khi chính những sự thờ ơ, vô tâm của người lớn làm ảnh hưởng đến bọn trẻ. Nếu...nếu có đc một chữ "nếu" thì ước gì...những cơ qua thực thi pháp luật phải làm triệt để những tình trạng vị phạm giao thông như thế. Chở hàng nặng, to, cồng kềnh mà vẫn lăn bánh trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đành rằng ai cũng vì miếng cơm manh áo,nhưng nếu vì thế mà để xảy ra những tình trạng thương tâm trên liệu có đáng", bạn Rôm bày tỏ quan điểm.
"Cầu mong bé được về cõi cực lạc, cầu mong gia đình bé sớm quen đi nỗi đau và cố gắng chấp nhận hiện thực, cầu mong bác chở tôn thuê qua nạn này và cầu mong sau cau chuyện này nhưng người chở hàng thuê sẽ có ý thức hơn nữa", bạn có nick name Hồng Nhung bày tỏ.
Được biết, sau tai nạn đáng tiếc của bé trai, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông dẫn đến vụ va chạm của bé trai vào tấm tôn trên xích lô đỗ bên đường ngày 23/9.
Đồng thời, Hà Nội cần triển khai thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh...
Giá như những tấm tôn sắc nhọn kia được bọc kín để không thành mối nguy hiểm cho bất kì ai, giá như trên đường phố vắng bóng những chiếc xe chở vật liệu cồng kềnh ngang nhiên đi trên phố, giá như cái nghèo không khiến bác xích lô kia phải gật đầu chuyên chở chuyến hàng oan nghiệt,... Nhiều câu "giá như" được cư dân mạng đặt ra.
Giá như khi cháu bé gặp nạn, chỉ cần một người thôi, một người lớn trong chúng ta biết cách sợ cứu đúng cách tại hiện trường, thì có lẽ... mọi việc đã khác. Ở khâu sơ cứu tại hiện trường, chỉ cần tìm cách cầm máu, chỉ cần bình tĩnh lấy tay bịt vết thương bằng vải, quần áo, khăn hoặc bất cứ vật liệu nào có thể bịt, cầm máu, sau đó đưa nạn nhân đến viện cấp cứu nhanh nhất. Những vết thương dạng này cũng không phải phẫu thuật phức tạp, chỉ cần mổ cấp cứu 10 phút là bác sĩ đã có thể nối được mạch máu cứu sống nạn nhân.
Nhưng vốn dĩ, cuộc sống không có những "giá như", "ước gì", chỉ có những hành động thiết thực...
Hải Hà