Sacombank tạm dừng cho vay lĩnh vực bất động sản

Ngân hàng Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6, trừ trường hợp cho cán bộ nhân viên và người thân vay để mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Mới đây, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank đã có văn bản gửi các giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Trong đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Tổng giám đốc yêu cầu các đơn vị tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022, trừ trường hợp cho cán cán bộ nhân viên và người thân vay để  mua, xây, sửa bất động sản để ở.

Đồng thời, ngân hàng cũng không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc.

   Sacombank tạm dừng cho vay lĩnh vực bất động sản đến 30/6. (Ảnh minh họa: Sacombank). 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank trả lời báo Pháp luật TP HCM: “Hiện tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank cũng nhiều rồi nên trong giai đoạn này, chúng tôi không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của NHNN.  Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt thì chúng tôi vẫn thực hiện giải ngân như bình thường".

Vị Tổng giám đốc ngân hàng cho biết thêm, hiện hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng mới là dự ước (giao tạm) thôi nên room tín dụng của các ngân hàng không có nhiều. Trong khi đó, mới gần kết thúc quý I/2022 mà tín dụng đã tăng gần bằng room tín dụng NHNN giao, do đó việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.

Không chỉ Sacombank, hiện nay xuất hiện thông tin ngân hàng Techcombank cũng có thông báo yêu các đơn vị kinh doanh kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản.

Theo đó ngân hàng tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/3, rời lịch giải ngân sang 1/4. Tuy nhiên lãnh đạo Techcombank chưa xác nhận chính thức về thông tin này. 

Liên quan đến vấn đề siết tín dụng trong hoạt động bất động sản, trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 30/1 của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành hôm 18/3 vừa qua, NHNN cũng đã đề cập. 

Trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…; kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô-la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nêu trên.

Đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản và tuân thủ đúng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và quy định liên quan.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.