Samsung ngừng kế hoạch đầu tư
Theo Yonhap, Tập đoàn Samsung có thể sẽ ngừng hầu hết các kế hoạch đầu tư và kinh doanh mới của họ trong thời gian trước mắt, sau khi nhà lãnh đạo Lee Jae-yong của họ bị bắt giữ.
Vụ bắt giữ người thừa kế của Samsung vừa qua đã gây chấn động trong dư luận Hàn Quốc và quốc tế đồng thời đẩy tập đoàn vào cuộc khủng hoảng thứ hai kể từ năm ngoái sau sự cố Galaxy Note 7.
Theo một số nhà lãnh đạo của Samsung, rằng tập đoàn này có thể sẽ gặp phải một số hạn chế khi không có sự hiện diện của ông Lee. Những dự án quan trọng thường phải có quyết định từ chủ tịch.
Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Jay Y. Lee
Báo cáo cho thấy, kể từ khi ông Lee thay người cha Lee Kun-hee lãnh đạo Tập đoàn Samsung năm 2014, Công ty Samsung Electronics Co. của tập đoàn này đã mua lại hơn 15 công ty nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Samsung Electronics đã đầu tư hơn 27.000 tỷ won (23,6 tỷ USD), lượng đầu tư lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn này.
Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định rằng với khoảng trống kinh doanh của tập đoàn Samsung với tư cách doanh nghiệp toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Hàn Quốc vốn đang khó khăn.
Còn theo tờ Nikkei, Samsung có thể ngừng các kế hoạch cải tổ bộ máy quản lý bao gồm việc bỏ phiếu chọn ra những người sẽ đứng đầu tập đoàn.
Samsung từng công bố kế hoạch tái cơ cấu một số công ty con của tập đoàn trong bối cảnh ngày càng nhiều yêu cầu cải cách bộ máy quản lý, đặt vai trò cổ đông lên hàng đầu nhằm tăng cổ tức.
Mọi kế hoạch bị tạm dừng kể từ khi phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị triệu tập đến cơ quan quan điều tra vì cáo buộc hối lộ. Với tình hình hiện tại, Samsung khó có thể hoàn thành kế hoạch cải tổ vào tháng Sáu như đã dự kiến.
Cổ phiếu Samsung Electronics trong phiên giao dịch hôm qua có lúc mất 1,8%. Cổ phiếu Samsung SDI và Samsung Electro-Mechanics tăng 0,8%. Trong khi đó, các công ty khác thuộc Samsung Group như Samsung C&T và Samsung Engineering lại giảm lần lượt 2,7% và 0,8%.
Toshiba đứng trước nguy cơ phá sản
Trong khi đó, ở Nhật, tập đoàn lớn về điện tử là Toshiba cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Shigenori Shiga đã từ chức. Toshiba tuyên bố, xin phép hoãn báo cáo thêm một tháng, với lý do cần điều tra quy trình kế toán tại mảng này ở Mỹ.
Cổ phiếu của Toshiba chốt phiên giao dịch ngày 17/2 tiếp tục đà lao dốc, giảm tới 9,2% do các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ cổ phiếu này bị loại khỏi danh sách các cổ phiếu chủ lực của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo.
Ông Shigenori Shiga đã từ chức
Theo dự đoán, Toshiba có khả năng mất khoảng 1,3 tỷ USD tài sản ròng vào cuối tháng 3 tới, và nhấn mạnh tình trạng nguy hiểm về tài chính. Trước đó, bê bối khiến tài sản ròng của doanh nghiệp thất thoát 4,4 tỷ USD trong 9 tháng cuối năm 2016.
Toshiba đã đầu tư mạo hiểm vào mảng điện hạt nhân sau gian lận kế toán lên tới 1,2 tỷ USD năm 2015. Năm ngoái, hãng này đã có nhiều dấu hiệu tốt, với lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 977 triệu USD. Song công ty lại gặp rắc rối và thừa nhận đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực điện hạt nhân có thể là sai lầm.
Ban lãnh đạo Toshiba đang xem xét hàng loạt biện pháp tái cơ cấu. Ông Satoshi Tsunakawa, CEO Toshiba cho biết sẽ cân nhắc bán phần lớn, hoặc thậm chí toàn bộ, mảng chip nhớ. Điều này hoàn toàn trái ngược so với quan điểm trước đây, khi Toshiba khẳng định chỉ bán khoảng 20%.
Thành lập vào cuối thế kỷ 19, Toshiba là một trong những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của xứ sở hoa anh đào sản xuất bóng đèn, máy giặt cũng như tủ lạnh.
Nam Hải