Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam: 'Bom nợ' Evergrande không ảnh hưởng, thậm chí còn có lợi cho Việt Nam

Nhiều người lo ngại, sự sụp đổ của ông trùm bất động sản như Evergrande có thể kéo theo những tác động tiêu cực đến thị trường tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản toàn cầu đổ dồn sự chú ý về tập đoàn bất động sản Evergrande của tỷ phú Trung Quốc Hứa Gia Ấn.

Hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty này chủ yếu theo phương thức: Mua đất từ chính quyền địa phương, xây dựng dự án và bán các căn hộ cho khách hàng trước khi hoàn thành. Số tiền thu về từ dự án được Evergrande kết hợp với vốn vay mượn thêm để mua đất cho dự án tiếp theo.

Từng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, giờ đây công ty này đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì khoản nợ khổng lồ lên đến hơn 300 tỷ USD.

Đáng nói, trước khi trở thành "bom nợ", Evergrande là doanh nghiệp bất động sản có doanh thu lớn thứ hai Trung Quốc, top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, sở hữu hàng ngàn dự án...

'Bom nợ' Evergrande ảnh hưởng ra sao đến bất động sản Việt Nam? - Ảnh 1.

Evergrande được đánh giá là "too big to fail" (quá lớn để sụp đổ). (Ảnh: AP).

Trước thông tin tập đoàn bất động sản khổng lồ của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới có thể sụp đổ, nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam nếu kịch bản xấu xảy ra. 

Trả lời về vấn đề này tại talkshow chủ đề bất động sản phía đông TP HCM nửa cuối 2021 do Viet Success tổ chức, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam (VREC) và CLB Bất động sản TP HCM (HREC) cho rằng, rủi ro của Evergrande không ảnh hưởng tới Việt Nam, thậm chí còn đem lại mặt tích cực.

Theo ông Bảo, Việt Nam có vị trí tốt, lợi thế là nằm ngay bên cạnh Trung Quốc. Khi người láng giềng "khổng lồ" gặp vấn đề thì dòng tiền của các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển qua Việt Nam. 

Số liệu từ JLL cho thấy, so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam là quốc gia thu hút khá tốt về nguồn vốn FDI. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cụ thể là tới các khu công nghiệp ở Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương...

Cũng theo Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam & TP HCM, doanh thu của tập đoàn Evergrande chỉ chiếm khoảng hơn 30% doanh thu của ngành địa ốc Trung Quốc. Con số nợ 300 tỷ USD của tập đoàn này không phải là quá lớn nếu đặt trong nền kinh tế lớn thế giới thế giới. Nếu có thực sự xảy ra kịch bản vỡ nợ mức ảnh hưởng cũng không lớn tới thị trường.

"Tôi nghĩ Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, trước sự việc này, Chính phủ Việt Nam sẽ chăm chút, kiểm soát các doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Các chủ đầu tư bất động sản Việt Nam cũng sẽ coi đây là bài học để tự điều chỉnh lại tài chính, dòng tiền của mình, tránh việc đầu tư ồ ạt", ông Bảo nhận định.

Cũng nói về nguy cơ của "bom nợ" Evergrande, ông Phạm Linh, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản TP HCM, Phó Tổng Giám đốc VietABank, nhận định, với một công ty có sự phát triển quá nhanh và lớn mạnh thì áp lực là rất lớn. 

Khi Covid-19 xảy ra, chắc chắn hoạt động bán hàng của công ty và dòng tiền thanh toán của khách hàng cũng bị ảnh hưởng, khiến doanh nghiệp không thể xoay xở trả nợ đúng hạn. Thông thường, với những doanh nghiệp quy mô nhỏ thì có thể đàm phán, chủ nợ sẽ hiểu cho khó khăn của doanh nghiệp và cho lùi thời hạn đóng tiền. Tuy nhiên, với doanh nghiệp quy mô lớn thì việc tất cả các chủ nợ trên toàn cầu cùng thương lượng là khá khó. Hiện tại, các nước trên thế giới đang kỳ vọng Trung Quốc không nhất thiết phải đưa ra giải pháp tài chính cho Evergrande, mà có một cơ quan nào đó sẽ đứng ra làm cầu nối để các chủ nợ cùng ngồi lại bàn bạc để hiểu rõ về tình trạng của Evergrande.

"Theo tôi biết, khối lượng tài sản của Evergrande rất lớn. Số nợ 300 tỷ USD không phải là áp lực quá lớn so với tổng tài sản của họ.

Dư luận đang kỳ vọng Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ cử ra đơn vị để đàm phán với các chủ nợ. Nếu việc này thành công thì việc ảnh hưởng của Evergrande đến thị trường Trung Quốc sẽ không trầm trọng như chúng ta lo lắng. Nếu có sự dàn xếp này thì công ty có thể vực dậy sau 1 - 2 năm, ở giai đoạn hậu Covid-19. 

Mặc dù Evergrande không phải của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn luôn mong công ty này nói riêng và tất cả công ty trên thế giới kinh doanh ổn định. Điều này sẽ mang lại sự ổn định cho kinh tế vĩ mô trên toàn cầu, giúp cho lòng tin của dòng tiền đầu tư tiếp tục vững mạnh và ổn định. Dòng tiền cũng có thể luân chuyển liên tục ngoài Trung Quốc như  Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan... Giúp cho sự phát triển của khu vực châu Á ngày càng mạnh mẽ và bền vững", ông Linh nhấn mạnh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.