Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: VTC News).
Theo thông tin chúng tôi nhận được, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về tình hình triển khai hạ tầng giao thông kết nối và rà, phá bom, mìn Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cụ thể, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Dự án).
Đồng thời, trên cơ sở dự án đã được phê duyệt, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các hạng mục của dự án, bao gồm cả công tác rà, phá bom, mìn, giải phóng mặt bằng và xây dựng các tuyến giao thông kết nối phục vụ thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy đinh của pháp luật.
Trong một diễn biến khác liên quan, mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe tiến độ thực hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.
Tại cuộc họp, đại diện Tư vấn JFV cho biết tới thời điểm hiện tại hầu hết các công việc đã được hoàn thành.
Cụ thể là việc bao gồm thu thập toàn bộ dữ liệu thực hiện công tác nghiên cứu khả thi; dự báo nhu cầu giao thông hàng không; thiết kế sơ bộ hệ thống giao thông kết nối; thiết kế nhà ga hàng khách; thiết kế các hạng mục công trình phụ trợ; thiết kế các hạng mục sân, đường, cầu cạn….
Phía tư vấn cũng cho biết đang hoàn thiện công tác bản vẽ và viết thuyết minh báo cáo để chuẩn bị trình Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề nghị ACV phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh toàn bộ Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành trước 31/5/2019 trên cơ sở phải đảm bảo chất lượng.
Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu nếu hạng mục nào chậm thì ACV phải có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời phải thực hiện kiểm soát tiến độ hàng ngày.
Ngoài ra, ông Thể cũng đề nghị phải có phương án kết nối trực tiếp sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và TP HCM; phương án kết nối với các đô thị xung quanh.
Bên cạnh đó, phía tư vấn và các đơn vị liên quan cần phải nghiên cứu kĩ việc phân kì đầu tư; ra soát lại tất cả các hạng mục của sân bay.
Được biết, dự án sân bay Long Thành được Quốc hội khóa XIII tại kì họp thứ 9 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).
Trước mắt, dự án này sẽ khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia.
Sân bay Long Thành cũng hướng đến trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Theo đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.