Sau 10 năm xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã làm được gì?

Sau 10 năm thực hiện đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường", chính quyền thành phố thực hiện nhiều giải pháp đầu tư trọng điểm về hạ tầng kĩ thuật, công trình xử lí nước thải nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, bất cập.

Đà Nẵng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường 11.922 tỉ đồng

Ngày 21/8/2008, UBND TP Đà Nẵng có Quyết đinh số 41/2008/QĐ-UBND ban hành đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.

Theo Quyết định này, mục tiêu hướng đến năm 2020, Đà Nẵng đạt thành phố thân thiện môi trường, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố.

da nang

Phát triển hạ tầng ven biển Đà Nẵng nóng khiến môi trường ô nhiễm do xả thải không qua xử lí nhiều. Chính quyền thành phố đã phạt hơn 1 tỉ đồng năm 2019. (Ảnh: Văn Luận).

TP Đà Nẵng ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, có đủ năng lực để xử lí và khắc phục các sự cố môi trường. Tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến làm ăn và sinh sống tại Đà Nẵng đều có ý thức về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường.

UBND thành phố cho biết, qua 10 năm thực hiện đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường", tổng vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là 11.922 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA khoảng 511,4 triệu USD, vốn tư nhân khoảng 131 tỉ đồng và ngân sách nhà nước là 978 tỉ đồng.

TP Đà Nẵng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đầu tư trọng điểm về hạ tầng kĩ thuật đô thị môi trường, hoàn thành cơ bản các công trình xử lí nước thải sinh hoạt đô thị tập trung tại Phú Lộc, Sơn Trà, Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn, triển khai nhiều biện pháp phân loại, tái sử dụng tái chế chất thải rắn...

Đến nay, 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung, chất lượng nước thải sau xử lí cơ bản đảm bảo qui chuẩn môi trường; 13/15 điểm nóng được xử lí triệt để, các điểm nóng phức tạp được kiềm chế.

Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước cấp tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn 76,81%; tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn 65%, 100% chất thải rắn y tế được quản lí đạt yêu cầu.

Đà Nẵng còn nhiều bất cập giải quyết về hạ tầng kĩ thuật, chất thải rắn, nước thải

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá công tác 10 năm thực hiện đề án mới đây, lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như: Gia tăng tình trạng rác thải bừa bãi, thiếu trang thiết bị, hạ tầng kĩ thuật đối với chất thải rắn; công nghệ xử lí môi trường lạc hậu, hệ thống xử lí nước thải quá tải...

nuoc thai den ngom bien my khe da nang

Nước thải đen ngòm ra biển Mỹ Khê sáng ngày 14/8. Vấn đề nước thải tràn ra mỗi khi mưa do hệ thống quá tải kéo dài nhiều năm qua. (Ảnh: Văn Luận).

Cùng với đó, tình trạng xâm ngập mặn thường xuyên, kéo dài trên sông Vu Gia. Các khu công nghiệp chưa đảm bảo khoảng cách an toàn của các nhà máy sản xuất với các khu vực dân cư liền kề. Một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn chưa tuân thủ về môi trường.

Các điểm nóng ô nhiễm môi trường vẫn còn kéo dài tại sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn, Âu thuyền Thọ Quang...

Tìm hiểu của chúng tôi, về vấn đề nước thải tại sông Phú Lộc, trong năm 2019, thành phố đã thống nhất nâng công suất Trạm giai đoạn 2, Trạm xử lí nước thải sinh hoạt tập trung Phú Lộc lên công suất thiết kế 65.000 m3/ngày đêm, tổng công suất thiết kế 105.000 m3/ngày đêm, đang thi công, dự kiến tháng 3/2020 hoàn thành.

Để cắt giảm các nguồn thải ra sông Phú Lộc và biển chủ yếu tại 4 cửa xả: Lê Độ, gần Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước, đường Yên khê 2 và cửa xả Phú Lộc, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê đẩy nhanh công tác giải tỏa đền bù liên quan đến thi công công trình tuyến mương Khe Cạn, kênh Phần Lăng do Ban quản lí các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đang thi công, đề nghị HĐND quận tăng cường giám sát để dự án sớm hoàn thành.

Ngày 7/7, thông báo của Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP Đà Nẵng phát đi cho biết về kết luận của ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP tại buổi đối thoại với các hộ dân tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Thành phố đã có chủ trương nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lí chất thải rắn trong đó có đầu tư nhà máy xử lí rác bằng công nghệ hiện đại, tốt hơn công nghệ chôn lấp hiện nay và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.