Sáng 25/6, diễn đàn “Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020”(VOBF) với chủ đề "Tăng tốc sau đại dịch" do Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) tổ chức đã diễn ra tại TP HCM, qui tụ trên 500 chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lí trong lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, phát biểu: “Thực sự, dịch Covid-19 là cú hích đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua hàng trực tuyến.
Covid-19, nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số. Thêm vào đó là Quyết định của chính phủ, với kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử 2021-2025, với nhiều mục tiêu cụ thể, là cú huých phát triển thương mại điện tử”.
Khảo sát của VECOM cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh nghiệp thương mại điện tử trong giai đoạn cao điểm của đại dịch từ tháng 2 đến tháng 4/2020 là 14% so với cùng kì năm 2019.
Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản. Vì vậy đa số doanh nghiệp cũng nhận định tiềm năng kinh doanh sẽ tốt hơn sau khi kết thúc đại dịch.
Là doanh nghiệp cung cấp nền tảng quản lí bán hàng online và offline, ông Trương Thịnh, Giám đốc Sapo TP HCM, nói: "So với trước đây, số lượng khách hàng quan tâm sản phẩm online của Sapo tăng lên rất nhiều. Khoảng 50%, xu hướng khách hàng dần dịch chuyển từ quản lí offline sang online nhằm tăng tốc hoạt động bán hàng. Dự báo mức độ quan tâm này trong thời gian tới có thể tăng lên 70-80%".
Phân tích cụ thể xu hướng chuyển dịch này, ông Thịnh chia sẻ trước đây khách hàng thường bán ở một cửa hàng truyền thống nhưng hiện nay họ thường kết hợp cả bán hàng ở cửa hàng và trên các sàn thương mại như Lazada, Shoppe, Sendo... nên việc đồng bộ tất cả thông tin bán hàng, sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận trên một phần mềm quản lí duy nhất như Sapo là xu hướng đang tăng trưởng và dự báo sẽ còn tăng mạnh sau dịch" .
Số liệu của VECOM cho thấy, 19% doanh nghiệp nhận thấy doanh thu trong giai đoạn cao điểm tăng từ 31-50% và 24% số doanh nghiệp khảo sát có doanh thu trên 51% so với cùng kì năm trước.
Về mức độ lạc quan khi kết thúc dịch, đến 50% doanh nghiệp nhận định tiềm năng kinh doanh sau khi đại dịch kết thúc sẽ tốt hơn.
VECOM dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2020 tiếp tục duy trì trên 30% và qui mô thương mại điện tử cả nước sẽ vượt con số 15 tỉ USD.
Nguyên nhân, theo VECOM, là do lĩnh vực thương mại điện tử đang chứng kiến hai tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025.
Thứ nhất, Covid-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa quí II của năm.
"Các doanh nghiệp này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến", Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ - Nielsen Việt Nam, nhìn nhận dịch Covid-19 là cú hích khiến chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng.
Khảo sát của Nielsen cho thấy có 65% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho sản phẩm tốt và đảm bảo sức khỏe; 59% người chọn mua hàng nội địa do biết nguồn gốc và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, có 64% người dùng cho rằng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.
Điều này cho thấy thương mại điện tử sẽ gắn liền với hành vi mua sắm của người dùng sau dịch. Bên cạnh đó, số đông người dùng cũng thay đổi thói quen ăn uống bên ngoài với tỉ lệ 83% (trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 86%, Malaysia là 62%...)
"Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng; chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng...", ông Dzũng nói.
Tương tự, bà Vũ Ánh Tuyết, Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam, cho rằng để tận dụng được đà tăng trưởng của thương mại điện tử từ dịch Covid-19, nhà bán lẻ online này đã đầu tư mạnh vào 3 trụ cột chính là logistics, hệ thống công nghệ thông tin và trang bị kiến thức, kĩ năng cho người bán hàng.
Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người bán hàng, miễn phí giao hàng… Từ đó, kéo được không ít thương hiệu chuyên bán hàng offline đến với sàn thương mại điện tử.
Đây cùng là thông tin chia sẻ của đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khi cho biết kế hoạch tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm sẽ tăng lên 25% vào năm 2025, ước tính 10 năm nữa thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán hàng B2C.
“Tuy nhiên sau cú hích mới đây, kết quả tăng trưởng 5 năm tới có thể sẽ vượt kế hoạch”, bà Nguyễn Thúy Anh, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định.