Sau Visicons và Nam Mê Kông, khu biệt thự 12 ha tại TP Vĩnh Yên tiếp tục đổi chủ

Khu biệt thự nhà vườn Vinaconex 6 - Đại Lải được chấp thuận đầu tư từ năm 2004 cho Vinaconex 6 (Visicons), sau đó được chuyển nhượng cho Vinaconex 3 (Nam Mê Kông), nay đã tiếp tục có chủ mới là Công ty Bất động sản Đại Lải.

Ngày 16/8 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu biệt thự nhà vườn Vinaconex 6 - Đại Lải từ CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (mã chứng khoán: VC3) sang cho CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đại Lải.

Hai lần đổi chủ sau 18 năm

Theo tìm hiểu của người viết, dự án này nằm tại xã Ngọc Thanh, TP Vĩnh Yên, quy mô khoảng 12,1 ha, tổng mức đầu tư hơn 242 tỷ đồng. Phía bắc dự án giáp với khu tái định cư Ngọc Thanh, phía đông giáp Xóm Chung; phía nam giáp thôn Miếu Gô; phía tây giáp trụ sở UBND xã Ngọc Thanh, Xuân Hòa.

Tại dự án có 130 căn biệt thự, nhà vườn (mật độ xây dựng 30 - 45%, tầng cao trung bình 3 tầng, tổng diện tích sàn 42.500 m2); 1 nhà trẻ; 1 trạm y tế; 1 nhà hành chính và hệ thống cây xanh công viên, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật.

Thông tin từ văn bản, dự án này được chấp thuận đầu tư lần đầu vào tháng 11/2004 đối với CTCP Vinaconex 6 (nay là CTCP Xây dựng và Đầu tư Visicons, mã chứng khoán: VC6), đến tháng 7/2016 được điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Năm 2018, dự án đã được điều chỉnh tiến độ. Tháng 10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã cấp 130 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với 130 thửa đất cho Visicons.

Vào tháng 1/2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án từ Visicons sang cho CTCP Xây dựng Số 3 (tên cũ của Nam Mê Kông).

Nói qua về các chủ đầu tư, đầu tiên là Visicons, doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Vinaconex 6 thành lập vào tháng 6/2000, từng là thành viên của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG).

Từ tháng 4/2016, Visicons không còn là thành viên của Vinaconex. Đến tháng 4/2018, Vinaconex 6 đổi tên thành Visicons. Vốn điều lệ tính đến 30/6/2022 là 80 tỷ đồng. 

Về phía Nam Mê Kông, doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) được thành lập từ năm 1993, hiện có trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội. Vốn điều lệ tính đến 30/6/2022 là hơn 668 tỷ đồng.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, Nam Mê Kông cho hay, dự án biệt thự nhà vườn tính đến cuối 2021 đã hoàn thiện công tác thi công hạ tầng kỹ thuật, đang bước vào giai đoạn cuối cùng.

Phối cảnh Khu biệt thự nhà vườn Vinaconex 6 - Đại Lải. (Ảnh: Visicons). 

Chủ mới là ai?

Về chủ mới của Khu biệt thự nhà vườn Vinaconex 6 - Đại Lải, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đại Lải được thành lập vào thàng 3/2020 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, có trụ sở tại xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Thời điểm thành lập, Bất động sản Đại Lải có 3 cổ đông gồm: Ông Đặng Ngọc Linh (80%); Đặng Minh Huệ (10%) và Kiều Xuân Nam (10%). 

Ông Đặng Ngọc Linh - Chủ tịch HĐQT của Bất động sản Đại Lải từng đứng tên tại văn phòng đại diện Vinaconex 3 - chi nhánh Thái Nguyên. Hiện nay, ông đang là đại diện pháp luật kiêm Thành viên HĐQT của CTCP Vật liệu Xây dựng Hà Nội (CMC Hà Nội) - công ty con của Nam Mê Kông.

Theo giới thiệu, CMC tiền thân là Công ty Vật liệu Kiến thiết Hà Nội được thành lập từ năm 1954 trực thuộc Sở thương mại Hà Nội. Đến năm 1992, công ty được đổi tên thành Công ty Vật liệu xây dựng Hà Nội. Vào tháng 12/2004, doanh nghiệp được cổ phần hóa và đổi tên như hiện nay.

Tại Hà Nội, CMC là chủ đầu tư dự án tòa nhà văn phòng CMC tower tại 389 Đê La Thành và nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, văn phòng tại 12 Cát Linh. Ngoài ra, CMC còn tham gia đầu tư khách Sạn Little Charm tại 44 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Một cổ đông khác của Bất động sản Đại Lải là ông Kiều Xuân Nam, vị này đang đứng tên tại CTCP Bất động sản Mê Kông và CTCP Thương mại Dịch vụ và Bán lẻ Gemek. 

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...