CEO Novaland nói về nguyên nhân người dân mua nhà khiếu kiện

Ông Bùi Xuân Huy cho biết hiện 10 dự án xin cấp quyền sử dụng đất đã nộp Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM nhưng chưa hoàn tất được thủ tục. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng rất vất vả vì câu chuyện 7 dự án ở quận Phú Nhuận với nhiều thông tin trái chiều liên quan đến ngừng giao dịch, cấp sổ đỏ.

Khiếu kiện kéo dài vì sổ đỏ

Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với doanh nghiệp bất động sản, Tổng Giám đốc Novaland Bùi Xuân Huy cho hay hiện chủ đầu tư đang rất e dè với các dự án, bởi tiến độ triển khai thủ tục pháp lí rất chậm trễ. Ông Huy nói hàng loạt thủ tục chậm trễ giữa bối cảnh huy động vốn nước ngoài khá thuận lợi nên cơ hội của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều.

CEO Novaland nói về nguyên nhân người dân mua nhà khiếu kiện  - Ảnh 1.

Một trong 7 dự án của Novaland dính thông tin lùm xùm tại quận Phú Nhuận, TP HCM. (Ảnh: Zing).

"Chúng tôi có 10 dự án được giao đất đầu tư, đến nay đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 4 dự án, khách hàng cũng đã vào ở, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà vẫn chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên doanh nghiệp dù đã vất vả hết sức cũng không thể ra được Giấy chứng nhận Quyền sử dụng nhà cho cư dân", ông Huy nói.

Theo CEO Novaland, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất của 10 dự án này lên Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục.

"Chính vì điều này mà nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất xảy ra. Thậm chí có vụ khiếu nại kéo dài, gây mất an ninh trật tự", ông Huy nói. 

Ngoài 10 dự án trên, Tổng Giám đốc Novaland cũng nhắc đến 7 dự án khác ở các khu vực đắt đỏ tại quận Phú Nhuận, gồm Dự án Garden Gate (số 8 Hoàng Minh Giám), Dự án Newton Residence (số 38 Trương Quốc Dung), Dự án Orchard Garden (số 128 Hồng Hà), Dự án Orchard Park View (số 130-132 Hồng Hà), Dự án Golden Mansion (số 119 Phổ Quang), Dự án Kingston Residence (số 146 Nguyễn Văn Trỗi) và Dự án The Prince Residence (số 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi).

Đầu năm nay, TP cho tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở với 7 dự án này. Novaland kiến nghị UBND TPHCM sớm có văn bản chính thức về việc tạm dừng cấp quyền sử dụng đất cho 7 dự án, cũng như sớm giải quyết 10 hồ sơ đã nộp lên Sở Tài Nguyên Môi trường để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư.

Đồng quan điểm của ông Huy về việc các doanh nghiệp đang ngồi chờ động thái tích cực của cơ quan quản lí nhà nước, CEO Phúc Khang - bà Lưu Thị Thanh Mẫu, cho rằng việc dự án bị tạm dừng để kiểm tra thời gian qua khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư rất ái ngại.

Cụ thể, theo bà Mẫu với mỗi dự án, doanh nghiệp phải bỏ qua 1.000-2.000 tỉ nhưng đi qua đến nhiều bước rồi dừng là mất cơ hội kinh doanh. Bởi nhà đầu tư chán nản, mất vốn, tạo cho nguồn cung nhà ở khan hiếm, người mua nhà chuyển nhu cầu sang địa phương khác, nếu muốn mua tại chỗ phải trả chi phí cao hơn.

Ngoài 124 dự án đã "hết kẹt", HoREA kiến nghị tháo gỡ tiếp 30 dự án còn lại

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết thực tế, các dự án bị "mắc kẹt" do quá trình rà soát, thanh tra của cơ quan chức năng đang là vấn đề và bức xúc chung của các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HoREA, sau khi kiến nghị "giải vây" cho 150 dự án bất động sản trên địa bàn TP HCM đang bị đóng băng, UBND thành phố đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai. Đây là một tín hiệu tích cực.

CEO Novaland nói về nguyên nhân người dân mua nhà khiếu kiện  - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục tháo gỡ cho 30 dự án còn lại.

Tuy nhiên, ông kiến nghị UBND TP HCM sớm công bố danh sách 124 dự án được tháo gỡ này, để chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, tiếp tục triển khai thực hiện dự án, cũng là để người mua nhà yên tâm.

"Hiệp hội kiến nghị UBND TP HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra. Quá trình càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh", ông Châu nói.

Theo ông, việc chậm trễ này còn ảnh hưởng đến tình hình cung cầu, gây bất lợi cho cả nhà đầu tư, khách hàng và thị trường bất động sản.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất và phối hợp với Sở Tài Chính để thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án.

Theo ông Châu, hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn thành phố bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TP HCM.

"Nguyên nhân trực tiếp là một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến", ông Châu nói.

Đồng thời, ông cho rằng "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP HCM, nên cần phải nghiên cứu, sửa đổi.

Có doanh nghiệp mỗi ngày mất 1 tỉ đồng

Trả lời bức xúc của doanh nghiệp và kiến nghị của HoREA, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay rất hiểu và chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay, như dự án bị ngưng trệ, áp lực từ đối tác nước ngoài, từ lãi suất ngân hàng, thậm chí hiện mỗi ngày có doanh nghiệp thiệt hại ít nhất 1 tỉ đồng.

CEO Novaland nói về nguyên nhân người dân mua nhà khiếu kiện  - Ảnh 3.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã yêu cầu sở TN-MT công khai 124 dự án được tháo gỡ.

Về việc 124 dự án đã được tháo gỡ sau khi tạm dừng để rà soát, thanh tra, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho hay đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường mời các doanh nghiệp đang triển khai 124 dự án này đến, thông báo cụ thể và tiếp tục đầu tư để đảm bảo môi trường đầu tư cho thành phố.

Theo ông Tuyến, quan điểm của thành phố là dự án nào sau thanh tra có sai phạm thì phải dừng lại để thực hiện đúng qui định. Dự án nào công an đang thụ lí thì tạm dừng.

Những dự án không rơi vào hai trường hợp trên thì UBND TP HCM sẽ trực tiếp làm việc với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan kiểm toán và thống nhất tháo gỡ, tiếp tục thực hiện nhưng phải theo đúng quy định.

"Nhưng nếu trong quá trình triển khai có vấn đề thì cũng phải tiếp tục dừng để rà soát", ông Tuyến nói.

Riêng 7 dự án tại quận Phú Nhuận của Novaland, Phó Chủ tịch TP HCM khẳng định thành phố không có chỉ đạo nào về việc tạm dừng giao dịch, dừng cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà cho dân. Do vậy người dân và doanh nghiệp cần hiểu đúng tinh thần  của thành phố. Việc rà soát lại một số dự án có liên quan đến đất công cũng là hoạt động bình thường để hoàn thiện tính pháp lí.

Về 300 mặt bằng đất công tại thành phố mà các doanh nghiệp đề nghị công khai, Phó Chủ tịch UBND TP HCM thông tin theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố được phép bán chỉ định nhưng các doanh nghiệp không làm thủ tục thu mua.

Ông Tuyến cho biết hiện TP đã chỉ đạo Sở Tài chính mời doanh nghiệp lên tìm hiểu lí do, nếu chính đáng có cơ sở xem xét tiếp tục bán thì đề xuất, còn nếu không thì buộc thu hồi bán đấu giá, không để tài sản lãng phí.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.