Chuyện dạy đức dục của một giáo viên người Việt ở Mỹ | |
Bộ Ngoại giao nói về Đoàn Thị Hương và vụ bé Nhật Linh bị sát hại tại Nhật |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, an toàn cho người bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, cũng như bảo đảm an ninh trật tự môi trường y tế…
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2018).
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới”?
>> Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Bộ Y tế đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong năm 2018. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; xây dựng chương trình sức khỏe Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, kết nối các chương trình, đề án về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới… Đồng thời triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân, đẩy mạnh quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã.
Bộ Y tế cũng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Trong đó, các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật. Về công tác dự phòng, sẽ tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Đối với công tác dân số, bộ tiếp tục các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Bộ Y tế cũng sẽ cố gắng để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, không vì khó khăn tài chính mà bị bỏ rơi. Đồng thời nỗ lực hơn để người bệnh vào nằm điều trị tại bệnh viện công lập, ngoài công lập hài lòng với chất lượng phục vụ.
Nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu cao nhất mà Bộ Y tế đang cố gắng thực hiện. Bộ trưởng có cảm thấy hài lòng về những kết quả mà ngành đã đạt được trong năm qua?
Việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được những kết quả khích lệ, được người dân đồng tình ủng hộ. Ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang trạng thái “cung cấp dịch vụ, phục vụ”. Thống kê mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế trong năm 2017 đạt 89,8%. Tuy nhiên vẫn còn không ít người bệnh phàn nàn về thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện quá tải. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ tại một số bệnh viện cũng bị người dân phản ánh nhiều.
Để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ, trong thời gian tới, ngành tiếp tục quán triệt nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế; kỹ năng giao tiếp, ứng xử thông qua việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật; tăng cường nâng cao y đức, cùng với việc phát động các phong trào thi đua, nêu gương người tốt việc tốt. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm quá tải.
Tai biến y khoa là một trong những vấn đề khiến người bệnh rất lo lắng và bức xúc. Ngành y tế có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Tai biến trong khám chữa bệnh gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh là do sai sót chuyên môn kỹ thuật hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám chữa bệnh. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hệ thống giám sát về tai biến y khoa trên toàn quốc. Tuy nhiên, để sớm có thông tin nhằm quản lý các trường hợp tai biến y khoa tốt hơn, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn thống nhất quy định liên quan đến nhận diện, phân loại, báo cáo sự cố và một số nguyên tắc cơ bản việc khắc phục, xử lý, xác định nguyên nhân nhằm phòng ngừa sự cố y khoa. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
Thời gian qua đã xảy nhiều vụ hành hung thầy thuốc khi đang làm nhiệm vụ, vậy ngành y tế có biện pháp gì để giảm thiểu các vụ bạo hành thầy thuốc và bảo đảm an ninh bệnh viện?
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn mà cả các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115. Có một thực tế đáng buồn là đa số những người hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay có tiền án, tiền sự mà là những người dân bình thường, thậm chí có cả những cán bộ nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Do đó, Bộ Y tế kêu gọi chính quyền các cấp áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực. Về phía các bệnh viện, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh và bảo đảm an toàn người bệnh. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Đình chỉ cô giáo nhốt trẻ mầm non ở nhà vệ sinh rồi bỏ quên | |
Rớt nước mắt hình ảnh cậu bé bị não úng thủy Đức Lộc bị bỏ rơi khi mới lọt lòng |