Sinh viên mới ra trường 'giao tiếp ú ớ, tiếng Anh bập bẹ'

Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM khi được hỏi về lý do nhiều sinh viên ĐH, CĐ sau khi ra trường vẫn thất nghiệp.

Nghịch lý doanh nghiệp thiếu người, cử nhân thất nghiệp

Theo số liệu công bố hằng năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số cử nhân thất nghiệp tương đối cao. Về số lượng, hiện nay đã có trên 220 ngàn cử nhân chưa kiếm được việc làm. Riêng tại TP.HCM, mỗi năm, hệ đào tạo chính quy cung cấp 70 ngàn lao động trình độ đại học và 50 ngàn lao động trình độ cao đẳng.

sinh vien viet ra truong giao tiep u o tieng anh bap be
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết chọn sai nghề và yếu kỹ năng mềm là nguyên nhân khiến cử nhân thất nghiệp. Ảnh: Quỳnh Anh

Lý giải hiện tượng nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, nhiều trường hợp có việc làm nhưng lại trái nghề, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Nhiều em khi chọn trường thường nhắm vào những ngành “hot” hoặc những ngành theo ý gia đình mà không thực sự yêu thích dẫn đến trong quá trình học bị nản chí, hoặc theo không được nhưng vẫn cố gắng để ra trường có bằng. Như vậy, kỹ năng nghề không có, đam mê không có, việc không có việc làm là dễ thấy hoặc các em buộc phải chuyển sang làm những nghề trái với nghề được học”.

Ngoài việc lựa chọn sai ngành nghề, ông Trần Anh Tuấn còn cho biết sự khập khiễng trong đào tạo tại nhà trường và việc làm thực tế tại các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp không tuyển được lao động trong khi cử nhân thất nghiệp lại càng tăng.

“Chương trình học nặng tính lý thuyết, thiếu tính thực tế cũng là nguyên nhân khiến sinh viên yếu kỹ năng nghề nghiệp. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp cho thấy trong tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường tham gia thị trường lao động, chỉ 37% phù hợp. Số còn lại, các doanh nghiệp phải đào tạo thêm 1-3 năm mới thích nghi được”, ông Tuấn nói.

sinh vien viet ra truong giao tiep u o tieng anh bap be
Tỉ lệ thất nghiệp theo trình độ do PGS.TS. Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM thống kê tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học” được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 7/1/2017 tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, sinh viên sau khi ra trường những kỹ năng mềm cơ bản như giao tiếp hay viết CV yếu kém cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải lắc đầu ngán ngẩm. Ông Tuấn cho biết: “Viết một bức thư xin việc cũng quên kính gửi hay khi phỏng vấn trả lời ậm ờ, nhút nhát hay không bày tỏ được quan điểm cũng là điểm trừ rất lớn của sinh viên hiện nay, kỹ năng mềm quá yếu trong khi ở hầu hết các trường đều có những CLB hay các khoá đào tạo kỹ năng mềm sao các bạn không biết tận dụng?”

Theo Trung tâm dự báo nhu cần nhân lực TP.HCM, với việc hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC) đã mở ra cơ hội việc làm cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn có tay nghề cao, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, Tiếng Anh lại là thứ sinh viên yếu kém nhất.

Ông Tuấn cho biết: “Hầu hết các trường đều yêu cầu đầu ra Tiếng Anh, từ bằng IELTS đến Toiec hoặc các chứng chỉ tương đương nhưng sinh viên chủ yếu vẫn nghe, nói, đọc, viết bập bõm, mình nói mình hiểu, người khác nghe không hiểu, đây chính là điểm yếu và hạn chế lớn nhất khiến các bạn không tìm được việc làm. Tôi dám chắc rằng chỉ cần bạn khá tiếng Anh thì cơ hội nghề nghiệp vô cùng lớn, đặc biệt khi chúng ta đã hội nhập với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)".

Doanh nghiệp nói gì?

Thạc sĩ Trần Thị Minh Khương - Phó tổng giám đốc dịch vụ nhân sự, công ty cổ phần Việt Victory với tư cách là người làm công tác tuyển dụng lâu năm đã chia sẻ những lỗi rất cơ bản mà sinh viên khi đi xin việc thường xuyên mắc phải.

Thạc sĩ cho biết: “Có bốn lỗi mà các bạn sinh viên thường gặp khi tham gia vào các buổi tuyển dụng, phỏng vấn. Thứ nhất, các bạn đang hiểu sai về khái niệm công việc ổn định. Các bạn nghĩ rằng, công việc ổn định là khi ra trường, các bạn được đi làm, không hề đặt ra một chỉ tiêu nhất định cho bản thân. Thật ra công việc ổn định hay không nó không phụ thuộc vào tính chất công việc mà do bản thân người lao động. Nếu như họ làm tốt thì công việc nào cũng ổn định, kể cả việc có chỉ tiêu như kinh doanh.

sinh vien viet ra truong giao tiep u o tieng anh bap be
Hầu hết sinh viên ra trường đều cần doanh nghiệp đào tạo lại mới làm được việc. Ảnh minh hoạ

Cái thứ hai là các bạn không có chí tiến thủ khi tham gia phỏng vấn, nghĩa là ý chí cầu tiến không có. Thứ ba là khi trả lời phỏng vấn thường các bạn trả lời rất chung chung mà không thể hiện được điểm mạnh hay lập trường của người được phỏng vấn. Tôi nói ví dụ như Tại sao em ứng tuyển vào vị trí này? Các bạn thường trả lời rằng tại vì em thích làm trong một môi trường chuyên nghiệp. Nghĩa là những câu trả lời nó rất là chung chung mà nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi đều hình dung được các bạn sẽ trả lời như thế nào và hầu hết là giống nhau.

Thứ tư, sinh viên thường mang tâm lí là em là một người rất ham học hỏi. Đối với nhà tuyển dụng thì các bạn đã học đủ bốn năm trên giảng đường và đây là thời gian các bạn làm việc. Chúng tôi kí kết hợp đồng lao động với các bạn vì chúng tôi cần những người làm chứ không phải cần những người học”.

Thạc sĩ Khương cũng nhấn mạnh, đa số những lỗi khi phỏng vấn tuyển dụng của sinh viên hầu hết đều thuộc về kỹ năng mềm, đây là kỹ năng các bạn hoàn toàn có thể trau dồi được khi học ĐH, CĐ, nhiều bạn kiến thức nghề tốt, kỹ năng nghề đảm bảo nhưng kỹ năng mềm hạn chế vẫn có thể bị rớt từ “vòng gửi xe” tại bất kì công ty nào.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.