Lao động châu Á mắc kẹt giữa khủng hoảng thất nghiệp kỉ lục ở Mỹ

Theo Nikkei Asian Review, các chuyên gia nhận định những người lao động có visa thuộc dạng H-1B ở Mỹ có thể sẽ là những mục tiêu hàng đầu bị các công ty sa thải để cắt giảm chi phí, trước tình hình cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng phức tạp.
Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 1.

Các công ty công nghệ lớn tại Mỹ trả lương phần lớn các lao động nhập cư từ châu Á theo dạng thị thực làm việc H1-B. (Nguồn: Getty).

Mắc kẹt trong những "chuyến đi công tác"

Một kĩ sư phần mềm người Trung Quốc, anh Chen, đã có một "chuyến công tác" đến một khu nghỉ mát ở bãi biển Mexico vào tháng 3, và vẫn đang mắc kẹt ở đó trong khi đã mất việc làm, và anh không thể không đi đâu cả.

Kĩ sư người Trung Quốc 27 tuổi này đã chia sẻ với Nikkei Asian Review rằng anh bay tới Cancun với hai mục đích chính, là nghỉ ngơi đồng thời gia hạn visa H-1B của anh tại Mỹ.

Visa dạng H-1B cho phép anh Chen cùng hàng trăm ngàn lao động nước ngoài khác đang làm việc tại Mỹ trong thời hạn 3 năm, miễn là họ có công việc tại một công ty ở Mỹ, và phải được gia hạn ở nước ngoài.

"Dù tôi không muốn đi du lịch trước tình hình dịch Covid-19, nhưng tôi cũng không thể để bản thân rơi vào vòng pháp lí nếu visa hết hạn", anh Chen - ở Giang Tô đã đến Mỹ làm việc tại một công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính tại San Francisco nhiều năm trước.

"Cho nên, về cơ bản tôi buộc phải thực hiện chuyến 'đi công tác' này", anh thở dài.

Tuy nhiên, ngay trước khi anh kịp thực hiện cuộc phỏng vấn tại lãnh sự quán Mỹ ở Mexico, chính phủ Mỹ đã đóng cửa hoàn toàn cánh cổng vào "giấc mơ Mỹ", trì hoãn vô thời hạn toàn bộ các cuộc hẹn cấp visa trên toàn thế giới.

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 2.

Visa làm việc H-1B của Mỹ buộc phải được gia hạn ở các đại sứ quán Mỹ tại các quốc gia khác, cứ 3 năm một lần, những người lao động theo dạng này đều phải "đi công tác, đi du lịch" để gia hạn visa. (Nguồn: Reuters).

Chỉ một tuần sau đó, anh Chen nhận được cuộc gọi từ ban nhân sự của công ty mình, thông báo rằng anh và hàng chục người khác trong đội của anh đã bị cho thôi việc - để anh cùng những người đồng nghiệp của mình rơi vào tình trạng "lấp lửng".

"Tất cả những điều này xảy ra quá nhanh. Tôi buộc phải từ bỏ mọi thứ tôi đã xây dựng trong suổt 5 năm qua chỉ trong một vài ngày", anh Chen buồn bã nói.

"Tôi vẫn cần phải trả tiền thuê nhà ở San Francisco, vì hợp đồng thuê đến tháng 9 mới hết hạn, rồi còn khoản tiền khách sạn ở Mexico nữa".

"Hiện tại tôi bị mắc kẹt ở Mexico mà không có visa Mỹ hợp lệ, không có công ăn việc làm hay chiếc vé máy bay nào để về Trung Quốc, trong khi tài khoản ngân hàng thì rỗng tuếch", anh nói thêm.

Hoàn cảnh éo le của anh nhấn mạnh tình trạng bấp bênh mà nhiều người lao động nước ngoài sử dụng thị thực H-1B tại Mỹ đang phải đối mặt, hầu hết trong số họ đến từ châu Á.

Khi các công ty nơi họ làm việc thu hẹp qui mô để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế khởi nguồn từ đại dịch Covid-19, những người lao động nhập cư này sẽ là một trong số những nhân viên có khả năng bị cho thôi việc nhất.

Mất việc làm cũng sẽ khiến tình trạng pháp lí của họ tại Mỹ lâm nguy.

Trừ phi họ có thể tìm được một công ty mới để bảo đảm cho mình trong vòng 60 ngày, nếu không họ sẽ phải rời khỏi Mỹ, hoặc chấp nhận trở thành những người nhập cư trái phép với rất ít cơ hội để lấy lại quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ.

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 3.

Tìm một công ty mới sẵn sàng tài trợ visa làm việc trong vòng 60 ngày là một điều cực kì khó khăn hiện tại ở Mỹ. (Nguồn: The Nations).

"Tìm công ty chịu tài trợ thị thực là điều không thể"

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Niskanen - một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Thủ đô Washington, hơn 250.000 lao động nhập cư có thể sẽ phải rời khỏi Mỹ vào cuối tháng 6 tới đây.

Ông Jeremy Neufeld, nhà phân tích chính sách nhập cư tại Niskanen, nhận định: "Việc tìm kiếm một chủ lao động mới sẵn sàng tài trợ visa làm việc chỉ trong thời gian 60 ngày, là một điều rất khó khăn ngay cả khi không có cuộc suy thoái kinh tế hay lệnh phong tỏa nào được đưa ra".

Ông nói: "Về cơ bản, điều này là không thể với tình hình hiện tại".

"Một phần trong số họ có thể có con cái là công dân Mỹ, hoặc các thành viên trong gia đình của họ có các quốc tịch khác nhau, dẫn đến việc họ sẽ phải đưa ra quyết định chia li gia đình của mình", ông Neufeld nói thêm.

Hơn nữa, không phải ai cũng có thể trở về quê hương của mình, điển hình như Ấn Độ đã đóng cửa biên giới với tất cả mọi người kể cả chính công dân của họ, để ngăn chặn virus Covid-19 lây lan.

Theo chính quyền tiểu bang California, hiện đã có một danh sách dài các công ty công nghệ thông báo sa thải hàng ngàn nhân viện trong những tuần gần đây. 

Trong đó có những gương mặt lớn như công ty khởi nghiệp "kì lân" Oyo - quản lí chuỗi khách sạn được Softbank tài trợ, công ty khởi nghiệp du lịch TripActions, và hai đại gia taxi công nghệ Mỹ Uber và Lyft.

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 4.

Phần lớn lực lượng lao động nhập cư theo dạng H-1B tại Mỹ là người châu Á, trong đó chủ yếu làm việc tại các công ty công nghệ lớn. (Nguồn: San Francisco Business Times).

Phần lớn lao động nhập cư dạng H-1B tại Mỹ là người châu Á

Các công ty khởi nghiệp "đốt tiền mặt" phát triển nhanh chóng đang hứng chịu tác động nặng nề do nguồn tài chính tài trợ ngày một hạn chế, vì đại dịch Covid-19 hoành hành, buộc họ phải đưa ra các biện pháp cắt giảm chi phí cấp bách hơn như sa thải nhân viên.

Tình hình này càng nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của các nhân viên nước ngoài sử dụng thị thực H-1B làm việc trong ngành công nghệ tại Mỹ, đặc biệt là những lao động nhập cư đến từ châu Á.

Dữ liệu từ Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ cho thấy trong số 388.403 đơn xin thị thực H-1B được phê duyệt trong từ đầu năm đến tháng 9/2019. Trong đó, 72% là người Ấn Độ, 13% là người Trung Quốc và khoảng 1% là người Hàn Quốc.

Có khoảng 2/3 số ứng viên xin thị thực H-1B có các vị trí làm việc có liên quan đến máy tính.

Google đã nộp 10.577 đơn xin thị thực H-1B, con số này với Amazon là 7.705 đơn, công ty máy tính IBM là 7.237 đơn, Microsoft với 6.041 đơn, theo sau là Facebook với 3.212 đơn và Apple là 1.708 đơn.

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 5.

Google đứng đầu trong các ông lớn công nghệ thuê lao động nhập cư theo dạng H-1B tại Mỹ. (Nguồn: CNN).

Không cứu người lao động nhập cư, kinh tế Mỹ sẽ chịu giá đắt

Hơn 10 tổ chức, bao gồm các tổ chức vận động hành lang lĩnh vực công nghệ và các tổ chức nghiên cứu, đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump tự động gia hạn thị thực, cũng như kéo dài thời hạn gia hạn thị thực cho các lao động nhập cư cho đến ít nhất là ngày 10/9 năm nay.

"Nếu không hành động, các vấn đề này sẽ dẫn đến hàng trăm, hàng ngàn công ăn việc làm bị bỏ ngỏ, gây ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc lên nền kinh tế ", nhóm này ghi rõ trong lá thư gửi các cơ quan an ninh và chính phủ Mỹ vào ngày 17/4.

Song, những yêu cầu này lại đi ngược với lập trường cứng rắn về các vấn đề người nhập cư cửa Tổng thống Donald Trump và chính quyền của mình.

Trong năm tài khóa 2019, số lượng thị thực không định cư được cấp tại Mỹ chỉ còn 8,7 triệu, thấp hơn 25% so với con số 10,9 triệu thị thực không định cư trong năm tài khóa 2015.

Tháng trước, Tổng thống Trump cũng đã đăng tải kế hoạch tạm thời cấm toàn bộ những người nhập cư nhập cảnh vào Mỹ, để kiềm chế virus Covid-19 và bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ, trên trang Twitter của mình.

Ngay sau đó, ông đã kí duyệt lệnh cấm hầu hết những người hiện đang ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ nhận thẻ xanh trong vòng 60 ngày.

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 6.

Tỉ lệ trượt visa H-1B tại Mỹ tăng mạnh theo năm. (Nguồn: Economic Times).

Blind - một mạng xã hội ẩn danh cho phép người dùng tham gia và thiết lập cộng đồng của riêng một công ty để chia sẻ lẫn nhau, gần đây đã khảo hơn 10.000 người chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 80% người lao động phụ thuộc vào thị thực lo ngại về công ăn việc làm của họ trước đại dịch Covid-19, cao hơn nhiều so với con số 66% những người lao động không cần thị thực.

"Tất nhiên là tôi sợ bị sa thải hơn các đồng nghiệp là người Mỹ rồi...", Alex Lu, một kĩ sư tại Uber cho biết

"Tôi đã mất 1 năm trời để tìm một công việc tài trợ visa làm việc cho tôi, và thêm 2 năm chờ đợi may mắn tìm đến để quay được tấm vé xổ số H-1B", anh nói. "Và thêm 1 năm tiếp tục chờ đợi thị thực được chấp thuận nữa".

Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ gia tăng khiến nỗi lo visa đè nặng người lao động châu Á trong các công ty công nghệ - Ảnh 7.

Một văn phòng làm việc tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Hình tượng các nhân viên công nghệ là người lao động nhập cư từ châu Á không còn xa lạ với người dân tại Mỹ. (Nguồn: AP).

Các chuyên gia pháp lí Mỹ nhận định, những người lao động nước ngoài rất cần sự giúp đỡ của các chủ lao động, để đảm bảo thị thực có thể sẽ là những lựa chọn bị cho thôi việc đầu tiên.

Nguyên nhân là do những người này về mặt pháp lí không thể bị cắt giảm việc làm hay được nghỉ phép không lương.

Rebecca Bernhard, một đối tác của công ty luật quốc tế Dorsey & Whitney, cho biết: "Các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ có qui mô trung bình đang chịu các áp lực tài chính, có nhiều khả năng từ bỏ các nhân viên phụ thuộc vào thị thực của họ nhất".