Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM, nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, tăng cường tính giao lưu học hỏi đã được diễn ra. Nhiều đề tài, sản phẩm, mô hình, giải pháp kỹ thuật về sáng tạo khoa học, công nghệ của thanh thiếu nhi thành phố cũng đã được triển lãm tại Liên hoan.
Trong đó, nhóm 5 sinh viên của trường đại học Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách tham quan khi giới thiệu 4 sản phẩm, mô hình được thực hiện trong vòng 1 năm, bao gồm xe lăn điều khiển bằng chuyển động của đầu dành cho người khuyết tật, robot do thám ứng dụng trong tìm kiếm cứu hộ, mô hình nhận dạng giọng nói trên kit Raspberry Pi3 để điều khiển robot di dộng, mô hình hầm đỗ xe gia đình thông minh.
Nhóm sinh viên trường đại học Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách tham quan |
Đáng chú ý là xe lăn điều khiển bằng chuyển động của đầu dành cho người khuyết tật và robot do thám tìm kiếm cứu hộ. Robot do thám ứng dụng trong tìm kiếm cứu hộ có khả năng điều khiển từ xa thông qua hệ thống máy tính nhúng nhằm thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm (trong kho hóa chất, khu vực hầm khí gas bị rò gỉ, đường cống chật hẹp xuống cấp, các hầm mỏ, vùng bị rò gỉ điện …) thay thế con người. Từ đó tránh được các rủi ro mất an toàn trong công tác tìm kiếm cứu hộ, trinh thám thực địa.
Trong khi đó, xe lăn được điều khiển thông qua bộ điều khiển nhận tín hiệu từ cảm biến được đặt trên đầu người sử dụng truyền về. Nhờ tín hiệu nhận được từ cảm biến thì bộ điều khiển sẽ xuất tín hiệu điều khiển cơ cấu chấp hành làm cho xe lăn di chuyển theo ý muốn của người sử dụng (theo chuyển động của đầu gồm: nghiêng trái - nghiêng phải - cúi phía trước - ngã phía sau - thẳng đứng).
Ngoài ra, trong lúc hoạt động thì camera trên xe lăn sẽ truyền hình ảnh của người dùng về cho người thân hoặc trung tâm của bệnh viện thông qua mạng wifi.
Xe lăn điều khiển bằng chuyển động của đầu dành cho người khuyết tật |
Nhóm sinh viên đang kiểm tra robot do thám ứng dụng trong tìm kiếm cứu hộ |
Nói rõ hơn về xe lăn điện dành cho người khuyết tật, sinh viên Lâm Quang Thái (trưởng nhóm) chia sẻ: “Chứng kiến sự khó khăn của những người khuyết tật khi di chuyển, nhóm đã lên ý tưởng thiết kế một sản phẩm có khả năng hỗ trợ người bị khuyết tật, người già yếu tay chân không còn linh hoạt để điều khiển các loại xe lăn điện bình thường khác. Sản phẩm có thể di chuyển dễ dàng theo mong muốn của người dùng bằng việc điều khiển xe lăn theo các cử chỉ đầu của người sử dụng.
Đồng thời trên thị trường hiện nay thì đa số xe lăn điện điều được nhập khẩu nên giá thành tương đối cao với những người có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp. Từ hoàn cảnh đó cũng như mong muốn giúp đỡ cho những người bị khuyết tật, giúp họ vươn lên trong cuộc sống mà nhóm đã chế tạo được một chiếc xe lăn điện có giá thành hợp lý phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng, giúp họ có thể thoải mái và dễ dàng di chuyển trong sinh hoạt hằng ngày”.