Sở GTVT TP HCM đề xuất xây 34 cổng thu phí vì 'thời điểm phù hợp'

Đề xuất lắp 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm, Sở GTVT TP HCM cho rằng hiện tại là thời điểm phù hợp khi cả nước đã thống nhất công nghệ thu phí không dừng

Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng khai thác hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TP HCM) cho biết, các tuyến đường nội đô đang bị quá tải, trong 6 tháng đầu năm, lượng ôtô đăng ký mới trên địa bàn tăng hơn 15% (xe máy tăng 6%).

Do đó, thành phố phải có giải pháp nếu không tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông Đường, đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm, Sở GTVT TP HCM vừa trình UBND TP là dựa trên đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đây. Mục tiêu là hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế lượng ôtô cá nhân, phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông.

Đề xuất lần này Sở đang xin UBND.TP chủ trương; nếu được đồng ý, Sở sẽ bắt đầu nghiên cứu các phương án cụ thể như xây bao nhiêu trạm, mức phí, phạm vi ảnh hưởng…

Dự kiến nếu được chấp thuận, đến năm 2021 Sở sẽ nghiên cứu xong, sau đó lấy ý kiến các bên, ý kiến người dân, trung ương…

Sở GTVT TP HCM đề xuất xây 34 cổng thu phí vì 'thời điểm phù hợp' - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP ngày càng căng thẳng

Ông Đường cho rằng, yếu tố cơ sở cho đề xuất lắp đặt 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm Sài Gòn là vào thời điểm này cả nước đã thống nhất công nghệ thu phí không dừng.

“Cả nước đang thực hiện việc dán thẻ ETC, thu phí không dừng miễn phí. Do vậy, tất cả các loại xe lưu thông vào trung tâm Sài Gòn cũng dùng chung loại thẻ này, hoàn toàn không sợ gây phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, nếu là xe nước ngoài thì gặp chút khó khăn, nhưng chúng sẽ tính toán lại trong quá trình thực hiện”- ông Đường nói.

Ông cho biết thêm, hiện khu vực trung tâm đã thực hiện việc thu phí ô tô trên 32 tuyến đường; sắp tới TP sẽ mở rộng thu phí trên nhiều tuyến đường khác.

“Mình thực hiện nhiều giải pháp, có cả việc tăng giá giữ xe bên trong khu vực nội đô so với khu vực bên ngoài. Phương án thu phí ô tô chỉ là một trong tổng thể đề án hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng”- ông Đường thông tin.

Theo Trưởng phòng khai thác hạ tầng đường bộ Sở GTVT, trước đây đề án của ITD gây nhiều băn khoăn là việc thu phí ô tô vào trung tâm chưa có trong Luật phí và lệ phí. Nhưng hiện nay TP HCM đã được quyết định một số loại phí mới - theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.

Sở kiến nghị UBND TP HCM dùng ngân sách thực hiện, chỉ thuê tư nhân bảo trì, thu phí... Tổng mức đầu tư khái toán là 250 tỉ đồng so với đề xuất của doanh nghiệp trước đó là hơn 1.500 tỉ.

Sở GTVT TP HCM đề xuất xây 34 cổng thu phí vì 'thời điểm phù hợp' - Ảnh 2.

Khu vực thu phí được công ty công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất (bên trong đường màu đỏ)

Giải thích về chênh lệch tổng mức đầu tư này, ông Đường cho biết con số mà nhà đầu tư đề xuất năm 2017 là tổng kinh phí trong vòng đời 15 năm của dự án, bao gồm cả chi phí trang thiết bị, cổng thu phí; lợi nhuận, lãi vay ngân hàng, tái đầu tư trong bài toán kinh tế của ITD.

Trong khi đó, Sở đề xuất 250 tỉ đồng dựa trên việc Bộ GTVT đang triển khai việc dán thẻ ETC và hiện nay việc triển khai đang miễn phí. Như vậy, chi phí trên được tính toán chỉ là toàn bộ định mức đơn giá chi phí đầu vào như cổng thu phí, hệ thống đường truyền, chi phí thanh toán bù trừ… nên chi phí giảm rất nhiều so với con số nhà đầu tư đưa ra.

Còn đối với chế tài chủ xe không thanh toán ở các trạm thu phí, thành phố sẽ kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt khi Bộ GTVT điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46 về trật tự an toàn giao thông.

"Đề án nhận được sự đồng tình của Hội đồng giao thông đô thị thành phố, nên Sở GTVT xin UBND chủ trương đầu tư công để ghi vốn, làm cơ sở thuê tư vấn nghiên cứu khả thi, lập nghiên cứu đánh giá sâu hơn", ông Đường cho hay.

Mở rộng thêm về vần đề giải quyết ùn tắc giao thông tại TP HCM, ông Đường cho rằng, đề án hạn chế xe cá nhân nằm trong chương trình kéo giảm ùn tắc, giảm tải nạn giao thông và là 1 trong 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó, TP chia làm 2 giải pháp gồm công trình và phi công trình.

Trong giải pháp công trình, TP đang đẩy nhanh việc giải quyết tiến độ thực hiện các dự án metro số 1, số 2, các đường vành đai, xây dựng cầu Thủ Thiêm, cầu Nguyễn Khoái…

Về giải pháp phi công trình: TP cũng tổ chức phân luồng, tăng cường xử lý phạt nguội. Tổ chức các khu vực trọng điểm như Cát Lái, trung tâm TP, Tân Sơn Nhất.

“TP đang giải quyết tình nhóm vấn đề, từng giải pháp cho các khu vực khác chứ không chỉ khu vực trung tâm”- ông Đường nhận định.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.