'Sống chung với mẹ chồng': Cách thể hiện mới về một đề tài cũ!

Có người khen phim hay vì "giống như thật", tôi lại không thấy thế. Phim này không có nhiều sự thật, bởi khắc họa một hình ảnh mẹ chồng khá mâu thuẫn.

Phải nói ngay là tôi chỉ dùng từ "mới" chứ không dùng từ "hay" khi xem bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" của đạo diễn Vũ Trường Khoa, mới chiếu vài tập trên sóng VTV1 nhưng đã gây ra "cơn sốt" trên khắp các trang mạng. Tôi dùng từ "mới" dù bộ phim nói về một đề tài rất cũ: Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.

Trong suy nghĩ của đông đảo người dân Việt Nam, không hiểu sao, cứ khi nghe đến cụm từ "mẹ chồng - nàng dâu", người ta lại hình dung ra những cảnh mâu thuẫn, những tình huống tréo nghoe kiểu "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt".

xem phim song chung voi me chong cach the hien moi ve mot de tai cu
Bộ phim Sống chung với mẹ chồng đang gây sốt trên mạng xã hội.

Trở lại bộ phim, ngay từ cái tựa đề, nếu để ý một chút sẽ thấy đạo diễn không ngại ngần đưa rõ quan điểm của mình về mối quan hệ "thần thánh" giữa mẹ chồng với nàng dâu rồi.

"Sống chung với mẹ chồng", đọc cái tên phim lên, sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến hình ảnh "sống chung với lũ" của đồng bào miền Trung hay Tây Nam Bộ. Ở đồng bằng Sông Cửu Long, người ta còn có cả dự án, thiết kế những loại nhà riêng với tên gọi nhà"Sống chung với lũ". Liệu trong bộ phim này, người mẹ chồng có thực sự đáng sợ như "lũ" không?

Trong thực tế, nhất là ở nông thôn, hầu như cô dâu nào khi mới về nhà chồng cũng đều phải sống cùng bố mẹ hoặc cả anh, chị em chồng nữa. Vậy, đâu có gì để khiến người ta phải đưa cái mối quan hệ quá đỗi bình thường ấy thành tiêu đề? Đây cũng chính là sự "mạo hiểm" của người làm phim, bởi nếu nội dung không độc đáo, cái tiêu đề này sẽ giết chết ngay bộ phim bởi sự nhàm chán về đề tài.

Bám vào tiêu đề này, ngay từ những tập đầu của bộ phim, đạo diễn đã cho nhân vật nàng dâu gây áp lực với chồng bằng việc đòi ra ở riêng, không chấp nhận ở cùng mẹ chồng nữa. Nghĩa là, cô dâu mới thể hiện rõ quan điểm không thể "sống chung với lũ" từ khá sớm. Và thời hạn cô đề ra cho anh chồng là khoảng thời gian 3 tháng. Tất nhiên, đạo diễn sẽ không dễ dàng để kịch bản diễn ra đơn giản như thế. Nếu chưa gì nàng dâu đã tách khỏi mẹ chồng, thử hỏi bộ phim còn gì kịch tính?

Chỉ xem qua vài tập, tôi đã thấy hơi "ngán" vì nhà làm phim khai thác đề tài quá cũ kỹ, không có thông điệp gì mới. Cứ nhắc đến mẹ chồng và nàng dâu là nói đến những mâu thuẫn mà ai cũng biết, hầu như người nào cũng gặp, từ xưa vẫn thế. Dù thực tế, góc nhìn này đã lạc hậu.

Có người khen phim hay vì "giống như thật", tôi lại không thấy thế. Phim này không có nhiều sự thật, bởi khắc họa một hình ảnh mẹ chồng khá mâu thuẫn. Một người mẹ chồng nhìn tri thức, gia giáo, am hiểu công nghệ, biết sử dụng cả từ "lóng", ngôn ngữ "xì tin" của giới trẻ, không thể lạc hậu, cổ hủ, mang nặng định kiến với con dâu đến vậy.

Chi tiết mẹ chồng xông vào phòng tân hôn của con theo tôi đến thời phong kiến còn ít có, chưa nói đến hiện nay.

Chưa kể, nhiều chi tiết, tác giả để người mẹ dùng lời thoại chưa thật sự chuẩn, bởi mô tuýp thường thấy của mẹ chồng - nàng dâu khi xung đột là người mẹ thường không bao giờ nói thẳng, huỵch toẹt như cách nói với con ruột mình.

Họ sẽ thường nói bóng gió, soi mói, để ý, lườm nguýt, rồi sau đó đem ra phàn nàn, rồi ra điều kiện, gây áp lực với con trai mình chứ ít khi chọn cách "đối kháng" trực tiếp.

Đó là những hạn chế. Tuy nhiên, theo tôi, bộ phim này đáng xem vì nó có sự mới lạ trong cách thể hiện, đó là những lời thoại, chi tiết gây cười. Nghĩa là dùng cách làm mới để phản ánh mối quan hệ cũ. Dùng lời thoại và chi tiết hài hước để phản ánh mối quan hệ vốn không hề vui vẻ chút nào. Và đến giờ, bộ phim khá thành công với cách làm đó.

Thực ra, cách làm này không lạ, bởi nó là sở trường của phim Hàn Quốc. Những năm gần đây, các kênh sóng của VTV chiếu hàng chục bộ phim của Hàn Quốc nói về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu dưới góc nhìn nhân văn, hài hước rồi. Còn ở ta, có lẽ đây mới là lần đầu.

Mặc dù đề tài cũ, tư duy cũ, nhưng ngôn ngữ, chi tiết mới, gây cười sẽ giúp khỏa lấp được những hạn chế cố hữu của bộ phim. Nói vậy có nghĩa, xem phim để giải trí, thư giãn sau ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng thì được, chứ không nên coi đây như một tác phẩm giáo dục, mang thông điệp gì đó lớn lao, hoặc bứt phá về nghệ thuật, hình ảnh.

Ngoài phần hài hước đáng khen, theo tôi, một điểm cũng rất đáng nể nữa của nhà sản xuất chính là phần... không liên quan đến nội dung bộ phim, mà là hoạt động ngoài lề. Đó là chiến dịch làm PR cho bộ phim khi nó chưa lên sóng và vừa lên sóng.

Một bộ phim không phải đặc sắc, không hứa hẹn những màn đánh đấm, những kỹ xảo hiện đại, những tình huống căng thẳng, xung đột đỉnh cao nhưng lại gây xôn xao trên mạng, đến mức chỉ cần lướt báo mạng, đăng nhập vào tài khoản cá nhân là thấy người ta đua nhau nói về nó, chứng tỏ công tác truyền thông cho bộ phim phải tốt như nào.

Ở góc độ nào đó, việc truyền thông tốt cũng tạo ra thành công cho bộ phim, nhất là trong hoàn cảnh ở ta, nhiều người xem phim chỉ như một thói quen, vì giờ đó nếu không xem phim cũng chẳng biết làm gì? Hoặc với nhiều người, họ xem để...cho vui, thấy người ta bàn tán về nó, mình cũng phải cố rình để xem nó như nào?!?

Nếu được yêu cầu nhận xét về thông điệp của bộ phim, tôi mong rằng lần sau, khi làm phim về mẹ chồng - nàng dâu, ngoài cách nhìn hài hước nó, chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ lại về quan điểm, thông điệp và cách thể hiện.

Xã hội ngày càng phát triển. Tư duy của con người Việt Nam cũng thay đổi theo hướng tích cực lên rồi. Vì vậy, xin hãy bỏ cái quan điểm cũ rích là cứ nhắc đến mẹ chồng - nàng dâu là nghĩ đến những mâu thuẫn, xung đột, các cuộc "nội chiến".

Chưa kể, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như thế nào, theo tôi còn phụ thuộc rất lớn vào vai trò, vị trí của người đàn ông với vai trò người chồng, người con nữa. Mẹ chồng hay nàng dâu nhiều khi không có lỗi ở mối quan hệ ấy, mà thực tế, kẻ đáng trách lại chính là người đàn ông đứng giữa khi đã không biết cách làm tốt vai trò cầu nối, điều hòa của mình.

Hãy làm phim về những người ấy, nếu muốn mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được nhìn ngày càng tốt lên!!!

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.