Nhân vật đồng tính đẹp lên trong phim Việt |
Việc ra tập ngoại truyện trở thành trào lưu mới của phim Việt gần đây. Tuy nhiên, phần lớn ngoại truyện lại không thể làm khán giả hài lòng vì quá gượng gạo và quảng cáo lố.
VTV vừa tung ngoại truyện Quỳnh búp bê với sự xuất hiện bất ngờ của "Nguyệt thảo mai" (Hà Hương) để tạo sự chú ý khi bộ phim được phát sóng trở lại. Tuy nhiên, tập ngoại truyện này nhận nhiều phản hồi không tốt từ khán giả bởi tình huống được xây dựng khiên cưỡng, nhạt nhẽo.
Trước đó, không ít phim truyền hình Việt tung tập ngoại truyện tri ân khán giả. Đa số bị đánh giá là có nội dung lỏng lẻo, thậm chí quảng cáo cho đơn vị tài trợ quá lộ liễu.
Hà Hương góp mặt trong tập ngoại truyện Quỳnh búp bê góp phần tạo sức hút. |
Khán giả yêu phim không mấy xa lạ với cách làm phim "crossover", khi một bộ phim có thể là hậu truyện hoặc tiền truyện của nhiều bộ phim khác nhau. Vũ trụ điện ảnh Marvel từng tạo nên "bom tấn" Hollywood The Avengers khi tập hợp tất cả siêu anh hùng của Marvel. Nhiều khán giả cũng đang mong chờ phim kinh dị Glass ra mắt vào đầu năm 2019, là "crossover" của Unbreakable (2000) và Split (2017).
Các phim Việt cũng đi theo trào lưu này, tuy nhiên đa số chỉ là những phần phim online ngắn dưới 10 phút để tri ân khán giả. "Crossover" khá mới mẻ ở Việt Nam nên nhanh chóng được đón nhận. Tuy nhiên không phải bản crossover nào cũng tạo được hiệu ứng tốt.
Tháng 4, VFC tung bản ngoại truyện Người phán xử sống chung với mẹ chồng vào thời điểm 2 bộ phim kết thúc. Phần ngoại truyện này tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội với tình huống hài hước khi ông trùm Phan Quân bắt mẹ chồng - nàng dâu xin lỗi nhau. Màn phân xử của ông trùm khiến khán giả thỏa mãn bởi trong phần chính của bộ phim, bà mẹ chồng cay nghiệt và cô con dâu cá tính chưa bao giờ chịu xuống nước với nhau để nhận lỗi. Những lời thoại quen thuộc của các nhân vật khi kết hợp trong tập phim cũng rất phù hợp.
Ngoại truyện Người phán xử sống chung với mẹ chồng mở đầu cho trào lưu ngoại truyện crossover của phim Việt. |
Tiếp đó, Phía trước là bầu trời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải đột nhiên gây sốt trên mạng xã hội sau 17 năm phát sóng với những phân cảnh của "Nguyệt thảo mai. VFC nhanh chóng tung ra phần ngoại truyện là crossover của Cả một đời ân oán, Người phán xử và Phía trước là bầu trời dài 9 phút.
Nội dung của tập phim là cuộc tái ngộ của Nguyệt (Hà Hương), Thương (Thu Nga) và Nhung (Kiều Anh). Thương trở thành vợ của Phan Hải (Việt Anh), con trai ông trùm Phan Quân. Chồng Nguyệt là chủ tịch Vũ gia (Mạnh Trường). Còn Thương kết hôn cùng Phong (Hồng Đăng) trong Cả một đời ân oán. Tuy được mong chờ nhưng tập phim này khiến nhiều khán giả thất vọng.
Biên kịch cố tình lồng ghép nhiều nhân vật hot cùng xuất hiện trong 9 phút phim nhưng nội dung lỏng lẻo, gượng gạo, không tạo được tiếng cười.
Hồng Đăng, Mạnh Trường và Việt Anh xuất hiện với nhiệm vụ giới thiệu bản thân và gây chuyện với nhau nhưng lại chiếm nhiều thời lượng. Trong khi đó, nhiều khán giả mong chờ sự tái ngộ giữa các thành viên của xóm trọ năm xưa. Nội dung này lại được thể hiện khá sơ sài.
Những gương mặt từng để lại dấu ấn trong phim như Kiều Thanh, Văn Anh lại vắng bóng khiến khán giả không khỏi tiếc nuối. Thêm vào đó, ê-kíp thiếu sáng tạo khi tiếp tục cho Phan Quân xuất hiện để phân giải. Nhìn chung, tập phim giống như đoạn trích không đầu, không cuối khiến khán giả khó nắm bắt.
Việt Anh và Hồng Đăng gây gổ trong Phía trước là bầu trời ngoại truyện. |
Mới đây, VFC lại "ăn theo" Phía trước là bầu trời khi cho Hà Hương xuất hiện trong phần ngoại truyện của Quỳnh búp bê. Cả hai bộ phim không có điểm chung, vậy nên việc "Nguyệt thảo mai" đến tặng sách và chỉ bí kíp thả thính cho các cô gái ở xóm trọ làng chơi trở nên gượng gạo. Có lẽ vì bí ý tưởng nên nhà sản xuất phải cho các nhân vật quay MV lăng xê bản hit Người hãy quên em đi của Mỹ Tâm.
Có thể lý giải việc đưa nhiều nhân vật hot trong các bộ phim vào là để thu hút khán giả, tuy nhiên có lẽ nhà sản xuất quên mất khán giả yêu thích nhân vật nhờ có đất diễn. Trong trường hợp này, tính toán của nhà sản xuất lại phản tác dụng.
"Nguyệt thảo mai" xuất hiện phát bí kíp thả thính cho các cô gái làng chơi được cho là tình huống gượng ép, không phù hợp. |
Bên cạnh những bản ngoại truyện nhạt nhẽo về nội dung, ngoại truyện Cả một đời ân oán được đánh giá khá tốt, thậm chí là cứu lại tập cuối phim gượng gạo. Tuy nhiên, điều khiến khán giả khó chịu là nhà sản xuất quảng cáo quá lộ liễu. Trong đoạn cuối, Dung (Hồng Diễm) và Khôi (Thanh Sơn) đi lên Sa Pa để tìm mẹ chồng.
Giữa tình huống gấp gáp, Khôi lại tấm tắc khen hệ thống cáp treo hiện đại của một thương hiệu giúp mình tiết kiệm thời gian. Ngay sau đó, Mạnh Trường xuất hiện PR cho thương hiệu với những lời khen có cánh đối với công trình này. Điều này dễ khiến khán giả nhầm tưởng đang xem một video quảng cáo, trong đó Mạnh Trường là người thuyết trình, trình bày về ưu điểm của công trình.
Lời thoại mang tính quảng cáo lộ liễu khiến nhiều khán giả không khỏi bức xúc. Việc lồng ghép yếu tố quảng cáo vào cũng khiến mạch phim trở nên rời rạc, phi lý. Mục đích chuyến đi là ngăn cản mẹ xuất gia nhưng chỉ có Dung là bên cạnh mẹ chồng. Trong khi đó cả Khôi, Đăng và Bình đều đi dạo, nói chuyện cảnh quan thiên nhiên và thể hiện sự ngưỡng mộ với công trình.
Nhà sản xuất cố ý quay nhiều góc máy, nhiều phân cảnh góp phần quảng bá hình ảnh của khu du lịch. |
Tương tự, Người phán xử tiền truyện cũng khiến nhiều khán giả bức xúc khi nhân vật nhắc đi nhắc lại tên một khu vui chơi ở Hạ Long. Phan Hải (Việt Anh) hẹn Vân Điệp (Thanh Bi) đi chơi nhưng cô không đến. Anh liền hẹn hò với một cô gái lạ.
Cùng với lời thoại liên tục nhắc về tên địa điểm giải trí là những cảnh quay đậm chất quảng cáo, thậm chí quay cả logo, cổng chào. Trong buổi karaoke cùng bạn bè, anh còn nhắc to tên quán. Thời lượng của phần quảng cáo này chiếm 1/5 thời lượng tập phim càng gây bức xúc hơn.
Phan Hải (Việt Anh) liên tục nhắc tên khu vui chơi tại Hải Phòng trong phim. |
Dù biết quảng cáo là điều tất yếu để tạo nên doanh thu cho bộ phim, nhưng việc cài cắm quảng cáo "kém duyên", thậm chí lấn át nội dung chính ở phần ngoại truyện khiến khán giả mất thiện cảm với bộ phim.
Nhìn chung, các nhà sản xuất biết cách chiều lòng khán giả khi thực hiện các tập ngoại truyện cho những phim truyền hình đình đám. Tuy nhiên sự cố gắng chỉ thật sự hiệu quả khi được đầu tư đủ về nội dung.
Chênh vênh cảnh nóng phim Việt
Nếu không nắm bắt được tâm lý khán giả, không đầu tư đúng hướng, nâng cao chất lượng cả diễn xuất, kỹ thuật, kịch bản ... |
Vấn đề của phim Việt: Nửa MV ca nhạc nửa nhiếp ảnh nghệ thuật
Một trong những lí do khiến điện ảnh, hơn trăm năm trước, lan rộng trên thế giới là vì nó mang đến cho người xem ... |
Giờ vàng phim Việt trên VTV được khai thác như thế nào?
Có hai khung giờ vàng cho phim Việt trên sóng VTV là 20h45-21h45 trên VTV1 và 21h45-22h45 trên VTV3. Nhiều ý kiến cho rằng "Quỳnh ... |
Phim cổ trang Việt: Thử thách với nhà làm phim
Trong xu hướng bùng nổ các thể loại tình cảm, hài, tâm lý xã hội, thanh xuân... các phim cổ trang được xem là thử ... |