SSI: Nhu cầu đá xây dựng giai đoạn 2023 – 2025 tăng cao nhờ các dự án đầu tư công

SSI cho biết nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn, đến từ các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam; các dự án Đường vành đai khác nhau ở Hà Nội và TP HCM; sân bay Long Thành…

Theo Chứng khoán SSI, nhu cầu về đá xây dựng dự kiến tăng lên nhờ vào động lực chính đến từ các dự án đầu tư công. Kế hoạch giải ngân đầu tư công năm nay dự kiến là 726.000 tỷ đồng (tương đương 30,5 tỷ USD; so với 27,2 tỷ USD của kế hoạch sửa đổi năm 2022). Các dự án trọng điểm bao gồm: đường cao tốc Bắc – Nam; các dự án Đường vành đai khác nhau ở Hà Nội và TP HCM; sân bay Long Thành…

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư Sân bay Long Thành), gói thầu xây dựng nhà ga vẫn chưa tìm được nhà thầu. Do đó, nhiều khả năng nhu cầu đá xây dựng từ dự án Sân bay Long Thành có thể tăng lên sớm nhất từ quý II do cần thời gian để có thể thay đổi các điều khoản và điều kiện đấu thầu.

SSI nhận thấy nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn. Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu về đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3. Cụ thể hơn, dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, đường vành đai 3 dự kiến sử dụng lần lượt 2,04 triệu m3; 738.000 m3 và 5,2 triệu m3 đá xây dựng.

 Khối lượng thi công các công trình đầu tư công trọng điểm trong năm 2023. Nguồn: SSI.

Hầu hết các mỏ đá xây dựng được phân bố trên cả nước, chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng. Do đó, hầu hết các nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá gần dự án.

SSI cho rằng nguồn cung đá xây dựng vẫn tiếp tục còn hạn chế do quy hoạch mỏ đá xây dựng giai đoạn 2021 – 2025 mới chưa hoàn thành, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố là “trung tâm” khai thác đá xây dựng miền Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Bên cạnh đó, giá bồi thường đất tại các khu vực khai thác đá đều tăng, cụ thể tại TP HCM tăng 20%, Hà Nội tăng 15%, Đồng Nai tăng từ 150 – 300%, Bình Dương tăng 20 - 45%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 50 - 273%, Bình Phước tăng 84%, Bắc Ninh tăng 40%, Long An tăng 60%, Bắc Giang tăng 36% và Hưng Yên tăng 39%.

Có 9 mỏ đá ở khu vực Tân Cang, đây là nguồn cung chính cho dự án Sân bay Long Thành, Vành đai 3 và các dự án khác. SSI ước tính nhu cầu tại các mỏ đá của Tân Cang sẽ tăng 28% so với cùng kỳ nhờ cung cấp cho dự án Sân bay Long Thành, các dự án cơ sở hạ tầng tại Đồng Nai và Đường Vành đai 3.

Giá đá xây dựng dự kiến tăng 8% so với cùng kỳ, bù đắp cho giá nhiên liệu và chi phí bảo vệ môi trường cho khai thác mỏ tăng lên. Tỷ suất lợi nhuận gộp tại các mỏ Tân Cang được duy trì trong khoảng 28 - 30% (thấp hơn mức trung bình tại các mỏ đá khác như Tân Đông Hiệp và Thạnh Phú lần lượt là 45% và 32%) do chi phí đào/bốc các lớp đất cao (chiều cao lớp đất từ 10 - 12m).

Với mỏ đá xây dựng Thạnh Phú, nguồn cung cấp chính cho các công trình tại Tây Nam Bộ, có 9 mỏ đá ở khu vực này, SSI ước tính nhu cầu tại các mỏ đá Thạnh Phú sẽ tăng từ 15 - 16% so với cùng kỳ nhờ cung cấp cho các dự án ở khu vực phía Tây Nam như Cần Thơ - Hậu Giang, đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Giá đá xây dựng dự kiến sẽ tăng 7% so với cùng kỳ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.