Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng cao | |
53% số người nhiễm HIV được điều trị kéo dài cuộc sống |
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, các trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV có thể nhận được kết quả trong thời gian ngắn.
Khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm người đi khám không mang trong mình vi rút HIV, hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được vi rút trong cơ thể, vì có thể đang ở trong "thời kỳ cửa sổ".
(Ảnh: Tuổi trẻ) |
"Thời kỳ cửa sổ" là giai đoạn cơ thể người mang vi rút HIV nhưng chưa sinh ra kháng thể để có phát hiện được bằng các xét nghiệm thông thường nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Lúc này, người đi xét nghiệm nên tránh những hành vi nguy cơ. Nếu nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và đang trong thời kỳ cửa sổ, nên làm xét nghiệm lại sau 3 - 6 tháng để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của mình.
Nếu kết quả xét nghiệm là HIV dương tính có nghĩa là người đi xét nghiệm đã mang vi rút HIV. Lúc này, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố nơi sinh sống hoặc đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm nhất và nhận được các hỗ trợ về y tế khi cần thiết.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: "Thực tế hiện nay, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Họ sẽ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng; đồng nghĩa với việc họ cũng không được tiếp cận với các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và giảm lây truyền ra cộng đồng".
Xét nghiệm HIV tại tuyến xã giúp nâng cao đáng kể hiệu quả công tác phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. (Ảnh: Sở Y tế Bắc Ninh) |
Năm nay, tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế lựa chọn chủ đề "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020", tức 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm HIV thì có thể vô tình làm lây truyền HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa nếu chúng ta không biết được ai nhiễm HIV thì không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc, hỗ trợ cho họ.
Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Như vậy, điều trị ARV cũng là dự phòng lây nhiễm HIV, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV qua các con đường.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết thêm: "Hiện nay, dịch vụ xét nghiệm HIV đã được triển khai rộng khắp cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận xét nghiệm phát hiện sớm HIV. Theo báo cáo, cả nước có khoảng 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng…"
Người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh khi tuân thủ dự phòng và điều trị HIV. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, người có hành vi nguy cơ như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục với nhiều người, người chuyển giới hoặc người làm việc mại dâm nên đi làm xét nghiệm HIV định kỳ 6 -12 tháng/lần. Người dùng chung bơm kim tiêm với người nghiện chích ma túy, người có quan hệ tình dục không an toàn. Những người có bệnh lý về lao hoặc mắc các bệnh do lây truyền qua đường tình dục sau khi khám bệnh và nhận được tư vấn của bác sĩ về xét nghiệm HIV.
Đừng để đến khi cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ốm rồi mới đến cơ sở y tế. Khi bị nhiễm HIV thì hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm, cơ thể không còn đủ sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh, bạn sẽ rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng. Do đó, bạn nên đến cơ sở y tế ngay từ khi mới phát hiện dương tính với HIV để được tư vấn và điều trị sớm, sẽ mang lại hiệu quả hơn, giúp kéo dài thời gian sống./.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12) năm nay sẽ được tổ chức trên tất cả các tỉnh, thành trong cả nước với các hoạt động tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV. Các hội thảo chuyên đề để giới thiệu, chia sẻ kiến thức, học tập kinh nghiệm các mô hình có hiệu quả. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tranh cổ động tuyên truyền... Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12. |