Những ngày gần đây, clip ghi lại hình ảnh được cho là hai cô giáo cắm bản đang dạy nhảy cho những em học sinh vùng cao thu hút sự quan tâm của rất nhiều của các trang mạng xã hội và cư dân mạng. Ở một page thông tin, chỉ sau gần 1 ngày chia sẻ, clip đã nhận được 150.000 lượt xem và hàng chục nghìn lượt quan tâm, chia sẻ.
Clip "cô giáo" dạy học sinh vùng cao nhảy thu hút sự quan tâm của cư dân mạng
Điểm thu hút cư dân mang trong clip này là sự nhiệt huyết của các cô giáo khi dạy các em học sinh từng cử chỉ, động tác theo nhịp của bài hát và sự nhí nhảnh, đáng yêu, hào hứng của các em khi bắt chước theo từng động tác của cô giáo.
Sự nhí nhảnh, đáng yêu của cả cô giáo và học sinh trong clip khiến cư dân mạng rất thích thú. |
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về hai cô giáo cắm bản trong clip này, thực tế lại khác so với những gì các trang mạng xã hội và cư dân mạng thông tin trước đó.
Đặng Thị Oanh, bạn nữ tóc ngắn trong video hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Hồng Đức). Còn cô gái có mái tóc dài, người chỉnh sửa từng động tác cho các học sinh là Nguyễn Phương Dung, một nhân viên tư vấn bất động sản. Cả hai đều là thành viên của dự án thiện nguyện xây trường "Vì trẻ em vùng cao".
Về clip đang được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ hiện nay, Đặng Thị Oanh cho biết, clip được quay từ tháng 11/2016, tại buổi lễ khởi công xây dựng điểm trường Khu Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Điểm trường Khu Ón trước khi được dựng lớp học mới vẫn còn rất sơ sài, thiếu thốn. |
Học sinh của trường chỉ có khoảng hơn 20 em từ lớp 1 đến lớp 5. |
"Mục đích chính khi quay video là để lưu lại hình ảnh đẹp của nhóm tình nguyện và được một anh trong nhóm chia sẻ lên facebook. Nhiều trang mạng xã hội không biết nên họ nghĩ rằng chúng mình là cô giáo cắm bản", Oanh tâm sự.
Chia sẻ về cảm nhận khi cư dân mạng hiểu lầm về bản thân trong clip, Oanh bày tỏ: "Mình rất vui và có thêm nhiều động lực để quyết tâm về miền núi công tác khi ra trường khi đọc được những bình luận ủng hộ và tuyên dương hoạt động của nhóm. Nhưng có người nói rằng đây chỉ chiêu trò, clip dàn dựng nên mình cũng rất buồn".
Các tình nguyện viên nhiệt tình tham gia vào công việc dựng lớp học mới cho học sinh. |
Điểm trường Tiểu học Khu Ón là công trình trường học đầu tiên trong dự án "Vì trẻ em vùng cao". Kinh phí chủ yếu thông qua các hoạt động kinh doanh gây quỹ như: bán măng khố, táo mèo, sầu riêng, chụp hình cùng thú bông,... và sự ủng hộ của các mạnh thường quân để xây dựng trường học, lớp học kín gió cho học sinh vùng cao.
Cách trường trung tâm 20 km, nhưng có đến 7km đường dốc đá nên để di chuyển vào xây dựng lớp học của điểm trường này, cả đoàn mất hơn 1 tiếng đồng hồ. |
Khi được hỏi cảm nhận về học sinh vùng cao, Oanh tâm sự: "Mình cũng quê ở miền núi nên khi gặp và tiếp xúc với các em cũng không bỡ ngỡ nhiều. Mình là người may mắn được đi tiền trạm trước khi thực hiện công trình nên cũng được tiếp xúc với các em học sinh ở đây nhiều hơn.
Học sinh miền núi thiệt thòi hơn vùng nông thôn và thành thị rất nhiều. Từ miếng ăn đến cái mặc. Hầu hết các bữa cơm của các em chí có cơm với muối, cà dại hoặc rau rừng. Nhiều em đến trường còn không có áo ấm và dép đi, mặt mũi thâm tím, tái ngắt vì cái lạnh. Các em còn phải lên nương để phụ giúp gia đình hay địu em đến lớp để vừa học vừa trông em cho bố mẹ đi làm", Oanh chia sẻ ấn tượng về học sinh vùng cao trong chuyến đi tiền trạm.
Ngồi trường sau khi dã được dựng xong khang trang và kín gió hơn rất nhiều. |
"Ở buổi dạy các em nhảy này, ban đầu các em đều rất rụt tè và nép vào một góc nhà văn hóa. Các tình nguyện viên trong nhóm đến trò chuyện cùng nhưng các em còn e dè. Có những bé còn bật khóc. Mãi đến khi bật nhạc lên và mời các em chơi cùng thì các em mới hết sợ và tham gia nhảy múa cùng các tình nguyện viên", Oanh nhớ lại những ngày xây trường ở Bản Ón.
Ngôi trường thứ hai Oanh cùng các tình nguyện viên trong dự án "Vì trẻ em vùng cao" đang tiến hành kêu gọi quyên góp ở bản Cơn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh và sẽ làm lễ khởi công vào tháng 12 tới.
Thầy giáo mầm non: 'Không thể lấy áp lực chồng con, công việc là lý do để bạo hành trẻ!'
"Khi nóng giận vì trẻ này không nghe lời, mình thường chuyển qua hướng dẫn trẻ khác. Mình cũng có phạt trẻ nhưng chỉ mang ... |