Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa của tác giả Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Newcastle (Australia), nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Là giáo viên dạy Ngữ Văn, thầy Trịnh Văn Quỳnh (THPT Lương Thế Vinh, Nam Định), cho rằng vốn dĩ văn chương luôn như thế, nó là cánh cửa mà mỗi người khi mở ra lại có cái nhìn và cảm nhận khác nhau.
Theo giáo viên này, quan điểm của tác giả Nguyễn Sóng Hiền tưởng như hợp lý, logic. Tuy nhiên, dùng văn hóa, chuẩn mực đạo đức và pháp luật của thời hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ đã là một sự không phù hợp.
Sử dụng điểm nhìn xã hội học khi khám phá một tác phẩm đã làm mất đi tính nhân văn của nó. Khi đó, chúng ta chỉ toàn thấy “giai cấp”, “bóc lột”, “sự phản kháng”... để lúc nào cũng thấy “người bị hại”, “hành vi trái pháp luật”, “lên án và cách ly” như thể muốn bỏ tù bất cứ nhân vật nào.
Còn có những điểm nhìn từ chiều sâu văn hóa, chiều sâu con người để thấy đằng sau những sự thật khách quan lạnh lùng là muôn vàn nỗi buồn thương, chua xót dành cho một kiếp người.
Nhân vật Chí Phèo trong phim.
Dưới góc nhìn xã hội học, nhân vật Chí Phèo là điển hình cho người nông dân không chỉ bị áp bức bóc lột đến bần cùng mà còn bị tha hóa, lưu manh hóa trước cách mạng tháng Tám.
Cùng với Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật: Người nông dân bị đè nén tới cùng cực nhiều khi sẽ chống trả bằng con đường tha hóa, lưu manh nhưng đó lại là sự vùng lên cô độc, mù quáng. Tính cách điển hình ở đây được coi là sự thống nhất cao độ giữa tính chung và nét riêng, giữa tính khái quát và nét cá thể.
Biêlinxki nói đó là “Một người lạ mà quen biết”. Cái riêng của nhân vật điển hình là nhân vật bộc lộ cá tính độc đáo. Còn cái chung làm cho nhân vật “thực sự là đại biểu cho những giai cấp và những trào lưu nhất định, do đó tiêu biểu nhất định cho thời đại của họ”.
Xét ở khía cạnh khác, Chí Phèo lại đại diện cho ý thức cá nhân của mỗi con người trong hành trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Ý thức cá nhân ấy không phân biệt giai cấp, xã hội phong kiến hay xã hội ngày nay.
Ngay cả trong vỏ bọc là con quỷ dữ, Chí vẫn âm thầm nuôi dưỡng ý thức về sự tồn tại có ý nghĩa và khát vọng sống xứng đáng với danh hiệu cao quý của con người, khát khao sự hòa hợp giữa con người cá nhân và con người xã hội. Điều đó cũng là lý do mà đến nay những tác phẩm này vẫn còn nguyên vẹn giá trị tư tưởng.
Ông Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Newcastle (Australia), đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình sách giáo khoa.
Chí Phèo là người luôn khát khao vượt lên hoàn cảnh sống. Trong tác phẩm hiện thực phê phán, các màu sắc thẩm mỹ trong quan niệm về con người có sự pha trộn đan chéo nhau, chuyển hóa lẫn nhau. Trong một nhân vật sẽ có pha lẫn cái cao cả, thấp hèn, cái đẹp và xấu. Vì vậy, có những nhân vật ta khó thể dùng cụm từ “tốt” hay “xấu” để gọi tên.
Nhưng cũng chính Nam Cao đã khẳng định: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi".
Nam Cao không chỉ đơn thuần miêu tả những mặt biểu hiện bề ngoài mà đi sâu khám phá và miêu tả thế giới nội tâm nhân vật, từ đó khẳng định những giá trị sâu kín của tâm hồn con người.
Nhân vật trong văn học hiện thực bao giờ cũng là sản phẩm rõ ràng của sản phẩm hoàn cảnh. Nhưng điều đáng nói lại là quá trình đấu tranh với hoàn cảnh.
Sinh ra là đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, Chí đã ao ước được làm lụng được toan lo cho hạnh phúc tương lai chồng cày thuê cuốc mướn vợ dệt vải. Bị xã hội vứt bỏ, sống trong kiếp con quỷ dữ, Chí Phèo vẫn ao ước lương thiện khi bám víu lấy con đường cuối cùng đưa hắn đến với xã hội loài người.
Đã xa rồi quan niệm phê bình văn học theo hướng xã hội học, nhìn nhân vật dưới cái nhìn phê phán giai cấp và thời đại nhưng người đọc ngày nay vẫn thấy được một khát vọng sống vượt lên trên hoàn cảnh được sống lương thiện và khát khao làm người chân chính.
Như chính Nam Cao từng nói: “Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên, thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ”.
Hoàn cảnh mà Chí Phèo tồn tại không thể gọi tên mà nó thông qua những biểu hiện của sự phi nhân tính. Con người thờ ơ trước nỗi đau và sự bất hạnh của người khác. Những kẻ có quyền có thể làm tất cả những gì mà chúng muốn, kể cả việc đẩy những người vô tội vào con đường tha hóa. Đó mới là biểu hiện xã hội mà Nam Cao lên án phê phán - những biểu hiện ấy ngay trong xã hội văn minh vẫn ít nhiều tồn tại.
Đó là tình thương của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Thị Nở - một kẻ “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”, “xấu ma chê quỷ hờn”, kẻ không chồng thì lại “không sợ cái thằng mà cả làng sợ hắn”.
Những cảm xúc thân thiện ấy đã gieo mầm yêu thương để dẫn Thị Nở đến gần với Chí trong đêm trăng để rồi thị thấy hắn “đáng thương”, “thấy như yêu hắn”. Đó là cuộc gặp gỡ tự nhiên mà cũng là tất yếu. Không có thị thì Chí sẽ không có những cảm xúc rất người, từ buồn, nôn nao, xúc động, hạnh phúc và đau đớn tột cùng.
Nam Cao đã miêu tả tâm lý, những cảm xúc “yêu” của nhân vật Thị: “Thị thấy như yêu hắn: Đó là cái lòng yêu của một người làm ơn... Tiếng vợ chồng thấy ngường ngượng mà thinh thích. Đó vẫn là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng? Hay sự khoái lạc của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết”.
Thầy Trịnh Văn Quỳnh - giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định. Ảnh: NVCC.
Tình yêu mà Thị Nở tìm thấy được rất bản năng. Cái nhu cầu bản năng ấy hàm chứa cả nỗi khát khao rất con người với những suy nghĩ đơn giản nhưng nhân hậu. Nếu yêu và sống với người mình yêu là có tội, thế gian này kiếm đâu ra người vô tội? Nếu tình yêu là xấu xa, điều gì là tốt đẹp trong cuộc sống này?
Đó còn là tình yêu thương của tác giả dành cho nhân vật.
Nam Cao viết văn bằng sự hài hòa giữa một trái tim nóng hổi tình yêu thương người nông dân với khối óc tỉnh táo và sắc sảo. Khi viết về Chí Phèo, Nam Cao thể hiện thái độ trân trọng và đề cao con người. Từ cảm hứng thiết tha và mãnh liệt đối với số phận con người, từ cách nhìn đời đa diện nhiều chiều, Nam Cao muốn khám phá “con người trong con người”.
Một mặt phê phán tố cáo xã hội giả dối và tàn ác đó, mặt khác Nam Cao thể hiện tình thương lòng nhân ái của mình để thấy được vẻ đẹp của con người đằng sau cái biểu hiện lưu manh. Suy tư, dằn vặt về cuộc sống về kiếp người, những trang viết của Nam Cao bao giờ cũng đạt tới tầm khái quát nhân sinh lớn lao nên đề tài dù hẹp mà tư tưởng vẫn còn ý nghĩa đến tận hôm nay.
Truyện ngắn Chí Phèo có sự chuyển hóa giữa điểm nhìn tác giả vào bên trong nhân vật để người đọc thấu hiểu hơn cảm xúc của nhân vật để thấy hóa ra con quỷ dữ ấy cũng “đáng thương” thật.
Làm sao không thương cho được khi hắn muốn được trở về làm người lương thiện nhưng bị chặn đứng bởi định kiến? Chí Phèo tìm đến cái chết với tiếng kêu uất ức đầy bi phẫn “Ai cho tao lương thiện?”.
Chí Phèo chết khi niềm khao khát trở về cuộc sống lương thiện bùng lên mạnh mẽ, dữ dội nhất. Nỗi đau lớn nhất của con người là khi tự mình chấm dứt sự sống của mình. Nỗi đau lớn nhất của con người khi ý thức được bi kịch cuộc đời nhưng bế tắc không con đường giải thoát.
Không thể tiếp tục sống như trước, cũng không thể sống mãi kiếp con thú vật, Chí đã giết kẻ thù và tự kết liễu đời mình. Kết cục bi đát ấy có thực đáng thương, đó là câu hỏi mở Nam Cao gieo vào lòng người đọc.
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.