Dùng câu chuyện đạo nhái trong showbiz Việt làm chủ đề, bộ phim "Mùa viết tình ca" có đến 15 ca khúc được sử dụng xuyên suốt bộ phim. Sắc màu chính trong album nhạc phim của "Mùa viết tình ca" mang không khí tươi vui, náo nhiệt của những người trẻ yêu âm nhạc tại miền biển hoang sơ. Từ những ca khúc được viết mới đến những bản tình ca quen thuộc đều thể hiện tính xu hướng thịnh hành của âm nhạc hiện nay.
Trong đó, những ca khúc đã quen thuộc với khán giả yêu nhạc như "Mặt trời của em" (Kai Đinh), "Con đường màu xanh" (Trịnh Nam Sơn), "Huyền thoại người con gái" (Lê Hựu Hà), "Vào hạ" (Lê Hựu Hà), "Lối thoát" (Đông Âu), "Cảm nắng" (Đông Âu)… xuất hiện với diện mạo mới, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho nhân vật cũng như khán giả. Việc thổi hơi thở hiện đại, tươi mới vào những ca khúc quen thuộc ở những thập niên 1980-1990 tạo nên những giá trị nhất định khi khơi gợi ký ức trong lòng người nghe.
Tuy nhiên, sự thú vị trong album nhạc phim của "Mùa viết tình ca" lại thuộc về những ca khúc "Mày đang kiếm cái gì" của Đen Vâu và "Ngày khác lạ" (Đen Vâu, Giang Phạm và Triple D trình bày). Ca từ và giai điệu khác biệt, những ca khúc mang sắc màu của cuộc sống thường nhật có chút thực tế, thậm chí trần trụi, tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với chất lãng mạn của phim lại hòa quyện một cách vừa vặn với mạch phim xây dựng hình tượng nhân vật bộc lộ cá tính của những người trẻ thời hiện đại. Điều đó khiến cho nhạc phim của "Mùa viết tình ca" thực sự thú vị ngay cả khi nó không gắn với bối cảnh phim, đứng độc lập.
Poster phim “Mùa viết tình ca”, bộ phim có cả album ca khúc nhạc cho phim với nhiều bài hát được khán giả yêu thích |
Những ca khúc trong album nhạc phim "Mùa viết tình ca" như "Lối thoát" (trong phim được dùng để khắc họa sự giải thoát trong tâm hồn nhạc sĩ Bảo Trung (nhân vật trong phim) hay "Mùa viết tình ca" (Nguyễn Hoàng Dũng), ca khúc nhân vật trong phim dùng để tỏ tình "nàng thơ" của mình) đều trở thành những bản hit (ăn khách) trên thị trường âm nhạc bởi giai điệu và ca từ đẹp đẽ.
Điều này cũng lý giải cho sự thành công của nhiều ca khúc nhạc phim thời gian gần đây trên bảng xếp hạng âm nhạc trong nước. Như ca khúc "Năm tháng ấy", nhạc phim "Trường học bá vương", của nhạc sĩ Duy Anh với phần thể hiện của Liz Kim Cương (trưởng nhóm hát LIME), một bản ballad mang cảm xúc lắng đọng. Cũng trong bộ phim này, khán giả thấy yêu thích những bản nhạc mang màu sắc cá tính hơn, như: "Sao ta phải đi học" (Masta B, Nhật Trường, Phú Bull thể hiện) và "Me" (Wean Lê thể hiện). Hay ca khúc "Ký ức vỡ đôi" (nhạc phim "Tìm vợ cho bà") do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác, qua tiếng hát đầy cảm xúc của Jang Mi.
Nếu bộ phim "Gạo nếp gạo tẻ" đang là một trong những bộ phim truyền hình được yêu thích hiện nay thì ca khúc "Yêu rồi" trong phim với phần thể hiện của Tino đang là một trong những ca khúc được yêu thích không kém. Ngoài ra, những ca khúc "Ký ức đánh rơi", "Đi tìm tình yêu"... (cũng là nhạc phim của "Gạo nếp gạo tẻ") đang có đời sống độc lập trên thị trường nhạc Việt bởi sự yêu mến của khán giả.
Từ chỗ "minh họa" cảm xúc, tâm trạng nhân vật, tạo kịch tính cho phim, nhạc phim đang trở thành một phần thậm chí chiếm 50% thành công của một bộ phim, như khẳng định của đạo diễn Victor Vũ. Đó là lý do đạo diễn này chọn ca khúc "Hồi ức" của Phan Mạnh Quỳnh cho bộ phim "Người bất tử" của mình chuẩn bị ra mắt, vì theo anh: "Ca khúc "Hồi ức" và bộ phim "Người bất tử" như sinh ra là để dành cho nhau. Điều này rất quan trọng bởi sự hợp tác mang tính cộng sinh này giữa âm nhạc và điện ảnh sẽ làm nên những điều thú vị cho khán giả. Như vậy, phim cũng được chú ý hơn".
Ý thức tầm quan trọng của nhạc trong phim khiến cho các nhà sản xuất không ngần ngại đầu tư. "Nếu trước đây, một nhà sản xuất dám bỏ vài trăm đến 1 tỉ đồng đầu tư cho nhạc phim sẽ là một sự kiện bất ngờ thì nay điều đó là bình thường vì nhạc phim hay sẽ là điểm cộng tuyệt vời cho phim" - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.
Không đạt được chuẩn mực đẳng cấp như nhạc phim của thế giới về chất lượng lẫn mức đầu tư nhưng người trong giới khẳng định sự hiện diện của cả một dàn nhạc hay sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ tên tuổi hợp thời trong một bộ phim là điều kiện bắt buộc và quan trọng đối với nhà sản xuất hiện nay.
Sự lên ngôi của nhạc phim cũng là tín hiệu đáng vui của cả thị trường nhạc Việt và điện ảnh Việt.
Đôi bên đều hưởng lợi "Với nhà làm phim, ca khúc là một phần làm nên chất lượng tổng thể của phim. Còn với ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc phim chính là cơ hội để đến với khán giả"- nhạc sĩ Only C nhận định. Điều này lý giải hiện tượng không chỉ có nhà sản xuất đi tìm nhà sản xuất âm nhạc đặt hàng nhạc phim mà chính nhạc sĩ, ca sĩ tự "ứng cử" với đạo diễn, nhà sản xuất làm phim như chia sẻ của nhiều người. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Điều này hoàn toàn bình thường và phổ biến hiện nay khi hiệu ứng gặt hái được từ sự kết hợp mang tính "cộng sinh" giữa nhạc và phim". Vũ Cát Tường từng "ứng cử" mình với nhà làm phim để ra ca khúc "Cô gái đến từ hôm qua" trong phim cùng tên. Nhiều ca sĩ tự đầu tư các sản phẩm video ca nhạc cho ca khúc nhạc phim mà họ được mời hát như Hương Tràm, Trịnh Thăng Bình, Minh Hằng hay Tăng Nhật Tuệ,... |
Những ca khúc nhạc phim 'không thể không nghe' vào những ngày cuối tháng 4
Tháng 4 khá sôi động với hàng loạt các ca khúc nhạc phim được chăm chút về mặt hình ảnh cũng như ca từ, hứa ... |
Tạo hình 'Vườn sao băng 2018' quê mùa, dùng lại nhạc phim cũ do F4 hát
Vừa tung ra đoạn trailer dài 30 giây, "Vườn sao băng 2018" đã vướng phải nhiều ý kiến chê bai của khán giả vì tạo ... |
Bản nhạc phim Việt nào đang khiến cư dân mạng 'bấn loạn'?
Không hẹn mà gặp thời gian qua những ca khúc nhạc phim đồng loạt ra mắt, luôn chiếm được tình cảm khán giả và tạo ... |
Vì sao phim 'Tháng năm rực rỡ' hút khán giả ngay từ khi mới ra mắt?
"Tháng năm rực rỡ" có thể xem là một trong những bộ phim làm lại từ kịch bản Hàn xuất sắc của điện ảnh Việt. |