Tập đoàn FLC nhận 9 quyết định từ Cục thuế Hà Nội

Cục thuế Hà Nội xử phạt Tập đoàn FLC 11,5 triệu đồng và cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của FLC tổng số tiền gần 72 tỷ đồng.

 

  Trụ sở Tập đoàn FLC tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Quyền). 

Hôm nay 5/8, Tập đoàn FLC cho biết đã nhận được 9 quyết định do Cục thuế Hà Nội ban hành ngày 28 và 29/7.

Theo các quyết định này, FLC bị phạt 11,5 triệu đồng vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, FLC bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, OCB, VIB và VPBank. Tổng số tiền bị cưỡng chế là 71,88 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 1/8, Tập đoàn FLC cũng đã nhận ba quyết định cưỡng chế của Cục thuế Quảng Bình. Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 224 tỷ đồng.

  Cổ phiếu FLC kết phiên 5/8 ở mức giá 5.850 đồng/cp, thấp hơn 67,5% so với đầu năm 2022. 


Theo báo cáo tài chính quý II được công bố mới đây, Tập đoàn FLC có nợ phải trả 27.570 tỷ đồng tại ngày 30/6, tăng khoảng 3.500 tỷ so với ngày đầu năm. Tuy nhiên, giá trị vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn cũng như dài hạn) giảm gần 1.100 tỷ so với 6 tháng trước, còn 5.126 tỷ đồng. 

Tại ngày đầu năm 2022, FLC đang có khoản nợ dài hạn 1.640 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) nhưng đến ngày 30/6, FLC đã trả hết. Tương tự, FLC cũng đã trả hết 573 tỷ đồng nợ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB).

Tuy đã hoàn trả xong khoản vay tại hai nhà băng nhưng FLC lại có hai chủ nợ mới là Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday và Thành viên HĐQT Lê Thái Sâm, dư nợ tại ngày 30/6 lần lượt là 185 tỷ và 621 tỷ đồng.

 

Tag:
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.