Tập đoàn Nhật khen xoài, cá basa Việt Nam, đặt mục tiêu nhập 1 tỉ USD hàng Việt vào hệ thống

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản đặt mục tiêu nhập khẩu 1 tỉ USD hàng hóa Việt Nam, đưa vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Các mặt hàng may mặc, thực phẩm, hàng tiêu dùng và làm đẹp có nhiều ưu thế.

Sáng 23/4, Bộ Công Thương và Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã tổ chức hội thảo Kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn bán lẻ này. Đại diện Aeon nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp Việt cùng hợp tác, tham gia đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị này, đặc biệt là các siêu thị Aeon trên thị trường Nhật Bản là rộng mở trong thời gian tới.

Nhập 1 tỉ USD hàng Việt vào hệ thống

Đại diện Tập đoàn Aeon cho biết hiện Nhật Bản là nước đứng thứ ba thế giới về GDP. Đồng thời, về thị phần bán lẻ, Aeon là một trong những tập đoàn hàng đầu tại Nhật. Vì vậy, phía Aeon cho rằng đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm của mình vào chuỗi cung ứng bán lẻ Aeon.

Tập đoàn Nhật khen xoài, cá basa Việt Nam, đặt mục tiêu nhập 1 tỉ USD hàng Việt vào hệ thống - Ảnh 1.

Bà Vũ Kim Hạnh trao đổi với lãnh đạo Aeon bên lề Hội thảo Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt và Tập đoàn Aeon. (Ảnh: Phúc Huy).

Theo thống kê, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống của Aeon là 250 triệu USD. Nhận định thời gian tới, cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn với các doanh nghiệp Việt, tập đoàn Aeon và Bộ Công Thương đã kí bản ghi nhớ cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của Aeon đạt 500 triệu USD vào năm 2020. Con số này sẽ tăng gấp đôi lên 1 tỉ USD vào năm 2025.

Trưởng ban kế hoạch nước ngoài của Aeon TopValu cho biết trong cơ cấu 1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025, doanh nghiệp này sẽ chú trọng nhiều nhất đến 4 nhóm ngành hàng, gồm dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe.

Theo vị này, đây cũng nhóm ngành hàng mà Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất trong những năm trở lại đây. Cụ thể, dẫn đầu danh mục hàng hóa nhập khẩu hàng năm của Nhật Bản là hàng may mặc, chiếm hơn 3.000 triệu USD. Sau đó, là các nhóm hàng thủy sản, mộc, giày dép với kim ngạch nhập khẩu dao động luôn trên 500 triệu USD.

"Nhật Bản và Aeon hàng năm nhập khẩu rất nhiều sản phẩm thuộc hàng may mặc. Tuy nhiên, hàng may mặc vẫn chưa nhập nhiều từ Việt Nam mà lại đến chủ yếu đến từ Campuchia. Hiện một số sản phẩm may mặc như áo sơ mi, vest, vali kéo, balo công sở… sản xuất tại Việt Nam đã có mặt trong hệ thống của Aeon. Hàng Việt Nam được gia công sản xuất rất tỉ mỉ và đẹp mắt, chúng tôi kì vọng sẽ tiếp tục được hợp tác và mở rộng hơn nữa với các doanh nghiệp Việt Nam", Trưởng ban kế hoạch nước ngoài của Aeon TopValu, kì vọng.

Ngoài ra, ông cũng cho hay hàng gia dụng cũng là một trong những nhóm sản phẩm được tiêu thụ tốt tại Nhật Bản và Aeon. Aeon muốn kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để tìm nguồn cung về sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

"Xoài Việt rất ngon"

Ngoài hàng may mặc và gia dụng, lãnh đạo Aeon cũng cho hay tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam còn nằm ở nhóm thực phẩm. Đây là ngành hàng được tiêu thụ tốt tại Nhật và hiện nay, tại các điểm bán lẻ hiện đại tại Nhật đều đa dạng hóa xuất xứ, nguồn gốc của các loại thực phẩm như thủy sản, trái cây.

Tập đoàn Nhật khen xoài, cá basa Việt Nam, đặt mục tiêu nhập 1 tỉ USD hàng Việt vào hệ thống - Ảnh 2.

Lô xoài Việt Nam lần đầu xuất qua Mĩ. (Ảnh: Tiền Phong).

Tổng giám đốc TopValu Việt Nam cho hay bản thân ông rất thích xoài Việt vì ngon, mỗi khi đi công tác, ông thường mua loại xoài của Việt thay vì xuất xứ từ những nước khác. Ông cho hay hiện tại Nhật có bán rất nhiều loại xoài ngon đến từ nhiều nước như Philippines, Đài Loan, Thái Lan. Mới đây, Aeon đã nhập xoài từ Pakistan vì có giá rẻ hơn những đơn vị cung cấp trước đó, đồng thời cũng có hương vị khác biệt.

Tổng giám đốc TopValu Việt Nam cho rằng khi so sánh về hương vị, xoài Việt Nam sẽ có điểm khác biệt với các loại xoài trên. Vì vậy, ông cũng muốn có được thêm nhiều nguồn cung đa dạng và lớn hơn từ các doanh nghiệp Việt, đưa vào hệ thống phân phối của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản.

"Ngoài ra, năm qua, chúng tôi đã nhập 1.000 tấn cá basa từ một doanh nghiệp Việt Nam", lãnh đạo TopValu Việt Nam khẳng định và cho biết tiềm năng ngành hàng thủy sản nhập khẩu vào Aeon vẫn còn rất cao.

"Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm thông thường có thể gặp bất cứ đâu. Chúng tôi đã tìm được nhà cung cấp sẵn sàng làm theo các biện pháp đảm bảo yêu cầu của Aeon. Họ sẵn sàng thay đổi thức ăn cho cá, trang bị kĩ thuật mới, giúp mang lại những bữa ăn đảm bảo yêu cầu cho người Nhật. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu đã tăng 20 lần và giá thành cũng cao hơn", Tổng giám đốc TopValu Việt Nam cho biết.

Làm thế nào đưa hàng vào Aeon?

Theo đại diện Aeon, các doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của siêu thị bắt buộc phải tuân thủ mọi qui định ở tất cả giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các qui định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho tới các Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành như JIS, SIK của Nhật Bản. Tiếp đó là các tiêu chuẩn riêng của tập đoàn này.

Tập đoàn Nhật khen xoài, cá basa Việt Nam, đặt mục tiêu nhập 1 tỉ USD hàng Việt vào hệ thống - Ảnh 3.

Một siêu thị thuộc hệ thống Aeon tại Việt Nam.

Cụ thể, trước khi bắt tay hợp tác, Aeon sẽ đến từng nhà máy để kiểm tra các thiết bị, điều kiện nhân viên, công nhân, làm việc có phù hợp hay không. Khi đã xác nhận hợp tác, Aeon sẽ tiếp tục làm việc chung các doanh nghiệp.

Đồng thời, đại diện tập đoàn bán lẻ Nhật Bản cũng cho hay hiện đang sở hữu một trung tâm kiểm tra chất lượng sản phẩm riêng. Trung tâm này có nhiệm vụ kiểm tra tính phù hợp các qui tắc, điều kiện an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

"Tuy nhiên, đây chưa phải là bước cuối cùng. Trước khi đưa sản phẩm ra bán, chúng tôi sẽ cho khách hàng dùng thử. Ví dụ như thực phẩm, nếu khách cho rằng không ngon, không phù hợp thì sẽ không bày bán", đại diện Aeon cho biết.

Đồng thời, vị này khẳng định khi chất lượng sản phẩm nâng cao thì giá thành sản phẩm sẽ được nâng cao. Chỉ khi doanh nghiệp chấp nhận những thay đổi về điều kiện, nâng cao giá trị thì giá thành mới được cải thiện. Số lượng xuất khẩu nhờ vậy cũng tăng đáng kể hơn.

Đại diện Bộ Công Thương - bà Nguyễn Thảo Hiền, cho hay với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon đến năm 2025 đạt 1 tỉ USD, các doanh nghiệp Việt sẽ được hỗ trợ thông qua các buổi tổ chức tuần hàng Việt hoặc hỗ trợ thông tin. Vì vậy, bà cho rằng các doanh nghiệp nội cần cố gắng đạt được các điều kiện, yêu cầu từ phía tập đoàn bán lẻ Nhật Bản.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.