Tập đoàn Phương Trang muốn đầu tư cao tốc An Hữu – Cao Lãnh theo hình thức PPP

Tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có chiều dài khoảng 27,43 km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến gần 6.500 tỷ đồng.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp, vào chiều ngày 16/12, lãnh đạo tỉnh và CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang (Futa Group) đã có buổi làm việc về đầu tư một số dự án giao thông trên địa bàn.

Tập đoàn Phương Trang đề xuất phương án đầu tư dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh theo hình thức PPP. Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng Phương Trang Lưu Xuân Thủy cho biết công ty đã nghiên cứu phương án giảm vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong dự án theo hình thức PPP và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Khi được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương, doanh nghiệp sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tập đoàn Phương Trang muốn đầu tư cao tốc An Hữu – Cao Lãnh theo hình thức PPP - Ảnh 1.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. (Ảnh: Người Đồng Hành).

Phía Phương Trang cũng đề xuất UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất chủ trương cho đơn vị nghiên cứu phương án kết nối tuyến cao tốc với tỉnh lộ 856 và nghiên cứu đầu tư bổ sung hệ thống đường gom dọc tuyến nhằm phát huy tối đa sự kết nối để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; nghiên cứu phát triển các bến xe khách, xe tải loại 1 tại đường tránh Cao Lãnh và khu công nghiệp, đô thị, trung tâm logistics kết nối với tuyến cao tốc.

Về dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã thông qua Nghị quyết thống nhất thực hiện dự án với phương án dự kiến đầu tư của Bộ Giao thông vận tải. Địa điểm thực hiện dự án tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43 km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km.

Điểm đầu tuyến giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4 km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 2 km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17 m. Giai đoạn hoàn thiện với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với mặt cắt ngang 24,75 m. Nhu cầu sử dụng đất hơn 127 ha.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang 17 m (bao gồm lãi vay) vào khoảng 6.477 tỷ đồng.

Trong đó, vốn góp của nhà nước là 3.238 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (toàn bộ dự án thành phần) khoảng 594,823 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình (bao gồm cả một số chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện) thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP khoảng 2.644 tỷ đồng.

Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 3.238 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu khoảng 486 tỷ đồng (tương ứng mức tối thiểu 15% theo quy định của Luật PPP), vốn vay khoảng 2.752 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh với vai trò là hành lang xương sống của trục ngang, khi được đầu tư thông tuyến và hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến trục dọc như quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc TP HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.