Nửa buổi tập huấn
Tại địa bàn TP HCM, vừa qua, nhiều trường đã tiến hành tập huấn Thông tư 22 cho giáo viên. Hầu hết các buổi tập huấn đều do Ban Giám hiệu các trường hướng dẫn lại sau khi được tập huấn trên Sở về và thường diễn ra vào một buổi của ngày cuối tuần.
Giáo viên được tập huấn về thông tư 22 ở các trường. |
Cô Mỹ Linh, giáo viên Tiểu học thuộc địa bàn Q. Bình Thạnh cho biết, do thời gian quá ngắn và do Thông tư mới nên nhiều người chưa thể nắm hết nội dung. “Thông tư 22 có nhiều điểm chi tiết, cụ thể hơn Thông tư cũ. Các loại bảng thì có sẵn, giáo viên chỉ cần theo đó thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy rối với các loại bảng tham chiếu. Tôi nghĩ sau một thời gian đi vào thực tiễn thì nhiều người mới có thể quen dần”.
Ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), các trường cũng đã tiến hành tập huấn vào thứ 7 vừa qua cho giáo viên Tiểu học. Buổi tập huấn cũng diễn ra trong nửa buổi nhưng theo chia sẻ của một số giáo viên, nội dung buổi tập huấn không thỏa mãn được thông tin giáo viên cần mà còn khiến các giáo viên hoang mang lo lắng vì quá nhiều loại bảng.
Một giáo viên cho biết: “Thời gian tập huấn quá ngắn nên hầu như giáo viên chúng tôi không hiểu Hiệu phó nói gì, chỉ thấy chằng chịt các loại bảng rối mắt”. Không chỉ riêng các loại bảng, nhiều điểm khác biệt của Thông tư 22 cũng khiến giáo viên “có tập huấn, tìm hiểu mới biết thông tư mới chẳng giảm tải được gì nhiều như mọi người chờ đợi”.
‘Bình mới rượu cũ’
Theo Thông tư 22, đánh giá định kỳ về học tập sẽ chia thành các mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Với việc đánh giá định kỳ về năng lực phẩm chất học sinh được chia ra theo 3 mức độ: Tốt, Đạt và Cần cố gắng. Đây là điểm khác biệt của Thông tư 22 so với Thông tư 30. Tương ứng với các cách đánh giá là bảng tham chiếu cho giáo viên nhưng nhiều giáo viên chia sẻ họ thực sự thấy rối với các bảng này.
Những quy định cùng bảng tham chiếu khiến giáo viên bối rối. |
“Quy định đánh giá lượng hóa kết quả học tập của học sinh dùng bảng tham chiếu tham khảo. Nếu > ¾ chỉ báo, đạt mức độ 2, mức độ 3 nhưng thực sự nhiều người trong chúng tôi không hiểu chỉ báo là gì? Căn cứ vào đâu? Tập huấn chỉ nửa buổi, bảng tham chiếu chúng tôi cũng chẳng được xem, chỉ thấy các bảng tổng hợp chi chít những ô mục của từng em. Bỏ sổ theo dõi chất lượng, nhưng thêm cái bảng tổng hợp, bảng tham chiếu mà tính kiểu kia còn phức tạp hơn”, cô Ngân, giáo viên Q. Thủ Đức nhận định.
Thông tư 30 trước đây quy định giáo viên phải nhận xét bằng lời hoặc ghi vào vở học sinh, hàng tháng ghi vào sổ theo dõi chất lượng. Với Thông tư 22, không quy định hàng tháng giáo viên phải ghi vào sổ theo dõi chất lượng, tuy nhiên giáo viên sẽ đánh giá học sinh thông qua đánh giá thường xuyên định kỳ 4 lần/năm. Việc đánh giá định kỳ này khiến không ít giáo viên đã tỏ ra thất vọng bởi có nhiều môn học, mỗi môn đánh giá 4 lần, một lớp rất nhiều học sinh nên giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để có thể hoàn thành.
Trước khi Thông tư 22 được ban hành, nhiều giáo viên kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế của Thông tư 30, giảm tải cho giáo viên trong việc nhận xét, đánh giá học sinh. Đa số giáo viên đều khấp khởi mừng thầm mong đợi ngày được tập huấn, áp dụng. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sau khi tập huấn giáo viên càng rối hơn bởi các bảng tham chiếu, bảng tổng hợp. Điều khác biệt ở Thông tư 22 là bỏ được một sổ theo dõi, tuy nhiên ở nhiều địa phương, một số trường vẫn bắt thầy cô làm sổ theo dõi học sinh và coi như đó là sổ cá nhân.
“Học sinh lớp 4, 5 có thêm 2 kỳ thi giữa học kỳ cũng khiến giáo viên thêm việc. Với học sinh các lớp 1, 2, 3 không thi giữa kỳ nhưng giáo viên sẽ làm báo cáo, 4 báo cáo trong một năm học. Tưởng rằng sẽ khác so với Thông tư cũ nhưng thực ra vẫn là bình mới rượu cũ mà thôi!”, một giáo viên chia sẻ.