Kể từ khi Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang đi vào hoạt động, cũng là lúc mật độ các phương tiện giao thông di chuyển qua tuyến đường Phù Đổng - Cầu Chạc tăng đột biến. Khiến nhiều người dân lo lắng về độ an toàn khi tham gia giao thông trên tuyến đường
Ngày 25/5/2016, trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (BOT) bắt đầu hoạt động với mức thu từ 35.000 - 200.000/lượt, tùy loại xe.
Kể từ thời điểm đó, để “né” trạm BOT, các phương tiện giao thông đã lựa chọn cách di chuyển theo đường dân sinh liên tỉnh Phù Đổng - Cầu Chạc.
Tuyến đường này có điểm đầu từ đường bờ đê Phù Đổng (Gia Lâm), xuôi theo hướng đường TL 271 đến điểm cuối cầu Đại Đình (Bắc Ninh), dài khoảng 6km.
Đường đê Phù Đổng vốn đã quanh co, bỗng xuống cấp nghiêm trọng khi các phương tiện di chuyển “tấp nập” cả ngày lẫn đêm. (Ảnh: Khắc Hiếu) |
Đường đê Phù Đổng vốn đã quanh co, bỗng xuống cấp nghiêm trọng khi các loại xe ô tô, xe tải trọng lớn vì “né” trạm BOT nên di chuyển trên tuyến đường không kể ngày đêm.
Là một hộ dân sống gần đường đê Phù Đổng, ông Hoàng Văn Khoa (SN 1952, trú tại xã Phù Đổng) cho biết, khi trạm thu phí chưa hoạt động thì đường đê Phù Đổng có mật độ cũng dễ chịu (ít phương tiện qua lại-PV).
“Khi trạm BOT thu phí, các loại xe bắt đầu chạy qua nhà tôi quá nhiều, cứ uỳnh uỳnh suốt ngày. Cả xe mấy chục tấn, xe HOWO… chạy thường xuyên. Đường thì chật trội nên va quệt thường xuyên xảy ra”, ông Khoa cho hay.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt đường đê Phù Đổng đang có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Xuất hiện nhiều ổ voi, sống trâu, có những đoạn mặt đường lún lõm khiến việc di chuyển hết sức vất vả.
Đáng chú ý, có những đoạn một chiếc xe ô tô tải đi qua cũng chiếm gần hết lòng đường. Ở làn đường còn lại, người dân chỉ biết dừng xe đứng đợi hoặc “liều mình” lách qua.
Một chiếc xe ô tô tải đi qua cũng chiếm gần hết lòng đường, làn đường còn lại, người dân chỉ biết dừng xe đứng đợi hoặc “liều mình” lách qua. (Ảnh: Khắc Hiếu) |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Văn Dương (47 tuổi, trú tại thôn Phù Đổng 2) cho biết, người dân tại xã không mong muốn thực trạng này tiếp tục tái diễn. Ông Dương cho rằng, khi các lái xe trốn vé đi vào đây sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Tôi mong mỏi, nhà nước cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, có những động thái quyết liệt hơn để chấm dứt cái tình trạng này.
Cho người dân chúng tôi đỡ khổ, không sống trong lo lắng như thế này’, ông Dương chia sẻ thêm.
Được nhà trường cho phép, ông Đỗ Văn Tấn (44 tuổi, trú tại xã Phù Đổng) cũng như các bậc phụ huynh khác đang đứng chờ đợi trong sân trường để đón con mình về nhà.
Đủ các loại phương tiện nối đuôi nhau di chuyển theo hướng Phù Đổng - Cầu Chạc và ngược lại để "né" trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang (Ảnh: Khắc Hiếu). |
Theo ông Tuấn, thời gian vừa qua, đủ các loại ô tô tải đi vào gây mất an toàn khi tham gia giao thông.
"Khu vực trường học thường xuyên ùn tắc. Người dân chúng tôi đã lên phản ánh với xã, rồi bao nhiêu phái đoàn về vào cuộc nhưng chưa thấy tình trạng này được cải thiện” ông Tuấn cho hay.
Lấy dẫn chứng về những lo lắng của mình, ông Tuấn cho biết, ngày 19/8 vừa qua, một vụ tai nạn tại khu vực ngã tư Phù Đổng đã lấy đi sinh mạng của 2 em học sinh lớp 10 khi xảy ra va chạm với một xe ô tô tải.
“Dù không dám cho các cháu tự đi xe đạp như trước nữa nhưng, kể cả khi chúng tôi đi đưa đón thế này vẫn cảm thấy không an tâm. Các lái xe cứ phóng nhanh vượt ẩu, đã thấy đông vẫn cố lách để di chuyển, nguy hiểm vô cùng”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Chiều 23/8, trao đổi với chúng tôi, bà Vương Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho biết, hiện số lượng các em đang theo học tại trường khoảng 1.200 học sinh.
Khu vực cổng chính Trường tiểu học Phù Đổng thường xuyên xảy ra ùn tắc vào những giờ cao điểm (Ảnh: Khắc Hiếu). |
Trường Phù Đổng có cổng chính hướng ra mặt đường, vì vậy trước tình trạng xe ô tô tải trọng lớn, đi lại thường xuyên nên lãnh đạo đã có phương án khi tan học thì bố trí cho học sinh ra về theo 2 cổng.
“Năm học vừa rồi, chúng tôi cảm thấy rất khủng khiếp. Khi đến giờ tan học là cả một biển người, các con chưa nhận thức hết được nguy hiểm, không để ý nên cứ lao thẳng ra đường.
Dù nhà trường đã căn dặn và tuyên truyền, tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi không thể kiểm soát được hết tất cả”, bà Quyên cho hay.
“Vấn đề cần lo lắng nhất đối với nhà trường bây giờ là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho các con. Giờ các con tan học, đặc biệt là giờ các con đến trường vào buổi trưa.
Bên cạnh đó, khi chiều đến, các con đi tự do ngoài đường mà xảy ra việc không hay thì rất là đáng tiếc.
Vì vậy, trường hợp các con khi không được phụ huynh đưa đón sẽ rất nguy hiểm”, bà Quyên chia sẻ thêm.
Chưa kể đến, khối trường tiểu học, trung học cơ sở của xã Phù Đổng nằm liền kề nhau và sắp bước vào năm học mới. Đồng thời, địa phương cũng đang hoàn thiện một cơ sở trường mầm non ở phía đối diện.
Dù giải pháp tạm thời đã được nhà trường đưa ra, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường vẫn mong muốn có giải pháp triệt để từ cơ quan chức năng, chấm dứt những hệ lụy khi các phương tiện giao thông “né” trạm BOT gây ra.
Sau đây là clip quay tại điểm "thắt cổ chai" của tuyến đường "né".
Sức mạnh thực sự của Pitbull được ví như lực sĩ hạng nặng
Một con Pitbull bình thường có thể cắn vào một vật và đu mình 30 phút không biết mệt, điều này xuất phát từ điểm ... |
Cao Bằng: Nổ mìn khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương
Khi công nhân đang thực hiện các quy trình để nổ mìn thì bất ngờ sét đánh và có tiếng nổ lớn. Sau đó, mọi ... |
Trạm BOT Bến Lức ùn tắc vì người dân chặn không cho thu phí
Gần 10 hộ dân sống gần trạm BOT Bến Lức (Long An) kéo đến ngăn chặn thu phí, yêu cầu bồi thường hư hại nhà ... |