Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thương mại trong năm 2019

Tổng thầu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện dự án, "cố gắng vận hành thương mại từng phần trong hai tháng tới".

Sáng 1/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9/2017. Vì vậy, Hà Nội phải làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng; khoảng 1.000 người đã được tuyển dụng, đào tạo để phục vụ những phần việc này.

"2 năm qua, chúng tôi đào tạo xong rồi nhưng dự án chậm tiến độ, hiện một số công nhân đã bỏ đi, trong khi đó từ năm 2018 thành phố mỗi năm trả lãi gần 300 tỷ đồng", ông Chung nói.

Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thương mại trong năm 2019 - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác làm việc với Tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 1/10. (Ảnh: Giang Huy)

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, so với yêu cầu, dự án trễ đến 3-4 năm khiến Hà Nội phải "nuôi bộ máy" rất tốn kém. Ông nói dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại không nhiều, chủ yếu là khâu dự phòng.

Theo ông Thể, trước khi dự án vận hành thương mại, các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn; bổ sung biển báo giao thông để khi hệ thống lái tự động trục trặc thì lái thủ công vận hành kịp thời.

Ngoài ra, thông số bán vé tự động ở các ga chưa tương thích nên nhà thầu phải nghiên cứu không để xảy ra ách tắc. Các bên liên quan cũng phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm, ga.

"Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành", ông Thể nói và đề nghị Tổng thầu, Ban quản lý dự án, thành phố Hà Nội và tư vấn kiểm định ngồi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

"Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm", ông Thể nói.

Ghi nhận cố gắng của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vừa qua, song Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, do thiếu kinh nghiệm quản lý và nóng vội trong quá trình thực hiện nên dự án còn nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ, gây bức xúc.

"Đề nghị nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để trong thời gian ngắn nhất đưa dự án vào khai thác thương mại. Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải là trong năm 2019 phải đưa dự án vận hành với yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối; đáp ứng các yêu cầu hồ sơ, chứng nhận an toàn hệ thống, còn các thủ tục thanh quyết toán, bàn giao có thể hoàn chỉnh sau", Phó thủ tướng nêu rõ.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011, sau khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung vào năm 2008. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đơn vị tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Đến nay, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay gần 670 triệu USD từ Trung Quốc. Việc vay vốn Trung Quốc, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án. Tuy nhiên, phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỷ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.