"Taxi công nghệ" sẽ phải gắn mào? (Ảnh minh họa: Nam Định).
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp rà soát dự thảo Nghị định qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định thay thế Nghị định 86, có nội dung quản lí xe công nghệ).
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT "làm lại" nghị định quản lí xe công nghệ nêu trên. Trong khi đó, dự thảo nghị định này đã trình lần thứ 7.
Theo thông tin chúng tôi nhận được, đầu tháng 4, Bộ GTVT đã đưa ra dự thảo lần thứ 8 của Nghị định thay thế Nghị định 86.
Được biết, dự thảo này mới được gửi cho các bên liên quan trước khi tổ chức họp lấy ý kiến.
Trong dự thảo lần thứ 8, Bộ GTVT đưa ra định nghĩa như sau: "Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô sử dụng xe có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; cước chuyến đi tính theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử".
Ngoài ra, dự thảo lần thứ 8 cũng qui định xe taxi phải có phù hiệu "XE TAXI" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định; có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 15 x 20 cm.
Đáng chú ý, trong dự thảo lần thứ 8, Bộ GTVT chia taxi thành 2 loại gồm: Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền và xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền.
Đối với xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì và có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Với loại hình này, phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự li chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
Đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát.
Đối với xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền, trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Phần mềm phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để hành khách lựa chọn và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Đáng chú ý là khi kết thúc chuyến đi, phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về Tổng cục Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trong dự thảo lần thứ 8 Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ GTVT cũng qui định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo họp đồng phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định.
Loại hình này cũng phải niêm yết chữ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định.
"Xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có bảng điện tử với chữ "XE HỢP ĐỒNG" gắn cố định trên nóc xe, kích thước bảng điện tử tối thiểu 15 x 20 cm và phải được bật sáng khi xe tham gia giao thông.
Loại hình này chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển hành khách đã ký kết.
Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, xe ô tô kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gôm cả lái xe) sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điên tử phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng.
Theo qui định trong dự thảo lần thứ 8, xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Ngoài ra, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
Như vậy, nếu chiếu theo các nội dung như dự thảo lần thứ 8 đã nêu ở trên, "taxi công nghệ" sẽ đều phải gắn mào khi hoạt động.