Tags

Tết Cơm Mới

Tìm theo ngày
Tết Cơm Mới là gì? Nét độc đáo trong Tết Com Mới của người dân tộc

Tết Cơm Mới là gì? Nét độc đáo trong Tết Com Mới của người dân tộc

Tết Cơm Mới được đồng bào tổ chức hàng năm có mục đích cúng tạ các vị thần đã giúp cho dân làng có được một mùa màng bội thu. Tại mỗi dân tộc khác nhau, cách tổ chức lễ hội sẽ có những đặc điểm riêng khác nhau nhưng vẫn có những điểm chung như các lễ hiến tế, ăn cơm mới…

Tìm hiểu về ý nghĩa Tết Cơm Mới của đồng bào dân tộc

Vào khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch hàng năm, khi tiết trời vùng cao đã se se lạnh, những nương lúa bắt đầu ngả vàng chín rực rỡ chính là những điểm báo hiệu một mùa màng bội thu. Người dân tất bật chuẩn bị vào vụ gặt.

Thời điểm này người dân đồng bào tại các dân tộc thiểu số trên vùng cao sẽ tổ chức Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết Cơm Mới. Đây là một nghi lễ nông nghiệp có chứa rất nhiều giá trị về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo. Lễ hội thể hiện sự tôn vinh cây lúa nước - loại cây nông nghiệp quan trọng gắn bó với đời sống sản xuất và sinh hoạt của đồng bào dân tộc.

Theo thông thường thì Tết Cơm Mới sẽ kéo dài trong khoảng vài tuần trước khi mùa gặt bắt đầu. Mỗi gia đình sẽ chọn một ngày đẹp để tổ chức lễ, dâng lên các vị thần linh cũng như gia tiên thành quả lao động, cùng với lời thỉnh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn khấm khá, gia đình mạnh khỏe.

Tết Cơm Mới tại mỗi dân tộc có gì khác nhau?

Lễ mừng lúa mới của người dân tộc dao Dao

Người dân tộc Dao thường tổ chức Tết Cơm Mới khi bắt đầu bước vào vụ gặt. Tính theo âm lịch vào khoảng từ mùng 5 đến mùng 10 tháng 9. Người Dao thờ đa thần cho nên họ cho rằng cây lúa cũng có linh hồn. Chính vì vậy việc quan trọng nhất theo nghi lễ truyền thống chính là rước hồn lúa mới về nhà. Mỗi gia đình sẽ phải đi rước hồn lúa mới từ ngoài đồng về nhà trước khi tổ chức Tết Cơm Mới.

Buổi sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình sẽ ra ruộng tỉa những bông lúa chín to trĩu nặng, buộc thành nhiều bó nhỏ đem phơi trước nhà. Chọn những bông to nhất buộc thành cụm phơi trên vách nhà còn lại sẽ dùng để làm cốm hoặc nấu xôi để cúng lễ.

Mâm lễ cúng ông bà tổ tiên, thần linh bao gồm các lễ vật là cơm mới, cốm, con gà luộc, hương hoa, trái cây, rượu và tiền giấy. Bên cạnh đó còn có cá chép ruộng, sâu măng, nhộng ong… chính là những sản vật của ruộng đồng, những con vật giúp cho gia đình có một vụ mùa tươi tốt.

Tết cơm mới của người Dao có nội dung quan trọng nhất là tưởng nhớ đến tổ tiên. Bên cạnh đó thầy cúng cũng làm lễ để xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo tống khứ ra khỏi nhà.

Tết mừng cơm mới của người dân tộc Nùng

Lễ mừng lúa mới của người Nùng sẽ tùy thuộc vào thời vụ lúa chín mà sẽ được tổ chức vào tháng 8 hay tháng 9 âm lịch.

Lễ rước hồn lúa mới về nhà là nghi lễ quan trọng nhất. Để thực hiện, chủ nhà chuẩn bị một ống nứa đựng nước ruộng, thúng đeo vai có đưng một gói tro bếp, trứng gà, gạo, bột ngô và cái liềm để xin thần linh cho rước hồn lúa về nhà.

Gia chủ ra ngoài đồng đứng về hướng Đông, lấy các gói bột ngô, gạo, tro đặt vào gốc cây lúa trĩu hạt nhất để có thể xin rước hồn của lúa mới về nhà. Gia chủ ngắt một cành cây có gai như cây chanh hay cây bưởi để vào trong thúng để hồn lúa không bay mất. Rước hồn lúa về tới nhà sẽ chia thành hai túm lúa đặt trên bàn thờ để cúng. Phần còn lại được đem tuốt để làm cốm hay nấu xôi dâng lên tổ tiên, thần linh.

Lễ cúng cơm mới diễn ra sau đó với các lễ vật được chế biến từ các sản vật do gia đình tự trồng cấy, chăn nuôi như thịt lợn, gà, cá chép ruộng cùng các loại rau rủ, bánh trái, thực phẩm… Tuy nhiên xôi và bánh giầy là hai lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu trong mâm cơm cúng ngày Tết Cơm Mới.

Lễ cúng mừng cơm mới của người La Chí

Đối với người La Chí lễ Tết Cơm mới vô cùng quan trọng. Trước ngày tổ chức, vợ của chủ nhà sẽ được coi là “mẹ lúa” phải thức dậy thật sớm đeo gùi và dao nhíp để đi ngắt những bông lúa đầu tiên đem về nấu cơm, đồ xôi cúng tạ tổ tiên và thần linh.

Việc đi ngắt những bông lúa đầu tiên này cũng chính là nghi lễ rước hồn lúa về.

Nghi lễ của người La Chí có chút khác biệt chính là sau khi cúng cơm xong thì các gia đình mới mang thóc mới thu hoạch vào nhà và ăn cơm được nấu bằng gạo mới.

Trước khi cúng cơm người đồng bào La Chí sẽ không được đốt rơm rạ vì hồn lúa vẫn ở trên đó, nếu đốt thì sang năm sẽ bị mất mùa.

Trong ngày này các gia đình cũng sẽ mời thầy cúng đến cúng giúp. Bài cúng của người La Chí có ý nghĩa biết ơn nhờ tổ tiên dạy bảo thì mới biết làm ra hạt lúa hạt gạo để nuôi sống bản thân và gia đình. Hôm nay gia đình sẽ làm cơm để mời thần lúa, thần gạo, tổ tiên về chứng kiến lòng thành và phù hộ cho gia đình có thật nhiều sức khỏe, mùa màng thuận lợi sản xuất được nhiều lúa gạo.

Sự đa dạng trong cách thức thức thực hiện lễ cúng tết cơm mới của mỗi dân tộc thể hiện sự độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao. Bên cạnh đó cũng góp phần gây dựng lên một bức tranh văn hóa đa màu sắc của các dân tộc thiểu số.