Tết Hạ Nguyên tổ chức ở đâu nhiều nhất tại Việt Nam?

Tết Hạ Nguyên (Tết Cơm mới) là dịp lễ được tổ chức vào ngày Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm, sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa. Cùng khám phá xem ngày lễ Tết Hạ Nguyên tổ chức ở đâu nhiều nhất tại Việt Nam.

Tết Cơm mới tổ chức ở đâu tại Việt Nam?

Lễ hội mừng Tết Cơm mới được tổ chức tại những buôn làng của các đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên với ý nguyện cầu mong một năm “mưa thuận gió hòa”, mùa màng tươi tốt và nhà nhà được ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, những người Hoa tại Chợ Lớn cũng ăn mừng ngày lễ này để thay lời cảm tạ đến cha mẹ, ông bà.  

Lễ mừng Tết Cơm mới của các dân tộc vùng núi phía Bắc

Hàng năm, cứ vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 Âm lịch, tiết trời vùng cao se lạnh báo hiệu một “mùa vàng” bội thu và người dân ở bản làng hối hả bước vào vụ gặt. 

Không những thế, đây cũng là thời điểm mà đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc tổ chức lễ mừng Cơm mới - nghi lễ hàm chứa các giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn vinh cây lúa - cây nông nghiệp quan trọng trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của dân tộc thiểu số. 

Thông thường, lễ mừng Tết Cơm mới sẽ kéo dài khoảng vài ba tuần khi bước vào mùa gặt. Mỗi dân tộc thiểu số sẽ chọn ra một ngày đẹp để tổ chức và dâng thành quả lao động lên các vị thần linh cùng ông bà tổ tiên, đồng thời còn cầu cho “mưa thuận gió hòa”, mùa màng tươi tốt và con cháu mạnh khỏe.

Tết Hạ Nguyên của dân tộc Nùng

Lễ mừng Lúa mới là một trong những nghi thức mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp của của người Tày, Nùng. Nghi thức này tùy theo thời vụ lúa chính mà được các gia đình tổ chức vào tháng 8 hoặc tháng 9 Âm lịch hàng năm. 

Để thực hiện lễ thức này, việc quan trọng đầu tiên là gia đình sẽ tổ chức nghi thức đi “đón hồn lúa” mới. Các bông lúa được người dân ra ruộng hái mang về nhà, trong đó một phần được cắt tỉa rồi buộc thành bó treo trên bàn thờ và phần còn lại sẽ làm cốm, xôi cốm để dâng tổ tiên, đất trời. 

Song song đó, các gia đình sẽ mời thầy cúng về nhà để thực hiện nghi thức cúng gọi hồn lúa ở sân phơi thóc, còn một thầy khác cúng tổ tiên ở bàn thờ trong nhà. Kết thúc lễ cúng tất cả các thành viên trong gia đình và khách gần xa cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đoàn viên.  

Theo quan niệm của người Nùng, lễ mừng Cơm mới là nghi thức nhằm tôn vinh giá trị của cây lúa - loại cây nông nghiệp quan trọng nhất trong đời sống sản xuất của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để các gia đình thể hiện sự hiếu kính với thần linh, ông bà tổ tiên.

Ảnh: Báo Tuyên Quang

 

Tết Hạ Nguyên của dân tộc Thái

Lễ hội mừng Cơm mới (hay còn gọi là chôm khảu mớ) của đồng bào dân tộc Thái đã có từ rất lâu đời. Theo quan niệm của người dân nơi đây, sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là một trong những yếu tố quan trọng để có được một vụ mùa bội thu. 

Lễ cúng được thực hiện tại bàn thờ thổ công và bàn thờ tổ tiên trong nhà. Trong đó, các lễ vật được chia thành ba mâm lễ, với mâm lễ cúng thổ địa, mâm cúng tổ tiên và mâm cúng vía lúa. Đồng thời, mọi người còn mời thầy mo để thực hiện các nghi lễ với lòng thành kính, cầu mong thần linh phù hộ cho bản làng lại có một mùa màng tươi tốt.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra với sự tham gia của nhiều người dân nơi đây thông qua các hoạt động phong phú như các tiết mục dân ca, dân vũ hoặc nhảy sạp để thể hiện tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn sau khoảng thời gian lao động vất vả. 

Ngoài ra, đây còn là dịp để các anh em trong gia đình, thông gia, xóm làng chung vui và chia sẻ với nhau công việc làm ăn để thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy.

Ảnh: Báo Công Thương

Tết Hạ Nguyên của dân tộc Mường

Lễ mừng Cơm mới của người Mường sẽ tổ chức vào độ tháng 10 Âm lịch. Lúc này, các gia đinh sẽ tự tổ chức hoặc mời thầy về làm lễ nhằm tạ ơn đất trời và tổ tiên phù hộ “mưa thuận gió hòa” cây cối tốt tươi để có cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Bên cạnh đó, Tết Hạ Nguyên của người Mường được tổ chức mang tính chất gia đình nhiều hơn là cộng đồng. Trong đó, các lễ vật mừng Tết Cơm mới bao giờ cũng có xôi hoặc các món ăn được làm từ mẻ lúa mới gặt để dâng lên thần linh những thành quả sau một mùa vụ lao động vất vả.

Khác với dân tộc Nùng và Thái, sau phần lễ, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức thành quả lao động của mình, sau đó dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp cho vụ mùa tiếp theo. 

Ngoài ra, các gia đình còn lựa chọn một vài bó lúa giống tốt để lên gác bếp để giữ vía lúa với hy vọng một mùa bội thu mới đang đợi.

Ảnh: www.vietnam-tourism.com

Tết Hạ Nguyên của dân tộc La Chí

Theo phong tục của người La Chí, lễ mừng Tết Cơm mới là dịp để báo cáo với tổ tiên và hiếu lễ bề trên, đồng thời còn mong vụ lúa năm sau được bội thu và cầu bình an đến cho mọi người.

Tương tự như dân tộc Nùng, người La Chí phải dậy từ sớm để ra đồng “rước hồn lúa” về nhà, sau đó chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên. Trong đó, củ gừng là một thứ không thể thiếu trong mâm lễ, bởi đây được coi như là vật nối liền giữa âm và dương theo quan niệm của người La Chí. 

Kết thúc phần lễ, những người già hoặc các thanh niên trong bản cùng nhau tập trung trên bãi đất trống hoặc trên đồi để chơi ném còn, quay đu vòng tròn, hát giao duyên, hát đối đáp,… Riêng những người phụ nữ trong làng sẽ cùng nhau thêu thùa, may vá trang phục dưới bóng cây hoặc trong nhà. 

Ảnh: VOV World

Lễ mừng Tết Cơm mới của các dân tộc vùng Tây Nguyên

Bên cạnh đó, lễ mừng Tết Cơm mới còn được tổ chức tại bản làng của một số các dân tộc thuộc vùng núi Tây Nguyên. Đây là một trong những phong tục có từ lâu đời với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng - Thần núi ban cho dân làng. Ngoài ra còn cầu cho “mưa thuận gió hòa”, mùa màng bội thu.

Tết Hạ Nguyên của dân tộc Xơ Đăng

Tết Hạ Nguyên là một trong những dịp lễ lớn trong năm đối với cộng đồng người Xơ Đăng. Theo quan niệm của người Xơ Đăng, lễ hội này mang rất nhiều màu sắc tâm linh nên thường được tổ chức kéo dài đến ba ngày với không khí rộn ràng khắp đầu làng cuối ngõ.

Trong khi lễ cúng Cơm mới diễn ra, già làng sẽ là người chủ trì tất cả các hoạt động, đồng thời còn thay mặt buôn làng cúng bái thành kính thể hiện sự biết ơn đến thần linh. Sau đó, già làng sẽ đi từng nhà để chúc mùa lúa mới bội thu với cơm được vung vãi quanh nhà ngụ ý cho năm sau lúa thóc càng ngập tràn, dư dả hơn.

Kết thúc nghi lễ truyền thống, người dân bản làng cùng nhau tụ tập tại khu vực trung tâm để uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng,... cho đến tận khuya rồi mới xem như kết thúc.

Ảnh: Báo Kon Tum

Tết Hạ Nguyên của dân tộc J'rai và Bahnar

Lễ mừng Cơm mới của dân tộc người J'rai và Bahnar đã có từ lâu đời và được gìn giữ, phát huy cho tới hôm nay. Đây được xem là một trong những bản sắc văn hóa độc đáo của các tộc người này. 

Vào dịp Tết Hạ Nguyên, thầy cúng sẽ cùng già làng soạn mâm lễ cúng theo nghi thức và khấn để mong thần Ia Pôm mang lại cuộc sống ấm no và mùa màng tốt tươi cho buôn làng. Sau đó, người dân trong làng thường cùng nhau tụ tập ăn uống rồi tham gia hoạt động nhảy múa theo tiếng chiêng vang vọng.

Song song đó, người dân nơi đây sẽ tiếp tục lễ cúng mừng Tết Cơm mới theo từng nhà khi lễ hội chung của làng kết thúc. Lễ được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch được nhiều hay ít của từng gia đình trong năm nay. Ngoài ra, đây còn là thời điểm để các thành viên trong gia đình vui chơi, ăn uống và múa hát cùng nhau. 

Ảnh: Mia.vn

Tết Hạ Nguyên của dân tộc Êđê

Phong tục mừng lễ Hạ Nguyên của dân tộc Êđê cũng có nhiều nét tương đồng với các dân tộc kể trên. Theo đó, người dân sẽ tập trung đông đủ về nhà văn hóa buôn và chuẩn bị mâm cúng rồi mới tiến hành làm lễ cúng. Lúc này, thầy cúng sẽ đại diện cho người dân trong buôn đọc lời khấn cúng thần linh, tổ tiên để có được vụ mùa bội thu.

Mỗi gia đình sẽ tổ chức lễ Hạ Nguyên theo từng nhà sau khi nghi lễ kết thúc. Trong đó, phụ nữ thì sẽ tập trung nấu nướng, bếp núc còn đàn ông thì tụ lại giết gà - mổ heo. Sau đó, các thành viên sẽ mặc những trang phục truyền thống để cùng nhau ăn cơm, thưởng thức rượu cần và gửi đến nhau những lời chúc tốt lành, ý nghĩa. 

Đây không chỉ là nghi lễ truyền thống nhằm tạ ơn trời đất mà còn là dịp để người Êđê được vui chơi, hưởng thụ thành quả sau một mùa vụ lao động vất vả, từ đó giáo dục con cháu luôn nhớ về cội nguồn. 

Ảnh: Mia.vn

Tết Hạ Nguyên của dân tộc Gia Rai

Lễ mừng Lúa mới cũng là một trong những phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Gia Rai, với ý nghĩa tôn vinh các hạt thóc của thần linh và cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc. 

Lễ Hạ Nguyên của dân tộc Gia Rai bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ cúng gồm 3 phần là cúng ở rẫy lúa, cúng ở chòi rẫy và cúng ở nhà chủ lúa. Kết thúc phần lễ, buôn làng tổ chức phần hội với các tiết mục văn nghệ (ca, múa, hát) diễn ra trong không khí sôi nổi, vui tươi,… 

Tết Cơm mới không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Gia Rai mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Đồng thời còn tạo thành sợi dây gắn kết cộng đồng người Gia Rai trên khắp các buôn làng. 

Ảnh: TravelMag

Lễ mừng Tết Cơm mới của cộng đồng người Hoa (TP HCM)

Tết Hạ Nguyên còn được xem là một trong ba ngày Tết lớn của người Hoa Chợ Lớn. Đây được xem là lễ hội dân gian tồn tại rất lâu đời và có liên quan đến Đạo Giáo Trung Hoa. Lễ được tổ chức vào ngày Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. 

Khác với hai ngày Tết Thương Nguyên và Tết Trung Nguyên, Tết Hạ Nguyên chỉ được các Đạo quán và chùa miếu tổ chức tụng kinh cầu nguyện. Do đó, vào ngày này, mọi người sẽ đến các chùa, miếu để dâng hương và cầu bình an cho gia đình. 

Song song đó, đây còn là một trong những ngày ăn chay được quy định trong giới luật ăn chay của Đạo Giáo để cầu phúc, cầu ăn và giải hạn. Một số món chay phổ biến của người Hoa mà bạn có thể thưởng thức cùng với ông bà, cha mẹ trong dịp lễ này như hủ tiếu Hongkong, mì xào giòn, cơm chiên Dương Châu,.... 

Ảnh: Travellive

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.