Tết Hạ Nguyên ăn món gì phù hợp cho ‘tín đồ’ ăn chay và mặn?

Tết Hạ Nguyên ăn món gì phù hợp là một câu hỏi được rất nhiều gia đình quan tâm trong dịp lễ mừng lúa mới này. Với các món ăn đặc trưng trong bài viết sau, bạn sẽ có thể chuẩn bị một bữa ăn truyền thống thơm ngon giúp cho ngày Tết Hạ Nguyên trở nên trọn vẹn hơn.

Tết Hạ Nguyên nên ăn món gì cho phù hợp và đúng truyền thống?

Trên thực tế, việc chuẩn bị các món ăn vào ngày Tết Hạ Nguyên không chỉ mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho người dân những vụ mùa bội thu, mà còn giúp cho các gia đình có thể thưởng thức một bữa ăn truyền thống một cách trọn vẹn nhất.

Tùy vào từng phong tục tập quán mà mỗi vùng miền sẽ có những món ăn khác nhau cho ngày lễ mừng lúa mới này. Các món ăn này cũng rất đa dạng và đầy đủ từ những món chay thanh đạm cho đến những món mặn thơm ngon. Một số món ăn đặc trưng có thể kể đến như là các loại bánh, xôi, thịt heo, thịt gà,…

Gợi ý các món ăn mặn thơm ngon trong ngày Tết Hạ Nguyên

Nếu vẫn chưa biết ngày Tết Hạ Nguyên ăn món gì vừa phù hợp với truyền thống vừa thơm ngon tròn vị, bạn có thể tham khảo một số món ăn mặn sau đây:

Thịt heo luộc chấm nước mắm/mắm tôm

Thịt heo luộc là một trong các món ăn đơn giản được rất nhiều người ưa thích và lựa chọn cho mâm cúng tết Hạ Nguyên.

Khi thưởng thức món ăn này, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon của từng thớ thịt heo được luộc vừa chín tới, thơm mềm kết hợp cùng với các loại nước chấm đậm đà như một chén nước mắm tỏi ớt hoặc mắm tôm đặc trưng tạo nên một sự hòa quyện hoàn hảo cho bữa ăn của gia đình.

Nguyên liệu:

- 500 - 800g thịt heo (ba rọi, thịt đùi, thịt vai, thịt chân giò)

- 1 củ hành khô

- 5 - 7 nhánh hành lá

- 1 củ tỏi, 1 trái ớt, hạt tiêu

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Cạo sạch phần lông còn sót lại trên da heo và ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng 5 - 10 phút để các chất bụi, bẩn có trong thịt tiết ra ngoài.

Lưu ý: Không nên cắt vụn miếng thịt tươi trước khi luộc, tránh khiến cho món thịt heo luộc bị khô.

- Bước 2: Chần thịt khoảng 2 -3 phút qua nước sôi kèm hành lá, gừng và tiêu để loại bỏ những tạp chất và mùi hôi trên miếng thịt.

- Bước 3: Cho miếng thịt đã chần qua vào nồi, đổ nước lạnh ngập miếng thịt. Có thể thêm một ít muối hay có thể cho thêm vài củ hành tím hoặc hành tây, vài lát gừng để loại bỏ triệt để mùi hôi của thịt heo. Thời gian luộc thịt heo khoảng 20 phút là thịt chín và mềm, ngon nhất.

Lưu ý: Khi luộc thịt heo nên để lửa nhỏ vừa sẽ giúp thịt chín từ từ, mềm hơn. Khi nước sôi hãy vặn nhỏ lửa để tránh nước trào ra ngoài. Trong quá trình luộc, bạn cần chú ý loại bỏ phần bọt cặn trong nồi để miếng thịt heo luộc được trắng hồng, nước luộc trong. Sau khi thịt chín nên ngâm thịt vào một bát nước lạnh để giữ sự săn chắc của thịt, đồng thời còn giúp thịt heo luộc không bị thâm.

- Bước 4: Thái thịt heo thành những miếng đều nhau, thái đúng dọc thớ thịt để thịt không bị khô xơ. Hãy dùng dao được mài sắc để thái thịt vì như vậy miếng thịt khi thái sẽ không bị vỡ vụn.

Chỉ với vài bước đơn giản như trên là bạn đã có thể chế biến được một món ăn vô cùng hấp dẫn để chiêu đãi gia đình trong ngày Tết Hạ Nguyên.

Ảnh: VnExpress

Gà hấp hành

Có thể thấy, gà hấp là một món ăn thường thấy trên mâm cúng của người Việt trong bất kỳ dịp lễ nào, bao gồm cả ngày Tết Hạ Nguyên.

Gà sau khi hấp sở hữu lớp da vàng óng, căng bóng bắt mắt vô cùng, bạn sẽ có thể cảm nhận được từng thớ thịt dai mềm, ngọt thơm kết hợp với các loại gia vị tạo nên một vị ngon rất tự nhiên. Món ăn này cũng sẽ khiến mâm cúng của gia đình bạn trở nên trang trọng hơn rất nhiều.

Nguyên liệu:

- 1 con gà ta (đã được làm sạch lông và nội tạng)

- 1 bó hành lá

- 1 củ gừng

- 1 củ hành tây

- Rau mùi

- Gia vị: Nước mắm, đường, hạt nêm, dầu ăn, rượu trắng,...

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Sau khi làm sạch gà, chà xát thịt gà với một muỗng canh muối trong khoảng 5 - 10 phút rồi rửa lại với 2 - 3 lần nước cho sạch để khử mùi hôi của thịt gà. Sau đó, dùng dao khứa vài đường lên bề mặt thịt rồi để ráo nước.

- Bước 2: Ướp thịt gà với 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm và 1/2 muỗng cà phê tiêu xay. Dùng đũa đảo thịt thật đều rồi cho gà vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 15 - 30 phút để gà thấm gia vị.

- Bước 3: Bóc bỏ 1 - 2 lớp vỏ bên ngoài của sả tươi, cắt bỏ phần gốc và phần ngọn rồi rửa sạch và xé thành sợi nhỏ. Gừng cạo hết lớp vỏ bẩn, rửa sạch rồi cắt lát và cho ra dĩa. Ngâm nấm hương với nước ấm khoảng 10 - 15 phút cho nấm mềm, sau đó vớt ra rửa sạch bụi đất, vắt ráo nước rồi tỉa hoa và để ráo.

- Bước 4: Bắc bộ nồi xửng hấp lên bếp đun sôi khoảng 600ml nước với lửa lớn. Khi nước bắt đầu sôi, rải sả lên xửng rồi cho thịt gà vào hấp 15 phút với lửa vừa. Sau 15 phút, kiểm tra thấy gà sắp chín thì hạ nhỏ lửa, cho gừng và nấm hương vào, tiếp tục hấp thêm 10 phút nữa. Cuối cùng, cho hành lá lên xửng để hấp tiếp 5 phút rồi tắt bếp. Chặt gà thành miếng vừa ăn và xếp ra dĩa khi gà còn nóng.

Với phương pháp chế biến là hấp, thịt gà vàng ươm sẽ vẫn giữ được độ tươi ngọt tự nhiên. Món gà hấp hành nóng hổi với mùi thơm của thịt gà hòa quyện cùng mùi thơm tự nhiên của hành lá, sả và gừng gợi nên sự mới lạ nhưng lại vô cùng quen thuộc và dân dã.

Ảnh: Mummy Care

Xôi chiên phồng nhân thịt

Trong trường hợp bạn cảm thấy các món hấp và luộc chưa đủ hấp dẫn, xôi chiên phồng nhân thịt chính là món ăn mà bạn không thể bỏ qua trong dịp lễ Tết Hạ Nguyên.

Món xôi chiên phồng với lớp vỏ giòn rụm và phần nhân thịt được nêm nếm vừa ăn chắc chắn sẽ giúp cho mâm cúng Tết trở nên hấp dẫn hơn.

Nguyên liệu:

- 500g gạo nếp

- 300g thịt bằm

- 1/2 chén nấm mèo băm nhỏ

- 1/2 củ đậu băm nhỏ

- 1/4 củ cà rốt băm nhỏ

- 1 củ hành tím băm nhỏ

- Gia vị: Tiêu, nước mắm, đường, hạt nêm, tương ớt,…

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Vo gạo nếp qua nhiều lần nước cho sạch, ngâm gạo vào tô nước lạnh có pha một ít muối qua đêm. Tiếp theo, đổ gạo nếp ra rổ cho ráo nước và cho gạo nếp vào nồi hấp chín, có thể rưới vào gạo nếp một ít nước cốt dừa để tăng thêm vị ngọt hoặc một muỗng nhỏ dầu ăn, xới đều để gạo nếp không bị dính, nấu đến khi xôi chín dẻo là được.

- Bước 2: Thịt nạc xay cho ra tô, thêm vào một ít muối, tiêu, trộn đều và ướp trong khoảng 30 phút. Phần cà rốt, củ sắn cạo bỏ vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu. Vớt mộc nhĩ, ngâm nấm trong nước nóng cho nở, rồi cắt bỏ chân, rửa sạch và thái hạt lựu tương tự như phần củ quả.

- Bước 3: Bắc chảo lên bếp đun nóng dầu ăn, phi hành thơm, cho thịt vào xào chín. Sau đó cho tiếp mộc nhĩ, cà rốt, củ sắn vào xào chung, nêm gia vị vừa ăn. Đến khi thịt và rau củ chín thì tắt bếp, thêm hành lá cắt nhỏ và rắc một ít tiêu lên bề mặt thịt, để nguội.

- Bước 4: Phần xôi sau khi nấu chín, để nguội. Dùng một cái chén nhỏ hoặc nắp lọ, đặt miếng màng bọc thực phẩm lên sau đó cho xôi vào rồi ấn xuống để tạo hình trụ tròn. Hãy nhớ thoa lên tay một ít dầu ăn để không bị dính, tiến hành làm các bước tương tự với phần xôi còn lại.

Mẹo: Để giúp cho quá trình chiên nhanh chóng hơn, bạn nên cho xôi vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút cho xôi khô mặt trước khi chiên.

- Bước 5: Dùng chảo chống dính bắc lên bếp cho nóng, cho vào một ít dầu ăn và chiên xôi cho vàng đều cả hai mặt. Khi vớt xôi ra ngoài, nên dùng giấy thấm bớt dầu để khi ăn không bị quá béo.

- Bước 6: Sau khi chiên hết phần xôi, dùng dao hoặc kéo cắt đôi miếng xôi ra và múc hỗn hợp thịt đã xào khi nãy vào để làm phần nhân, rưới thêm một ít tương ớt hoặc thêm một tí ruốc vào tùy theo sở thích.

Xôi chiên nhân thịt chứa đựng đủ hương vị mặn, ngọt, béo. Vị mặn từ phần nhân, vị ngọt nhẹ, mọng nước từ các loại rau củ, vị béo từ phần vỏ giòn rụm, vàng ươm.

Nhân dịp ngày Tết Hạ Nguyên này, bạn có thể trổ tài chế biến món ăn này để làm cho mọi người trong gia đình đều phải tấm tắc khen ngon khi thưởng thức.

Ảnh: Food News

Mách bạn các món ăn chay thanh đạm cho ngày Tết Hạ Nguyên

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số món ăn chay sau đây để mang đến một bữa ăn vừa thanh đạm vừa đầy đủ dưỡng chất cho ngày Tết Cơm mới này:

Đậu mơ hấp lá sen

Nếu như gà hấp và thịt luộc là các món ăn mặn không thể thiếu trong các dịp lễ như Tết Hạ Nguyên thì đậu mơ hấp lá sen được xem là món chay đặc trưng mà bất kỳ mâm cơm của gia đình nào cũng có, nhất là các gia đình miền Bắc.

Phần xôi được hấp trong lá sen cùng đậu hũ béo mềm sẽ mang mùi thơm nhẹ, kèm theo đó là vị ngọt của nấm đông cô và hạt sen. Tất cả các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau tạo nên một mùi vị nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng khó cưỡng.

Nguyên liệu:

- 5 bìa đậu mơ

- 100g hạt sen

- Lá sen, bột bắp

- Gia vị: Dầu ăn, dầu hào chay, hạt nêm

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Hạt sen bỏ tim và rửa sạch, sau đó mang đi luộc tới khi chín mềm rồi tán nhuyễn, giữ lại phần nước luộc.

- Bước 2: Cho phần nước luộc lên bếp nấu sôi trở lại và cho hạt sen đã tán nhuyễn vào nấu cùng. Nêm nếm thêm 2 thìa cà phê hạt nêm và một chút dầu hào, sau đó dùng nước bột bắp để làm sánh sốt hạt sen.

- Bước 3: Rửa sạch lá sen và để ráo. Lót lá sen vào đĩa sâu lòng, xếp đậu mơ lên và rưới nước sốt hạt sen lên đậu, gói lại và mang đi hấp trong khoảng 5 phút đến khi lá sen toát mùi thơm là được.

Chú ý:

- Nên chọn đậu mơ có kích thước to bằng 2 ngón tay khép, mềm, béo và thơm hơn miếng đậu phụ thông thường.

- Chọn mua những lá sen già, ngả màu xanh đậm, không rách nát để gói món ăn, vì như thế món ăn mới được hương thơm dịu từ lá sen.

Món ăn này được đảm bảo hương vị trọn vẹn nhất khi thưởng thức lúc còn nóng hổi. Hương vị béo bùi của đậu mơ cùng với vị thơm ngọt thoang thoảng của lá sen chính là những yếu tố khiến cho đậu mơ hấp lá sen trở thành món ăn truyền thống phù hợp nhất cho ngày Tết Hạ Nguyên năm nay.

Ảnh: ngoisao.vn

Gỏi chay

Khi nhắc đến các món ăn chay cho ngày Tết Hạ Nguyên thì gỏi chay vẫn luôn là món ăn được nhiều người ưa chuộng do không chỉ có hương vị thơm ngon mà lại còn tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nguyên liệu để chế biến món gỏi chay cũng khá đơn giản, dễ kiếm và công thức lại dễ làm.

Nguyên liệu:

- 200g bắp cải tím

- 1 miếng đậu hũ chiên

- 200g chả lụa chay

- 50g bắp chuối

- 10g húng quế

- 100g giá đỗ

- 1 củ cà rốt

- 10g đậu phộng

- 1/2 muỗng canh đường trắng

- 1/2 muỗng cà phê muối

- 1/2 muỗng cà phê ớt băm

- 1/2 muỗng cà phê tỏi băm

- 2 muỗng canh Cocacola

- 2 trái dưa leo

- 1/2 trái chanh

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Bắp cải tím cắt nhỏ, cà rốt bào sợi, dưa leo, chả lụa chay và đậu hũ chiên, rau thơm cắt thành từng miếng vừa ăn.

- Bước 2: Pha hỗn hợp nước mắm chay gồm có muối, đường, nước coca cola, ớt tỏi băm và vắt nửa trái chanh vào. Khuấy đều tay để phần đường và gia vị hòa, nêm nếm và bổ sung gia vị sao cho vừa khẩu vị.

- Bước 3: Cho tất các nguyên liệu vào tô và rưới nước mắm chay vào trộn đều cho thấm. Đậu phộng rang, bóc vỏ và giã nhuyễn, trộn một nửa phần đậu phộng vào trong gỏi, phần còn lại để trang trí lên trên.

Việc lựa chọn các món ăn thanh đạm như gỏi chay cho ngày lễ Tết Hạ Nguyên ắt hẳn sẽ mang đến cho gia đình một bữa ăn vừa ngon mà lại dinh dưỡng, giúp cơ thể thanh lọc hiệu quả.

Ảnh: Bản tin TP. HCM

Xôi chiên nấm chay

Đối với những gia đình không ăn mặn, xôi chiên nấm chay sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo cho bữa ăn ngày Tết Hạ Nguyên.

Không giống như món xôi chiên truyền thống, món ăn này đã thay thế phần nhân thịt bằng các loại nấm và rau củ bổ dưỡng giúp cho người ăn cảm nhận được hương vị thơm ngon tự nhiên nhưng không kém phần hấp dẫn.

Nguyên liệu:

- 500g gạo nếp

- 50g nấm đông cô

- 30g nấm mộc nhĩ

- 100g đậu hũ

- 30g củ sắn dây

- 30g cà rốt

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Ngâm nấm trong nước nóng khoảng 5 - 10 phút sau đó đem đi rửa sạch, để ráo.

- Bước 2: Cắt nhỏ đậu hũ thành những miếng mỏng. Đối với nấm đông cô, nấm mộc nhĩ, củ sắn và cà rốt dùng dao băm nhuyễn.

- Bước 3: Trộn đều hỗn hợp rau củ, đậu hũ với 1/2 muỗng cà phê muối ăn, 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm chay, 1 muỗng nước tương.

- Bước 4: Cho 20ml dầu ăn và hỗn hợp trên vào chảo, sau đó xào trên lửa lớn trong 3 phút.

- Bước 5: Sau khi vo sạch 500g gạo nếp, cho vào xửng và hấp trong 40 phút.

- Bước 6: Khi xôi đã chín, để nguội rồi lấy một lượng xôi vừa đủ, cho nhân vào theo tỷ lệ 2:1, rồi vo thành từng viên tròn vừa ăn.

- Bước 7: Cho dầu vào chảo, đợi đến khi dầu nóng thì bắt đầu chiên xôi và trở thường xuyên sao cho bề mặt xôi vàng đều.

Vậy là bạn đã có ngay một món xôi chiên nấm chay “nóng hổi vừa thổi vừa ăn” cho ngày Tết Hạ Nguyên. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng chung với nước tương tỏi ớt, để tăng thêm phần đậm đà cho món ăn.

Ảnh: Aji-ngon

Xôi ngũ sắc

Một món ăn quen thuộc khác của các gia đình Việt trong ngày Tết Hạ Nguyên chính là món xôi ngũ sắc.

Không những có đầy đủ sắc màu bắt mắt, món xôi ngũ sắc này còn đủ vị ngọt ngào, thơm ngon. Bên cạnh đó, món xôi này cũng rất thích hợp để bày trí cho mâm cúng thêm trang trọng và đẹp mắt hơn.

Nguyên liệu:

- 1kg gạo nếp

- 200ml nước cốt dừa

- 2 muỗng canh nước cốt lá dứa

- 2 muỗng canh nước cốt dành dành (hoặc nước cốt nghệ tươi)

- 2 muỗng canh nước cốt lá cẩm

- 2 muỗng canh cơm gấc

- 1 muỗng canh rượu trắng

- 3 muỗng canh đường

- 1/2 muỗng cà phê muối

- Muối mè (ăn kèm)

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Vo sạch gạo nếp qua 2 - 3 lần nước, rồi ngâm trong 6 tiếng hoặc qua đêm cho gạo nếp nở ra, tiếp đó vớt gạo ra để ráo.

- Bước 2: Chia phần gạo nếp đã ngâm làm 5 phần bằng nhau. Cho lần lượt mỗi phần gạo nếp ngâm riêng với 2 muỗng canh nước cốt lá cẩm, 2 muỗng canh nước cốt lá dứa, 2 muỗng canh nước cốt dành dành, 2 muỗng canh cơm gấc. Còn 1 phần ngâm với nước lạnh để thu màu tự nhiên của nếp, ngâm trong khoảng 2 giờ.

- Bước 3: Sau khi ngâm, cho gạo nếp vào xửng hấp, chia ranh giới giữa các màu bằng giấy nến. Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, thêm 1 lít nước nấu sôi, cho xửng hấp lên, đậy nắp và hấp 30 - 40 phút. Cứ sau mỗi 10 phút thì mở nắp, dùng khăn khô lau hơi nước trên nắp để tránh khiến cho xôi bị nhão.

- Bước 4: Cho vào tô 200ml nước cốt dừa, 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê muối, trộn đều. Tiếp đó, chan đều hỗn hợp nước cốt dừa lên mặt xôi, xới đều lên, hấp thêm 1 - 2 phút nữa là được.

Xôi ngũ sắc rất bắt mắt và hấp dẫn, phần gạo nếp mềm dẻo, thấm vị beo béo của cốt dừa rất ngon. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn kèm xôi ngũ sắc ăn với muối mè đường hoặc muối đậu phộng để món ăn thêm phần ngon miệng hơn.

Ảnh: VnExpress

Mít non rim ngũ vị

Trong trường hợp bạn vẫn còn đắn đo không biết Tết Hạ Nguyên nên ăn món chay gì cho phù hợp mà không kém phần độc đáo, mít non rim ngũ vị sẽ là một món ăn hấp dẫn mà bạn nên tham khảo.

Mít non được rim cùng 5 loại gia vị đặc biệt sẽ tỏa ra mùi thơm phưng phức đánh thức mọi vị giác. Miếng mít dẻo, dai thấm tháp với gia vị vừa ngọt, mặn, cay,... rất đưa cơm, ngon tròn vị.

Nguyên liệu:

- 500g mít xanh

- 1 cây hành baro

- 1 lít nước dừa

- 1 quả ớt sừng

- Ngò rí

- Gia vị: Muối, đường, ngũ vị hương, tương ớt, ớt bột, nước mắm chay, hạt nêm chay, tiêu xay, dầu hào

Chi tiết cách làm:

- Bước 1: Gọt bỏ vỏ mít non, rửa với nước cho thật sạch. Tiếp theo, cắt mít thành những miếng nhỏ vừa ăn (dày khoảng 3cm), không cắt quá nhỏ để tránh mít bị vỡ vụn khi kho. Rửa sạch hành baro, ớt sừng, ngò rí, sau đó mang hành baro cắt nhỏ, ớt sừng băm nhuyễn, ngò rí ngắt lấy đọt để riêng cùng với một ít hành paro và xíu ớt sừng để trang trí.

- Bước 2: Cho vào nồi 600ml nước lọc, đun sôi. Khi nước sôi, cho vào nồi một ít muối rồi cho mít non vào luộc trong khoảng 10 - 15 phút. Vớt mít ra, cho vào tô rồi ướp với ớt sừng băm nhuyễn, 1 muỗng canh hành baro, 1 muỗng cà phê hạt nêm chay, 1/2 muỗng cà phê muối, 1 ít tiêu xay và 2 muỗng canh nước mắm chay. Trộn đều lên cho mít thấm đều các gia vị và ướp trong khoảng 3 - 5 phút.

Mẹo: Để mít non có thể ngả sang màu hồng hồng đẹp mắt và nhanh chín hơn, bạn có thể cho một ít baking soda vào nước luộc mít.

- Bước 3: Cho vào chảo 2 muỗng canh dầu ăn, đun sôi sau đó cho thêm 1,5 muỗng canh đường, khuấy đều đến khi đường chuyển sang màu caramel. Tiếp theo, cho phần hành baro còn lại vào chảo, xào sơ rồi cho mít non đã ướp vào. Chiên mít đến khi mít ngả vàng thì tắt bếp, cho mít vào một chiếc nồi khác để kho.

- Bước 4: Cho 500ml nước dừa tươi vào nồi mít kho, chờ khoảng 30 - 40 phút cho nước dừa cạn bớt đi, mít thấm đều các gia vị thì tắt bếp. Cho món ăn ra dĩa, trang trí thêm ít ớt sừng, hành lá, đọt ngò rí lên nữa là hoàn thành món ăn.

Phần mít non bùi bùi, ngon ngọt kết hợp cùng nước dừa kho đậm vị, tất cả tạo nên một món ăn vô cùng thơm ngon. Còn gì tuyệt vời hơn việc được thưởng thức món mít non rim mặn ăn với cơm trắng nóng dẻo trong dịp Tết Hạ Nguyên năm nay cùng những người thân yêu.

Ảnh: Nhà hàng chay Bếp Xanh An Duyên

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.