Từ bao đời nay, người Việt coi “lời chào cao hơn mâm cỗ” và rất trọng phép tắc, lễ nghĩa. Theo đó, trẻ nhỏ khi nói chuyện với người lớn phải “vâng, ạ, dạ, thưa” và gặp người lớn cũng phải cúi đầu chào trước. Nếu không đứa trẻ đó là trẻ hư, và người mẹ đó bị chê trách là “không biết dạy con”.
Vào những dịp cả gia đình quây quần, sum họp bên nhau, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền sắp tới, một trong những nỗi lo ngay ngáy của bố mẹ, là liệu con mình có ngoan ngoãn, gặp ai cũng chào, cũng thưa dạ hay không? Nhỡ nó lầm lì không nói câu gì, thì bố mẹ “xấu hổ” lắm. Hiểu được tâm tư này, mới đây bác sĩ Anh Nguyễn đã có những chia sẻ rất thú vị xung quanh chuyện “vâng, ạ, dạ, thưa” của trẻ nhỏ.
Con chào hỏi, vâng ạ dạ thưa với người lớn là điều bất cứ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn. (Ảnh: Soha) |
‘Tết đến, con tôi không ạ ông bà’
Tôi nhận được điều băn khoăn này của một người mẹ trẻ: Tết gần đến rồi, mà bé cứ lầm lầm lì lì khi gặp ông bà và mọi người. Bé đã 24 tháng tuổi, bình thường bé có thể nói "ạ" và "dạ", nhưng những lúc bảo bé "ạ" và "dạ" khi gặp người lớn tuổi như ông bà của bé, thì bé cứ lầm lì mà không "ạ" gì. Liệu có phải bé quá lì hay có sự phát triển bất thường gì không? Hơn nữa, khi nghe cháu biết nói, ông bà cũng mong đợi 1 đứa cháu ngoan và vâng lời, nhưng như vậy sẽ làm ông bà thất vọng và chê trách là "không biết dạy con".
“Lì” ở trẻ con – chuyện vui của não bộ
Trẻ con "lì" nói, lì "ạ", lì trả lời và lì "làm theo yêu cầu của bạn".
Bạn có bao giờ tự hỏi: Con tôi từ 12 - 19 tháng tuổi thích nói bất cứ những gì tôi nói, tôi bảo bé "ạ", bé "ạ" ngay và thậm chí "ạ" nhiều lần. Bé thích nói bi bô "gà", "xe hơi", "con đói".
Nhưng mọi chuyện thay đổi
Con tôi dần chẳng chịu nói gì. Nhiều lúc dạy bé nói hoài một câu, bé chẳng chịu lập lại. Bảo bé "dạ" khách đến nhà chơi, bé chỉ chạy ra phía sau chân tôi, mặt cúi xuống và chẳng nói gì.
Điều gì xảy ra? Khoa học nói gì?
Gs. Amanda, ĐH Columbia, Mỹ đã cho biết: Các vùng não bộ chi phối cho hoạt động học và phản ứng ngôn ngữ. Giai đoạn trước 2 tuổi là lúc trẻ học ngôn ngữ, ngôn ngữ đối với trẻ rất mới lạ và trẻ hào hứng với âm và ngữ điệu. Chính điều này làm trẻ hứng thú với việc phát âm và lập lại điều cha mẹ nói. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn 2 - 3 tuổi, 3 vùng não bộ gồm Anterior Cingulate, Prefrontal Cortex, Orbitofrontal Cortex bắt đầu phát triển để hình thành tính độc lập ở trẻ để giúp trẻ đối phó với các tình huống cần phân tích sâu hơn trong đáp ứng cảm xúc xã hội (VD người lạ). Trong giai đoạn này, trẻ nghe điều bạn bảo, nhưng trẻ không hẳn sẽ lập lại điều bạn bảo, tuy nhiên não trẻ vẫn đang tiếp nhận nó như máy thu. Những biểu hiện đứng nép mình, cúi nhìn hay len lén nhìn ai đó hoặc lầm lì chỉ là những biểu hiện bình thường của các hoạt động khởi đầu cho phối hợp 3 vùng nêu trên để trẻ phát triển tính độc lập và sự tự điều chỉnh cảm xúc.
Không có gì sai khi trẻ không muốn "dạ vâng" với một ai đó. (Ảnh: Istock) |
Khi nào trẻ hoạt bát trở lại và thích nói luyên thuyên?
"Ngày đó sẽ không xa !" Từ 3 - 6 tuổi, bạn sẽ ngạc nhiên, thậm chí nhức đầu với việc nói luyên thuyên của trẻ, cái gì cũng hỏi, thậm chí biết giải thích, diễn giải và cũng có lúc sẽ lè nhè trong việc vòi vĩnh điều gì. Khi đó, việc phối hợp 3 vùng nêu trên đã hoàn tất. Tức là, tính hiệu từ 2 vùng Prefrontal Cortex và Orbitofrontal Cortex sẽ truyền cho Anterior Cingulate để quyết định 2 tác vụ là nhận thức và cảm xúc. Kết quả sự phối hợp này là trẻ đáp ứng điều bạn bảo, hỏi, thậm chí giải thích, đôi lúc câu giải thích của trẻ "rất ngây ngô" theo kiểu trẻ con.
Cha mẹ làm gì khi trẻ “lì” đáp ứng
Không có gì sai khi trẻ trong độ tuổi 2-3 tuổi "lì" đáp ứng "dạ hoặc vâng" đối với một ai đó. Cha mẹ cũng không nên ép bé phải "dạ" khi trẻ không muốn "dạ".
Khi gặp người lạ (ông bà không sống cùng gia đình cũng được xem là người lạ, bé xem tất cả ai nếu không gặp bé ít nhất 3 tiếng mỗi ngày thì đối với bé đều là người lạ) , cha mẹ có thể nói chuyện 1 lúc với người này, có thể bế bé vào lòng để bé xem phản ứng của cha mẹ với người này. Bé sẽ dễ quen và chịu giao tiếp hơn.
Điều cha mẹ nên tránh
Cha mẹ hay nói như thế này "Sao con lì mặt ra vậy, nói dạ đi con", "Nó lì lắm, lúc nào dạ thì dạ, lúc không thì không nói lời gì"
Thực tế, những câu nói đó có thể ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Lí do vì như đã nói ở trên, trẻ không lập lại hay đáp ứng vì trẻ không muốn do não bộ đang học sự phân tích, tuy nhiên trẻ vẫn đang ghi nhận, sự ghi nhận những lời nói tiêu cực từ cha mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến phân tích nhận thức của trẻ.
Cha mẹ được khuyên: Cứ thong thả và thư giản khi bé lì không đáp ứng, cha mẹ cứ kiên nhẫn tạo tình huống để khuyến khích bé nói "xin chào" với mọi người và bất cứ vật nuôi nào, và cũng không nên nói hay chỉ trích trẻ khi trẻ không nói. Vì mẹ luôn là người mẹ thông thái và hiểu con.