Thầy trò sáng chế máy bán phở tự động

Một nhóm sinh viên khoa Cơ khí chế tạo máy - trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dưới sự hướng dẫn của thầy trưởng khoa đã sáng tạo thành công máy bán phở tự động gây chú ý trong cộng đồng.

Hành trình sáng tạo của thầy trò khoa Cơ khí

thay tro sang che may ban pho tu dong
Nhóm 3 sinh viên bên cạnh máy bán phở tự động (từ trái qua) Nguyễn Hào Quang, Vòng Lỷ Phu, Phạm Ngọc Diện. (Ảnh: NVCC)

Với ý tưởng khách hàng sẽ được phục vụ bởi máy móc tự động, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đặt hàng PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy - trường ĐH SPKT TP.HCM) sản xuất máy bán phở tự động. PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh đã chọn nhóm 3 bạn sinh viên năm cuối gồm: Phạm Ngọc Diện, Vòng Lỷ Phu, Nguyễn Hào Quang thuộc khoa Cơ khí chế tạo máy để đặt hàng sản phẩm.

Ngay khi nhận được đặt hàng từ thầy trưởng khoa, nhóm 3 sinh viên đã bắt tay vào mày mò, nghiên cứu. Sau 6 tháng với nhiều lần tiến hành thử nghiệm, chỉnh sửa khắc phục lỗi, máy bán phở tự động ra đời thành công và được xem là máy bán phở tự động đầu tiên tại Việt Nam.

Với ý tưởng của khách hàng tương đối khó, nhất là trước đây chưa từng có sản phẩm máy bán phở tự động nào để tham khảo, nhóm các bạn sinh viên cho biết các thành viên đã phải làm việc cật lực. “Đây là một loại máy bán hàng loại mới chưa có tài liệu tham khảo, nên nhóm em phải lên mạng tham khảo cơ cấu các máy bán hàng tự động ở nước ngoài. Nhóm cũng bất đồng quan điểm, phải tranh luận nhiều mới lên được ý tưởng thiết kế chung”, Ngọc Diện chia sẻ.

Sau đó, nhóm tiến hành phân chia công việc đồng đều cho nhau, mỗi người một nhiệm vụ. “Chúng em chia ra người thiết kế bản vẽ kỹ thuật, người gia công cơ khí, người thiết kế điện và lập trình. Trong quá trình thực hiện, khó khăn rất nhiều do tụi em học cơ khí, chưa am hiểu nhiều về điện lạnh nên cả nhóm phải mày mò thêm kỹ thuật điện lạnh”, Hào Quang chia sẻ.

Cũng theo nhóm, các bản vẽ thiết kế khi đem ra tiệm gia công nhóm phải giải thích cặn kẽ để thợ hiểu và làm theo. Có khi nhóm phải cắt cử người ngồi kèm để thợ gia công đúng theo ý đồ.

Máy bán phở đầu tiên ở Việt Nam

thay tro sang che may ban pho tu dong
Máy bán phở tự động (ngoài cùng bên trái) cùng hai sáng chế khác của sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.(Ảnh: NVCC)

Những nỗ lực được đền đáp sau 4 tháng ngày đêm “ăn ngủ” cùng chiếc máy. Lỷ Phu cho biết: “Sau 4 tháng thực hiện, nhóm mình cũng cho chạy thử máy lần đầu tiên. Cả nhóm nhìn thành quả và ôm nhau mừng rỡ, công sức mày mò nghiên cứu đã đem đến kết quả thành công. Sau lần chạy thử đó, nhóm nghiên cứu thêm để hoàn thiện sản phẩm và chính thức cho ra mắt máy bán phở đầu tiên”.

Theo thiết kết, vỏ máy được làm bằng tôn, các bộ phận khác đều được làm bằng inox. Máy cao 2,1m, bề ngang 1,8m, nặng tầm 150 - 200 kí, có sức chứa gần 50 tô phở đã chuẩn bị sẵn bao gồm thịt, bánh phở, rau... Máy bao gồm hai phần chính: bộ phận dự trữ thực phẩm là nơi chứa các tô phở đựng sẵn bánh, thịt, rau và bộ phận vận hành làm việc.

Người mua bỏ tiền vào khe nhận tiền, tổng số tiền đưa vào sẽ được hiển thị trên màn hình. Tiếp đó, người mua chỉ cần bấm nút và bên trong máy tô phở đã đựng sẵn các nguyên liệu sẽ được chuyển từ ngăn giữ lạnh sang ngăn kế bên để trụng nóng và rót nước dùng. Khoảng 1 phút sau, tô phở sẽ được chuyển xuống khay, người mua chỉ cần mở nắp khay lấy tô phở cùng với đũa, thìa, nước tương là có thể thưởng thức.

Khi sắp hết nước dùng hoặc sắp hết tô, hệ thống máy sẽ tự động nhắn tin từ module sim (thiết bị có khả năng truyền/nhận tin nhắn) cho người quản lý để bổ sung. Các bộ phận bên trong máy đều được làm từ inox để đảm bảo được khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và luôn đảm bảo nhiệt độ trong máy từ 2 đến 8 độ C để vi khuẩn không phát sinh.

Điểm đặc biệt của máy bán phở tự động so với các loại máy khác là khi máy nhận hơn số tiền cần cấp vào máy, máy có chức năng trả tiền lại cho khách hàng. Thao tác vận hành đơn giản, đảm bảo vệ sinh an toàn cùng với việc trở thành chiếc máy bán phở tự động đầu tiên tại Việt Nam đã khiến nhiều người quan tâm đến sản phẩm sáng tạo này.

Máy sẽ được đem ra Hà Nội để triễn lãm đồng thời cũng để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp theo đơn đặt hàng. Nhóm 3 bạn sinh viên cũng đã cùng ra Hà Nội để hỗ trợ và theo dõi độ ổn định trong quá trình vận hành máy.

Nói về những sản phẩm của mình, nhóm không giấu được tự hào: “Những máy bán hàng tự động rất thịnh hành ở nước ngoài. Nhóm mong máy bán phở sẽ được doanh nghiệp hướng đến thị trường nước ngoài. Đối với nhiều người nước ngoài chỉ biết tới món phở Việt thông qua sách báo, phương tiện truyền thông. Và nếu khách khi chưa có điều kiện qua nước mình thưởng thức, thì máy bán phở tự động được đặt tại nước ngoàingoài sẽ là cách để quảng bá ẩm thực Việt ra bên ngoài”. Lỷ Phu lạc quan tâm sự.

Các thành viên cũng chia sẻ nếu nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhóm mong sẽ hoàn thiện máy hơn nữa về kích thước: nhỏ gọn hơn, đồng thời muốn cải tiến cơ cấu để máy có sức chứa được hơn 50 tô như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cũng cho biết khoa cơ khí chế tạo máy thường nhận được nhiều đơn đặt hàng từ doanh nghiệp để thiết kế, chế tạo máy phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như máy gọt vỏ nha đam, máy xắt hạt lựu cho sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, máy làm bánh giò, máy lau lá chuối, máy bóc hạt điều… Sinh viên của trường rất đam mê nghiên cứu và chịu khó học hỏi. Rất nhiều sinh viên đã nhận được lời mời làm việc từ các doanh nghiệp này.

chọn
Thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại TP Huế
Khi tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, TP Huế sẽ được chia thành hai quận riêng biệt là quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương. Cùng điểm qua những thông tin quy hoạch nổi bật tại TP Huế.