Lực lượng chức năng bắt chó thả rông ở TP HCM. Ảnh: Thanh niên |
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9, các hành vi như không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Ngoài ra, theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, UBND cấp xã được phép quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông; thành lập đội chuyên trách bắt chó; xử lý chó bị bắt không ai nhận...
Nhằm làm rõ hơn về một số vấn đề pháp lý cũng như khó khăn trong việc thực thi Nghị định 90 nêu trên, chúng tôi đã có trao đổi với luật sư Lại Thu Trang (Công ty luật Hợp danh Minh Bạch).
PV: Thời gian gần đây, đội săn bắt chó thả rông ở TP HCM nhận được nhiều ủng hộ và cũng có cả việc phản đối. Quan điểm của luật sư về vấn đề bắt chó thả rông như thế nào?
Luật sư Lại Thu Trang: Nhìn chung, chó là loài động vật được thuần hóa, nuôi từ lâu với đặc tính trung thành nên được con người tương đối yêu quý. Tuy nhiên, loài chó thường chỉ thân thiết và hiền lành với chủ nhân, người nuôi và thành viên quen thuộc trong gia đình, dễ có hành vi tấn công đối với người lạ... và nhìn chung là loài động vật có mối đe dọa đối với con người nếu được thả rông.
Đáng chú ý là chó có khả năng bị lây nhiễm và truyền bệnh dại cho con người khi bị cắn, tiếp xúc với nước dãi của chó bị dại thông qua vết thương hở... Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của chó khi được thả rông với sức khỏe và tính mạng con người.
Ngoài ra, chó thả rông có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; mất vệ sinh môi trường do phóng uế.
Chính phủ đã có quy định về việc nuôi chó đảm bảo an toàn cho cộng đồng và người nuôi cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tiêm phòng, quản lý chó ở khu vực công cộng.
Khi đã có tuyên truyền mà chủ nhân nuôi chó vẫn không tuân thủ, để ảnh hưởng đến cộng đồng thì có chế tài và thực thi chế tài là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho xã hội. Như vậy, việc bắt chó thả rông là quy định phù hợp.
Gần đây, thông tin về việc chó thả rông bị bắt sau 72h ở TP HCM nếu không ai nhận sẽ tiêu hủy bị nhiều người phản đối với lý do phản cảm, không nhân văn. Theo luật sư, nếu chó thả rông bị bắt không ai nhận nên xử lý thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng ngay khi bắt chó về, cơ quan có trách nhiệm phải tiến hành phân loại chó khỏe và chó bệnh.
Nếu sau khi bị bắt giữ sau 48 giờ (quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT) mà không có chủ nào đến nhận thì chó khỏe sẽ được nuôi 3 tháng và cho phép bán cho chủ nuôi mới trong thời gian này, mức giá theo số tiền dự kiến xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cũ của chó bị bắt do hành vi vi phạm.
Đối với chó bị bệnh mà sau 48 giờ không có chủ nuôi đến nhận và sau 3 tháng đối với chó khỏe không có người nhận nuôi (mua) thì sẽ bị tiêu hủy theo qui định về kỹ thuật tiêu hủy tại Phụ lục 06 của Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT. UBND phường, xã chịu trách nhiệm triển khai đơn vị liên quan thực hiện việc tiêu hủy.
Chó thả rông bị bắt không ai nhận: Cơ quan nào được phép tiêu hủy? Theo Chi cục Thú y Hà Nội, việc tiêu hủy chó nếu sau 72 giờ không có chủ đến nhận là cần thiết bởi đây ... |
Luật sư nhận định thế nào về việc có ý kiến cho rằng việc xử lý chó không đeo rọ mõm, thả rông không khả thi và gặp nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực thế?
Trên thực tế, việc thực thi Nghị định trên có một số khó khăn như phát sinh nhân sự, chi phí hoặc việc va chạm, phản ứng của người nuôi chó. Tuy nhiên, không thể vì khó mà không thực hiện, bởi thực hiện sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, UBND xã là đơn vị triển khai thực thi bắt chó thả rông, đồng thời có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan.
Việc thực hiện, tất yếu sẽ phải phát sinh nhiều khó khăn do cần cơ cấu tổ chức thành phần tham gia và đảm bảo việc tổ chức thực hiện được tiến hành không chỉ hiệu quả mà còn đúng theo qui định của pháp luật.
Về kinh phí, theo tôi nên lấy ngay từ tiền thu được do xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó có hành vi vi phạm để chi trả cho đơn vị chuyên trách và chi phí khác liên quan.
Khi săn bắt chó trên phố, nhiều nhân viên đội chuyên trách tại TP HCM bị chủ nuôi hành hung. Vậy thì với những đơn vị tương tự thành lập sau 15/9 khi bị hành hung thì sẽ xử lý thế nào?
Đây cũng là một trong những khó khăn khi Nghị định 90 có hiệu lực. Cụ thể là việc ý thức của một bộ phận người nuôi chó chưa tốt, hoặc do tâm lý quá yêu quý vật nuôi nên sẽ phát sinh hiện tượng chống đối.
Do đó, chính quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân có ý thức trong thực hiện các quy định về nuôi chó và chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm của mình.
Các đơn vị chuyên trách cũng cần nhắc nhở nếu chủ nuôi có mặt tại hiện trường để đưa chó về, không nên quá căng thẳng tránh gây phản ứng không cần thiết, bởi mục tiêu cao nhất là an toàn cho cộng đồng nên được đề cao hơn việc xử phạt.
Sau ngày 15/9/2017, các đơn vị lập ra để săn bắt chó trên phố theo quy định pháp luật sẽ trở thành người thi hành công vụ.
Khi những người thi hành công vụ này bị hành hung thì tùy mức độ nghiêm trọng mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Hoặc bị xử lý hình sự “Tội chống người thi hành công vụ” qui định tại Điều 257 – Bộ luật dân sự.
Xin cám ơn luật sư!
Phụ lục 15, Hướng dẫn phòng chống bệnh dại động vật (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có quy định rõ việc xử ló thả rông bị bắt không ai nhận: "c) Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận". |
Chủ nhà quyết bảo vệ chó thả rông khi bị bắt Sau khi thấy lực lượng thuộc Chi cục Thú y TP.HCM xuống đường bắt chó chạy rông, nhiều chủ của vật nuôi nhanh chân xua ... |