“Chuẩn” của hôn nhân không phải là tình yêu
Đích đến của tình yêu là hôn nhân, chẳng thế mà ta vẫn thường hô hào nhau “yêu là cưới”. “Cưới” là một động từ gây khao khát ở nhiều cặp đôi đang yêu, trai gái yêu đương nghiêm túc ai mà chẳng mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Nhưng ở thời buổi bình an quá hóa ra nhiều “loạn lạc” này, chuyện cưới rồi bỏ nhanh chỉ cách nhau đúng một cánh cửa. Vừa mở cửa đón hôn nhân, hôm sau đã đóng cửa dằn vặt nhau rồi dắt nhau ra tòa. Mà lí do thì muôn hình vạn trạng, hôm qua vừa thề nguyền sống chết, hôm nay đã nói cạn hết tin yêu. Mà, chúng ta vẫn hồ đồ nghĩ, cứ yêu là cưới, cứ yêu nhau lấy nhau về thì tất yếu sẽ hạnh phúc. Hóa ra những điều ta tưởng với những việc ta chứng kiến trong hôn nhân nó chẳng ăn khớp gì với nhau cả. Xưa xây vĩ mộng về nhau bao nhiêu, giờ thì vỡ mộng về nhau bấy nhiêu. Thì ra, hôn nhân có tình yêu thôi thì chưa đủ...
“Chuẩn” của hôn nhân cũng không phải là bạc tiền, danh vọng
“Tiền không phải là tất cả nhưng muốn có tất cả thì trước tiên ta phải có tiền”, cái chân lí ấy chẳng ai là không hiểu. Vật chất và danh vọng luôn là một trong những phương diện để người đời đánh giá hạnh phúc của một gia đình. Nhiều khi, họ hồ đồ cho rằng “có tiền là có tất cả”. Tôi từng chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình giàu có, “phì nhiêu” vật chất nhưng “bạc màu” tình cảm, ông ăn chả, bà ăn nem, con cái hư hỏng... Dân mình có cái thói “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” thế nên ai bây giờ cũng “diễn” đạt hơn cả diễn viên chuyên nghiệp, ai cũng đượm màu hạnh phúc, viên mãn trên sân khấu cuộc đời. Trong mái ấm của họ, những giọt nước mắt câm lặng không ngừng tuôn rơi, hẳn là không phải họ khóc vì quá hạnh phúc, dù họ có rất nhiều tiền, dù họ là “ông nọ bà kia”.
“Chuẩn” của hôn nhân không phải là có con cái thành đạt, giỏi giang
Ta thường bảo: “Hi sinh đời bố để củng cố đời con”, ta nghĩ vẫn đó là chân lí sống, mình hi sinh đời mình để cho con mình được phương trưởng, thành đạt cũng là xứng đáng. Nhưng cuộc đời này ta chỉ sống có một lần, ta làm vợ - thiên hạ dạy ta phải hi sinh cho chồng con, ta làm mẹ - thiên hạ bảo phải gương mẫu, phải cố nuôi con nên người, mình khổ nhưng không để con khổ, ta làm dâu – thiên hạ bảo phải yêu kính nhà chồng... Ta làm đủ thứ theo quy chuẩn của thiên hạ để được tiếng dâu thảo, vợ hiền, mẹ giỏi. Cuối cùng, ta còn lại gì cho chính ta khi cứ sống theo chuẩn mực của người khác?
Có nhiều gia đình, cả bố cả mẹ lao lung vất vả kiếm từng xu từng cắc gửi lên thành phố nuôi con ăn học. Con vừa ra trường thì lại hì hục chạy việc cho con, đứa nào lanh lợi thông minh thì tự xin việc, tự lo cho đời nó, ấy gọi là báo hiếu rồi. Vừa ngơi tay không phải lo cho nó thì trăm thứ bệnh đổ đến vì lao lực quá nhiều, chẳng dám lo gì cho bản thân, thế là sướng chưa thấy đâu đã thấy sắp về chầu tiên tổ. Ừ, thì con không ăn bám nữa rồi, nhưng giật mình nhìn lại đời mình, ta có gì tặng cho chính cuộc đời ngoài những nỗi hi sinh cho người khác? Nói ra thì bảo ích kỉ, chỉ biết sống cho mình, nhưng đời người chỉ sống có một lần, sao không cho phép mình được hạnh phúc, thụ hưởng điều mình làm ra để đến khi gục xuống vì kiệt sức, ta bất mãn và tiếc nuối quá nhiều.
Vậy, đâu mới là đích đến của một cuộc hôn nhân hoàn mĩ?
Thực ra, trên đời này chẳng có gì gọi là hoàn mĩ. Hạnh phúc thì vô vàn hình dạng: Có người bảo phải giàu thì mới sướng, có người bảo phải khỏe mới sướng, có người lại bảo phải vui thì mới là sướng, có người thì liệt kê một loạt những yếu tố cấu thành một cuộc hôn nhân “chuẩn”: Vợ đẹp, con ngoan, trong ấm, ngoài êm, bản thân có địa vị, danh vọng, có sức khỏe, gia đình họ tộc bình an...
Tôi thì chỉ nghĩ, hạnh phúc trong hôn nhân là khi ta biết chữ “đủ”. Nếu ta thấy “đủ” thì dù ta độc thân hay ta có gia đình, ta đều thấy hạnh phúc!